| Hotline: 0983.970.780

Xã hội hóa để gỡ khó về vốn trong xây dựng NTM ở Phú Xuyên

Thứ Hai 24/07/2023 , 06:39 (GMT+7)

Trước khi xây dựng nông thôn mới (NTM), Phú Xuyên là huyện có xuất phát điểm vào dạng thấp của TP Hà Nội, trung bình các xã mới đạt từ 5 đến 6 tiêu chí.

Và đặc biệt là các tiêu chí chưa đạt đều liên quan đến đầu tư, cần nguồn vốn lớn để khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu về hạ tầng sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội. Vậy nhưng Phú Xuyên đã có cuộc vận động, tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của NTM đến với toàn thể người dân cũng như cán bộ các cấp để từ đó tạo ra sự chung sức, đồng lòng trong việc thực hiện.

Trong phát triển nông nghiệp, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 9.060ha đất trong đó có 2.830ha được chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa chất lượng cao 400ha, thủy sản 300ha, rau an toàn ở xã Minh Tân 159ha, rau cần ở xã Khai Thái 30ha, bưởi thồ ở xã Bạch Hạ 40ha. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cụ thể ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 55,93%, thương mại - dịch vụ 29,1%, nông lâm thủy sản 15,6%.

Máy cấy xuống đồng. Ảnh: NNVN.

Máy cấy xuống đồng. Ảnh: NNVN.

Thực tế cho thấy, Phú Xuyên đã tháo gỡ thế khó khăn về vốn trong xây dựng NTM bằng cách xã hội hóa để kêu gọi sự chung tay ủng hộ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, của nhân dân cũng như của các con em xa quê thành đạt. Cụ thể, người dân trong huyện đã đóng góp 43.690 ngày công, 276.347 triệu đồng và hiến hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp cũng như đất ở trị giá hàng chục tỉ đồng để mở rộng cơ sở hạ tầng công cộng, đường giao thông nông thôn.

Tiêu biểu có thể kể đến như gia đình ông Phạm Quang Bửu ở xã Phúc Tiến ủng hộ hơn 300 triệu đồng để xây kè giếng đình và làm đường giao thông cho thôn; gia đình bà Nguyễn Thị Lân và ông Vũ Văn Phú ở xã Đại Thắng mỗi nhà ủng hộ gần 100 triệu đồng để làm đường giao thông cho thôn và kè ao hồ; gia đình ông Vũ Anh Đào ở xã Phúc Tiến hiến gần 40m2 đất thổ cư trị giá vài trăm triệu đồng để mở rộng đường giao thông cho thôn, giúp dân làng đi lại thuận tiện.

Ở những xã xây dựng NTM nâng cao, việc xã hội hóa càng thể hiện rõ nét. Như ở xã Tri Trung, trong 2 năm qua đã huy động được 131 tỷ đồng triển khai xây dựng NTM nâng cao trong đó có 8,2 tỷ đồng là vốn xã hội hoá. Nhờ đó mà xã có 3 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong đó có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Xã cũng đã xây dựng được trung tâm văn hoá thể thao quy mô hơn 8.800m2 khang trang, sạch đẹp, các nhà văn hoá, khu thể thao thôn với những sân bóng chuyền, cầu lông sáng, chiều người dân tập thể dục thể thao…Xã không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản như một số địa phương khác.

Đường giao thông khang trang nhờ nhân dân đóng góp. Ảnh: Tư liệu.

Đường giao thông khang trang nhờ nhân dân đóng góp. Ảnh: Tư liệu.

Còn Đại Thắng là xã làm điểm xây dựng NTM của huyện Phú Xuyên từ giai đoạn trước khi đi đầu trong dồn điền đổi thửa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cơ giới hóa đồng bộ, đặc biệt ở khâu mạ khay máy cấy. Ở giai đoạn xây dựng NTM nâng cao hiện nay, xã đã huy động được tổng nguồn lực khoảng 255 tỷ đồng. Điều đáng nói là xã không chỉ trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu lợi ích xây dựng NTM nâng cao nên trong thời gian qua doanh nghiệp, người dân và những người con xa quê thành đạt của xã đã đóng góp hàng tỉ đồng sửa chữa đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng, cổng chào, trồng thêm cây xanh, vẽ tranh bích họa.

Nhờ đó mà các cơ sở hạ tầng công cộng như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, trường học được xây dựng đồng bộ, tạo nên bộ mặt sinh động và đáng sống cho vùng quê này. Trên địa bàn xã hiện có gần 100 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động giúp cho thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/năm, từ năm 2020 không còn hộ nghèo nữa. Khi được khảo sát, phần lớn người dân tỏ rõ sự hài lòng với chương trình xây dựng NTM nâng cao của quê mình.

Huyện Phú Xuyên có 43 làng nghề truyền thống được công nhận, có 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, 3 cụm công nghiệp nhờ vậy mà tạo được nhiều công ăn việc làm tại chỗ để người dân ly nông mà không ly hương.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.