Lập những kỷ lục mới sau hơn 10 năm
Sau hơn 20 năm Việt Nam quay trở lại thị trường gạo thế giới, vào năm 2011, lần đầu tiên lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 7 triệu tấn. Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều năm lượng gạo xuất khẩu vượt mốc 7 triệu tấn, nhưng chưa bao giờ tiến sát tới mốc 8 triệu tấn gạo xuất khẩu. Tính đến trước năm 2023, lượng gạo xuất khẩu đạt được cao nhất trong một năm là 7,72 triệu tấn vào năm 2012.
Mãi đến năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam mới có lần đầu tiên vượt mốc 8 triệu tấn. Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, từ 1/1 đến 13/12/2023, đã có 7,931 triệu tấn gạo được bán ra nước ngoài. Với lượng gạo đã xuất khẩu đến giữa tháng 12, xuất khẩu gạo năm 2023 đã vượt qua kỷ lục về lượng của năm 2012 và chắc chắn sẽ vượt mốc 8 triệu tấn khi kết thúc năm bởi chỉ còn chưa tới 70 nghìn tấn là đạt được mốc này, trong khi còn nửa tháng để xuất khẩu.
70 nghìn tấn ấy hoàn toàn nằm trong khả năng của các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi tính trong 11 tháng năm 2023, mỗi tháng bình quân có tới hơn 700 nghìn tấn được xuất khẩu ra nước ngoài, tức là cứ nửa tháng xuất khẩu được bình quân 350 nghìn tấn. Riêng trong tháng 12/2023, từ ngày 1 đến ngày 15, đã có gần 300 nghìn tấn gạo Việt Nam được giao cho các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Cũng trong năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD về giá trị. Cụ thể, nửa đầu tháng 11, xuất khẩu gạo đạt 219 triệu USD, qua đó, đưa kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến giữa tháng 11/2023 đạt 4,155 tỷ USD, chính thức vượt qua mốc 4 tỷ USD về giá trị xuất khẩu trong một năm. Và đến giữa tháng 12/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đã đạt 4,537 tỷ USD. Con số này đã cao hơn 1 tỷ USD so với kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu tồn tại hơn 10 năm qua là 3,518 tỷ USD (năm 2011).
Nhu cầu cao, sản lượng ổn định
Thành công vượt bậc của xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2023, có tác động lớn từ thị trường thế giới. Trước hết là việc Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường (phi Basmati) vào tháng 7/2023. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với lượng xuất khẩu cao kỷ lục vào năm 2022 là 22,2 triệu tấn, cao hơn tổng lượng gạo xuất khẩu của 4 nước đứng sau là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ. Chính vì vậy, lệnh cấm của Ấn Độ ngay lập tức đã tác động tới thị trường gạo toàn cầu, khiến cho giá gạo trên thị trường tăng cao.
Với gạo Việt Nam, trước thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường, giá chào bán loại 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới ở mức hơn 530 USD/tấn. Sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng dần lên và vượt mốc 600 USD/tấn (gạo 5% tấm) vào những ngày đầu tháng 8/2023. Từ đó cho đến hết năm 2023, giá gạo Việt Nam tuy có lúc tăng lúc giảm, nhưng thường xuyên ở mức hơn 600 USD/tấn.
Nhờ giá nhiều loại gạo xuất khẩu tăng cao, giá xuất khẩu bình quân đã tăng mạnh trong năm 2023. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của nước ta đạt 667 USD/tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá bình quân trong một tháng cao nhất kể từ trước đến nay. Tính chung trong 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 568 USD/tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh đã kéo theo giá lúa trong nước. Đầu tháng 12/2023, giá các loại lúa gạo hàng hóa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn 39 – 50% so với cùng kỳ 2022.
Nhu cầu tăng cao ở nhiều thị trường cũng đã góp phần quan trọng vào những kỷ lục xuất khẩu gạo năm 2023. Riêng thị trường Indonesia, sau khi nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để dự trữ, trong những tháng cuối năm đã tiến hành mua thêm 1,5 triệu tấn gạo do sản xuất lúa của nước này bị ảnh hưởng mạnh bởi El Nino và giá gạo trên thị trường nội địa tăng cao.
Nhìn lại năm 2023, phần lớn các thị trường quan trọng đều tăng nhập khẩu gạo Việt Nam. Trong đó, Indonesia là nước tăng mua nhiều nhất. Nếu như 11 tháng năm 2022, chỉ có hơn 68 nghìn tấn gạo Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia, thì 11 tháng năm 2023, con số này là hơn 1,12 triệu tấn, tăng tới 16,3 lần.
Thị trường Trung Quốc tuy giảm nhập khẩu trong những tháng cuối năm, nhưng tính chung trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng 10,9% về lượng so với cùng kỳ, đạt 896 nghìn tấn
Lượng gạo xuất khẩu sang nhiều thị trường khác cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2022 như: Ghana tăng 33,2%; Singapore tăng 32%; Mozambique tăng 57,9%; UAE tăng 21,4%; Đài Loan tăng 99,1% ... Đặc biệt, Senegal tăng 330,2%, Chile tăng 2.890%.
Ngoài các thị trường truyền thống, xuất khẩu gạo sang các thị trường cao cấp như Mỹ và EU cũng tăng trưởng rất ấn tượng trong năm 2023. Cụ thể, Mỹ tăng 43,7%; Ba Lan tăng 107,6%; Bỉ tăng 105,7%; Tây Ban Nha tăng 140,3%. Điều này cho thấy gạo Việt Nam đang ngày càng được nâng cao về chất lượng và uy tín trên thị trường thế giới.
Một thành công quan trọng của lúa gạo Việt Nam trong năm 2023 là vẫn giữ được sản lượng trong bối cảnh sản xuất lúa gạo ở nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Theo ước tính của Cục Trồng trọt, tổng sản lượng lúa cả nước năm 2023 đạt trên 43 triệu tấn, tăng khoảng nửa triệu tấn so với năm 2022. Nhờ giữ vững được sản lượng, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tăng cao của nhiều nước nhập khẩu gạo trong năm qua. Qua đó có những đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực toàn cầu.
Dấu ấn quan trọng nhất của ngành lúa gạo Việt Nam trong năm 2023 là Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị. Đề án sẽ áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Xuất khẩu gạo 2024 vẫn sẽ tốt
Trong báo cáo tháng 12/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, niên vụ 2023-2024, sản lượng gạo toàn cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục 518,1 triệu tấn (xay xát), tăng 5,1 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023. Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 được USDA dự báo đạt kỷ lục 525 triệu tấn, tăng gần 4,1 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023. Như vậy, nhu cầu sẽ cao hơn sản lượng tới khoảng 7 triệu tấn.
Trong khi đó, lượng gạo tồn kho toàn cầu đang có xu hướng giảm. USDA dự báo tồn kho cuối kỳ trên toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 dự kiến ở mức 167,8 triệu tấn, thấp hơn 7 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023 và là mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, với dự báo như trên của USDA, cộng với việc Ấn Độ dự kiến tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường đến năm 2024, thì xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục thuận lợi.