| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng có 67 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao

Thứ Năm 20/07/2023 , 17:16 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Nửa đầu chặng đường thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã qua, dù nhiều khó khăn nhưng Hải Phòng vẫn đạt được nhiều thành tựu bất ngờ.

15 nhiệm vụ cấp thiết, cần tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả được Thành ủy Hải Phòng thống nhất thông qua tại Hội nghị. Ảnh: Đàm Thanh.

15 nhiệm vụ cấp thiết, cần tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả được Thành ủy Hải Phòng thống nhất thông qua tại Hội nghị. Ảnh: Đàm Thanh.

Thành ủy Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đánh giá, từ năm 2020 đến nay, do nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan, nổi lên là dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế, nhất là giao thông và du lịch, đình trệ hoàn toàn trong hơn 2 năm.

Tiếp nữa, xung đột Nga - Ukraine, cùng với lạm phát, suy thoái kinh tế tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu về xuất, nhập khẩu, thu hút FDI, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu... Những yếu tố đó, thực sự là trở lực, thách thức khát vọng phát triển thành phố Hải Phòng với các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hải Phòng đã cơ bản bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng và Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã đề ra, với nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Ông Lê Tiến Châu đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy Hải Phòng trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Ảnh: Đàm Thanh.

Ông Lê Tiến Châu đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy Hải Phòng trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Ảnh: Đàm Thanh.

Trong đó, đáng lưu ý là kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, luôn đứng trong tốp đầu so với cả nước, kể cả thời điểm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp nhất. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Đô thị trung tâm được chỉnh trang, nâng cấp, không gian đô thị được mở rộng, hướng tới xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị mang đặc trưng riêng của thành phố Cảng biển; quan tâm đầu tư, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, diện mạo nông thôn được thay đổi căn bản, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, tiệm cận với quá trình đô thị hóa.

Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hải Phòng được xem là địa phương đầu tư lớn hàng đầu của cả nước cho xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, 7/8 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, riêng huyện Bạch Long Vĩ sẽ triển khai xây dựng huyện NTM trong thời gian tới.

Đại diện Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng báo cáo những kết quả đạt được và những khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Đại diện Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng báo cáo những kết quả đạt được và những khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Đinh Mười.

Dù có những khó khăn khách quan nhưng Hải Phòng đã phân bổ ngân sách để triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 và đã có 45 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 22 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó tập trung đầu tư vào các công trình giao thông, trường học, văn hóa, y tế, môi trường được quan tâm, qua đó đưa đời sống của người dân khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Hải Phòng cũng đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, sử dụng công nghệ cao, hình thành khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã Tân Liên, Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo và hiện đã có 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 206ha, thu hút 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng quy mô diện tích gần 500ha, vốn đầu tư trên 3.100 tỷ đồng.

Song song với các nhiệm vụ chính trị quan trọng khác, Hải Phòng đã dành sự quan tâm đúng mức đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thông qua các chủ trương chính sách cụ thể đã đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm ngày càng đa dạng và mang lại hiệu quả.

Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Mặt khác, hoàn thành, công bố mở và đưa vào sử dụng 3 cảng cá tại Trân Châu, Ngọc Hải và Tây Nam Bạch Long Vĩ. Đến nay, thành phố có 5 cảng cá và 11 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đáp ứng yêu cầu neo đậu tránh trú bão cho hơn 4.000 tàu thuyền, công suất lớn nhất trên 1.000 CV.

“Những kết quả nêu trên là rất đáng trân trọng, tự hào, là nỗ lực và thành quả chung toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân của thành phố. Trong đó, nguyên nhân quan trọng là do sự quan tâm, lãnh đạo, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương đối với thành phố. Đồng thời, cũng là do những chủ trương, đường lối của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đề ra, đã được thực tế thời gian qua chứng minh là đúng đắn, phù hợp”, ông Châu chia sẻ.

Từ nay đến năm 2025, Thành ủy Hải Phòng đưa ra 15 nhiệm vụ cấp thiết, cần tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Trong đó, đáng lưu ý như: Khẩn trương thu hút và đầu tư các Khu, Cụm Công nghiệp đã được quy hoạch của thành phố; thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố Hải Phòng trước năm 2025, đồng thời nghiên cứu quy hoạch và phát triển cảng Nam Đồ Sơn trước năm 2030; ưu tiên thu hút đầu tư cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao (nhất là về lĩnh vực công nghệ cao); trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ R&D; đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ quan trọng khác cũng được Thành ủy Hải Phòng xác định sẽ tập trung chỉ đạo thời gian tới, đó là: Đạt và vượt chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội Thủ tướng Chính phủ giao với phương châm “đồng bộ, tiện nghi, vừa túi tiền với khả năng chi trả của đa số người dân; Đầu tư nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng rác thải xử lý bằng biện pháp chôn lấp; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông giữa đảo Cát Bà và đất liền; hoàn thành chuyển giao một số cơ sở nhà, đất của các Bộ, ngành Trung ương về thành phố để thu hút đầu tư, phát triển du lịch Đồ Sơn; hoàn thành nhiệm vụ thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng; nâng cấp huyện An Dương thành Quận; sắp xếp địa giới hành chính An Dương, Hồng Bàng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.