| Hotline: 0983.970.780

Nan giải bài toán nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 26/07/2023 , 10:08 (GMT+7)

Mỗi xã ở huyện Nghĩa Hành cần hàng chục tỷ đồng để đáp ứng bộ tiêu chí mới trong khi vốn đầu tư công cho mỗi địa phương hàng năm chỉ 900 triệu đồng.

Huyện Nghĩa Hành đã 'thay da đổi thịt' sau quá trình xây dựng NTM. Ảnh: L.K.

Huyện Nghĩa Hành đã "thay da đổi thịt" sau quá trình xây dựng NTM. Ảnh: L.K.

Được công nhận huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2019, Nghĩa Hành là huyện NTM đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là kết quả đáng ghi nhận của chính quyền và người dân toàn huyện khi Nghĩa Hành vốn là 1 huyện vùng trung du, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Cuộc sống của bà con những năm trước còn gặp nhiều khó khăn.

Sau 1 chặng đường dài thực hiện các mục tiêu về xây dựng NTM, đến nay, trở về địa phương này có thể nhìn thấy những thay đổi rõ nét. Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, đường bê tông đến từng ngõ xóm; cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang góp phần làm khởi sắc diện mạo nông thôn.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, huyện này cũng đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Nhiều địa phương trong huyện hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ổn định cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện đáng kể.

Điển hình có thể thấy rõ nhất chính là chiến lược phát triển cây ăn quả ở các xã như Hành Minh, Hành Nhân, Hành Tín Đông. Tại đây, những khu vườn với các loại cây có giá trị như sầu riêng, mít thái, chôm chôm… không chỉ giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn tạo được cảnh quan làng quê xanh, sạch, đẹp.

Mô hình phát triển cây ăn quả không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn góp phần tạo không gian xanh, sạch, đẹp ở vùng nông thôn Nghĩa Hành. Ảnh: L.K.

Mô hình phát triển cây ăn quả không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà còn góp phần tạo không gian xanh, sạch, đẹp ở vùng nông thôn Nghĩa Hành. Ảnh: L.K.

Nghĩa Hành cũng được biết đến là 1 huyện có nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, đặc biệt là nuôi bò vỗ béo theo quy mô nông hộ. Dù mỗi gia đình chỉ chăn nuôi vài chục con bò nhưng cũng đem lại mức lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Có thể kể đến như trại nuôi của gia đình ông Trần Văn Trúc (trú thôn An Phú, xã Hành Thuận).

Ông Trúc cho biết, hiện nay, trại nuôi của gia đình ông đang nuôi khoảng 40 con bò siêu thịt 3B. “Lợi thế của chăn nuôi bò vỗ béo ở địa phương chúng tôi là tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, giúp giảm chi phí đầu vào. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán từ 15-20 con bò thịt. Sau khi trừ chi phí, tôi cũng lãi được khoảng 300 triệu đồng. Nhờ hiệu quả như vậy nên tại địa phương chúng tôi có rất nhiều hộ áp dụng mô hình”, ông Trúc chia sẻ.

Theo phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành, ngoài những mô hình phát triển cây ăn quả, chăn nuôi, trên địa bàn cũng đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa người dân với doanh nghiệp. Giá trị của các mặt hàng nông sản cũng được tăng lên đáng kể. Nhờ đó, mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đến nay đã đạt mức trên 50,4 triệu đồng/người/năm.

Nhiều hộ nông dân ở Nghĩa Hành nuôi bò vỗ béo cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: L.K.

Nhiều hộ nông dân ở Nghĩa Hành nuôi bò vỗ béo cho nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: L.K.

Ông Lê Quang Nhu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết, từ những kết quả đã đạt được, huyện Nghĩa Hành đã xây dựng kết hoạch xây dựng NTM đến năm 2025 với mục tiêu duy trì 11/11 xã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng thời, đến thời gian nói trên, huyện Nghĩa Hành cũng sẽ trở thành huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Mặc dù vậy, mục tiêu này đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về nguồn lực. Rà soát theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 thì mỗi xã cần từ 20 - 30 tỷ đồng để đầu tư, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí. Riêng tiêu chí cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn mức độ 2 ở mỗi xã ước tính mất đến khoảng 9 tỷ đồng, chưa kể đến những công trình khác còn hao mòn theo thời gian.

Trong khi đó, hiện nay, nguồn vốn đầu tư công được phân bổ hàng năm cho mỗi xã chỉ 900 triệu đồng, cộng với vốn đối ứng của huyện cũng chỉ được hơn 1 tỷ đồng. Mặt khác, người dân trong huyện chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, điều kiện kinh tế cũng không mấy khá giả nên việc huy động nguồn lực trong nhân dân là rất khó.

“Với vốn đầu tư như vậy chỉ có thể đáp ứng cho việc nâng cấp 1 số tuyến đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, đầu tư các trung tâm văn hóa thể thao xã hay các điểm công cộng ngoài trời… Vậy nên, thực tế như vậy nên sẽ khó đáp ứng được kế hoạch đề ra.

Mặc dù vậy, huyện cũng sẽ chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng thời kiến nghị với tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí. Những nội dung nào dễ, cần ít vốn thì thực hiện trước, khi có nguồn lực thì tập trung vào các tiêu chí cần nhiều vốn, từng bước hoàn thiện dần”, ông Lê Quang Nhu nói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.