| Hotline: 0983.970.780

Nan giải chợ nông thôn mới

Thứ Ba 30/08/2016 , 09:03 (GMT+7)

Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) là chợ, nhưng việc quy hoạch chợ nông thôn ở Bình Phước còn nhiều nan giải...

Ví dụ như: Chợ tự phát lấn át chợ mới, quỹ đất quy hoạch chợ không có, khó khăn trong xã hội hóa chợ…

Mới 6 giờ sáng, khu chợ tự phát ở thôn Phú Tân, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, nằm cách UBND xã 50m đã náo nhiệt, nhiều gia đình gồm vợ chồng, con cái tất bật dọn hàng. Người đẩy xe, dọn bàn, người chải bạt, quét dọn, tiếng người rao bán, tiếng mặc cả, tiếng va quẹt xe, chửi thề, tiếng loa bán hàng dạo...

Chợ có gần 10 năm nay, và là nguồn thu nhập chủ lực của cả trăm hộ dân. Hầu hết họ từ miền Trung, miền Bắc di cư vào, không có vườn, rẫy nên phải mưu sinh buôn bán lặt vặt kiếm sống qua ngày.

Bà Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi) ở thôn Phú Tân bán hàng bún nên thức dậy từ 3 giờ sáng. Trước đây bà bán để kiếm thu nhập thêm cho gia đình. Nhưng 5 năm trở lại đây, cao su rớt giá, điều mất mùa nên sạp bún của bà thành nguồn thu nhập chính của gia đình.

Cũng giống như bà Hoa, vợ chồng anh Lê Văn Thích (39 tuổi), quê Thái Bình, chuyên bán hàng rong. 3 năm nay, hàng ngày trên chiếc loa thùng có bánh xe đẩy, vợ anh đi bán dạo tăm bông, kem, bàn chải đánh răng…Chiếc loa thùng vặn hết âm lượng, vợ bán hàng, còn anh hát những bản nhạc mùi mẫn.

Rời chợ tự phát xã Phú Trung, đến một khu chợ tự phát khác ở xã Long Bình. Quy mô lớn hơn chợ Phú Trung, và cũng tấp nập hơn. Hàng hóa bày bán la liệt từ rau, dưa, cá, thịt; thực phẩm nấu chín như xôi bắp cho đến các vật phẩm thiết yếu khác. Cả đoạn đường đã bị “trưng dụng” làm chợ.

10-45-50_nh-2
Việc mua bán diễn ra ngay dưới lòng đường

 

Do nằm trên đường lớn nên người kinh doanh phải thuê mặt bằng với giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, tùy vị trí, sự quen biết. Ông Lê Văn Bảo (53 tuổi), thuê mặt bằng bán rau, thịt từ năm 1995, mặt bằng ông thuê chỉ vừa để 1 chiếc bàn gỗ nhỏ bày thịt heo, nhưng hàng tháng tiền thuê tới 1 triệu đồng.

Chỉ sang sạp bán rau, trái cây bên cạnh, dù chẳng lớn hơn nhưng giá tới 2 triệu đồng/tháng. Còn phía trước ông Bảo là bà Nguyễn Thị Thanh (46 tuổi), chuyên bán đậu hũ. Chỗ ngồi đặt vừa một chiếc ghế, trên là nia đậu nhưng giá 500 nghìn đồng.

Khi được hỏi bà Thanh không dám nhận, vì sợ những người “có quyền” không cho thuê nơi để bán nữa. Từ lúc chúng tôi đến cho đến khi về nia đậu của bà Thanh cũng chẳng vơi được là bao. Bàn tay chi chít những vết đứt, đen sạm, hằn lên sự vất vả.

Đề cập việc dẹp bỏ chợ tự phát, chính quyền kêu rất khó vì người buôn bán hầu hết là dân nghèo, khó vào một khu chợ lớn cách xa nơi ở khi phương tiện không có, vốn ít. Cho nên, họ tìm mọi cách bám chợ tự phát, đuổi bên này thì chạy bên kia, đuổi hôm nay mai lại đến.

Ông Nguyễn Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Trung, cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng chợ hiện nay là quỹ đất của xã không còn. Huyện đã quy hoạch chợ 7ha bên khu B41 nhưng chưa có chủ trương giao đất.

10-45-50_nh-3
Mỗi khi có xe tải chạy qua, người mua kẻ bán lại nháo nhào dọn hàng, nhường đường cho xe

 

Hiện khu vực trung tâm xã Phú Trung còn một khu đất hơn 6.000m2, trong đó có 2 khu nhà kiên cố, xây tường chắc chắn. Đây nguyên là trụ sở của Nông trường 11, Cty Cao su Phú Riềng. Sau khi sáp nhập vào Nông trường Nghĩa Trung, đất bỏ hoang từ hơn 10 năm nay nên tận dụng để làm chợ.

Còn xã Long Bình, theo bà Lê Thị Liên, Phó Bí thư Đảng ủy xã thì khó khăn nhất là việc giải tỏa đất của các hộ dân. Bên cạnh đó là kiếm nhà đầu tư xây dựng chợ. UBND xã đã thuê người thiết kế chợ, chuẩn bị để xây nhưng vẫn không thực hiện được. Việc xây chợ đúng tiêu chí NTM của xã Long Bình đang rất vướng.

“Huyện Phú Riềng có 4 xã Phú Riềng, Bù Nho, Long Tân, Long Hà, được nhà nước đầu tư xây dựng chợ loại 3. Ngoài 4 chợ chính trên, cả huyện có 6 điểm chợ tự phát. Long Bình, Phú Trung chưa nằm trong quy hoạch, huyện sẽ đầu tư xây dựng mới và quản lý chợ theo hình thức xã hội hóa”, ông Lê Văn Chung, Trưởng phòng cơ sở hạ tầng huyện Phú Riềng.

 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tân Yên phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, xây dựng huyện NTM nâng cao

BẮC GIANG Chương trình OCOP tại Tân Yên giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện cuộc sống người dân và đóng góp quan trọng vào xây dựng hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao.