Ấn Độ sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đến năm 2024. Hỗ trợ gần 8.000 hộ nông dân sản xuất hồ tiêu bền vững. Xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 sẽ đến sớm, sâu và kéo dài. Gạo Việt Nam được thị trường EU đón nhận.
ẤN ĐỘ SẼ DUY TRÌ LỆNH CẤM XUẤT KHẨU GẠO ĐẾN NĂM 2024
Khai thác
Ấn Độ, nướcxuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, dự kiến sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo trong năm 2024. Động thái này có thể giữ giá gạo ở mức gần mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008. Nước này đã áp đặt thuế xuất khẩu và mức giá tối thiểu, đồng thời cấm xuất khẩu các loại gạo trắng không thuộc loại basmati. Giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm trong tháng 8/2023. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo trong tháng 10/2023 vẫn cao hơn 24% so với một năm trước.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo, ông Krishna Rao cho biết chính quyền Thủ tướng Modi muốn đảm bảo có đủ nguồn cung trong nước và giảm bớt tình trạng tăng giá. Việc đảm bảo nguồn cung có sẵn để hỗ trợ chương trình thực phẩm miễn phí của đất nước, mang lại lợi ích cho trên 800 triệu người dân, là ưu tiên hàng đầu của chính phủ. Theo đó, chương trình này sẽ được kéo dài thêm 5 năm.
HỖ TRỢ GẦN 8.000 HỘ NÔNG DÂN SẢN XUẤT HỒ TIÊU BỀN VỮNG
Minh Quý - Phương Chi - Sản xuất
Ngày 20/11, tổ chức IDH phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam và các đơn vị đối tác tổ chức tổng kết Dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam”.
Dự án do Liên minh châu Âu (EU) và IDH tài trợ, được thực hiện trong giai đoạn 2021-2023 tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được những lợi ích từ các cam kết thương mại song phương. Trong đó, dự án tập trung vào việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam; thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Việt Nam sang EU.
Sau 3 năm triển khai, Dự án đã góp phần cải thiện đời sống của gần 8.000 hộ nông dân trên diện tích 8.500 ha trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên và giúp các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hồ tiêu tăng sản lượng bền vững. Huy động sự tham gia của 12 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu Việt Nam.
XÂM NHẬP MẶN MÙA KHÔ 2023 - 2024 SẼ ĐẾN SỚM, SÂU VÀ KÉO DÀI
Khai thác
Tỉnh Bến Tre đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024. Các ngành chuyên môn nhận định xâm nhập mặn sẽ đến sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn khả năng sẽ xâm nhập vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11/2023. Trong tháng 12/2023, xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn, đợt 1 từ ngày 7 đến ngày 12 và đợt 2 từ ngày 21 đến ngày 26. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 2 và 3/2024.
Độ mặn 1‰ (một phần nghìn) có khả năng xâm nhập toàn khu vực Bến Tre từ tháng 1 đến tháng 5/2024, nhất là các hệ thống sông Hàm Luông, Cửa Đại, kênh Giao Hòa-An Hóa vào sông Ba Lai, do tác động thêm của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn tỉnh và tại các địa phương giáp ranh tỉnh, sự vận hành các đập trên sông Mekong theo hướng tích nước.
GẠO VIỆT NAM ĐƯỢC THỊ TRƯỜNG EU ĐÓN NHẬN
Khai thác
Với thị trường EU, Việt Nam đã có những cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường này. Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đối với sản phẩm gạo của nước ta khi xuất khẩu sang thị trường EU trong nhiều năm trở lại đây, dưới dự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với các địa phương, không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU bị cảnh báo. Như vậy, chất lượng gạo Việt đều đáp ứng hoàn toàn yêu cầu từ thị trường khó tính này. Đặc biệt, đây là một trong những thị trường đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn cao.
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,46 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486,2 USD/tấn, giảm 7,7% so với mức bình quân năm 2021.