| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 20/01/2015 , 06:45 (GMT+7)

06:45 - 20/01/2015

Nan giải chuyện bằng giả

Nạn sản xuất bằng giả, dùng bằng giả càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vì sao vậy? Có cầu ắt có cung. Từ lâu, xã hội ta đã xuất hiện nhu cầu dùng bằng giả, dù đó là một nhu cầu quái đản. 

Công an TP Hồ Chí Minh vừa bóc gỡ một đường dây làm bằng giả, do Chu Ngọc Trung, 32 tuổi, ngụ Đồng Nai, cầm đầu. Chỉ trong năm 2014, băng nhóm này đã sản xuất và bán ra thị trường 500 tấm bằng từ Đại học, Thạc sỹ đến Tiến sỹ.

Một bằng Tiến sỹ giả được chúng bán với giá chỉ… 9 triệu đồng. Nếu tính cả những vụ làm bằng giả trong cả nước do công an các tỉnh bắt giữ trong năm 2014, thì con số bằng giả mà bọn tội phạm đã tiêu thụ, phải lên đến hàng ngàn.

Đó chỉ là con số đã bị phát hiện. Thực tế chắc chắn còn nhiều hơn nữa, vì còn nhiều băng nhóm tội phạm làm bằng giả chưa bị phát hiện.

Có bao nhiêu bằng giả đã được chúng tiêu thụ, nghĩa là xã hội có bấy nhiêu người dùng bằng giả. Những người ấy hiện đang làm gì, ở cơ quan nào, không biết. Chỉ qua một cuộc kiểm tra, tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 20 người dùng bằng giả trong ngành Y, dư luận vẫn chưa thôi bức xúc về chuyện này.

Nạn sản xuất bằng giả, dùng bằng giả càng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vì sao vậy?

Có cầu ắt có cung. Từ lâu, xã hội ta đã xuất hiện nhu cầu dùng bằng giả, dù đó là một nhu cầu quái đản.

Đến ngành Y, là một ngành đặc thù, liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, mà còn có nhu cầu về bằng giả, thì thử hỏi ngành nào mà không có nhu cầu bằng giả. Và chính cái nhu cầu này đã tạo đất sống cho bọn tội phạm.

Về nhu cầu dùng bằng giả, có hai nguyên nhân. Thứ nhất là bệnh háo danh của một bộ phận người trong xã hội. Không học, nhưng muốn có bằng cấp cao để lòe người, sỹ diện với người.

Và thứ hai, quan trọng hơn, là để mưu sinh, để tiến thân một cách dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Do các cơ quan của chúng ta khi tuyển dụng, đã quá chú trọng đến bằng cấp, thậm chí chỉ căn cứ vào bằng cấp mà không so sánh giữa người có bằng cấp ấy với năng lực thực của người ấy.

Những người có bằng cấp giả, chỉ có thể chui được vào cơ quan Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước, chứ đừng hòng lọt được vào doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng đau đáu khi nhận xét: “Đội ngũ cán bộ tổ chức ở doanh nghiệp tư nhân không chuyên nghiệp được như chúng ta. Thế mà họ lại “lọc” được những người dùng bằng giả. Còn chúng ta thì không”. Nhận xét ấy thật có lý.

Một điều nữa khiến nạn dùng bằng giả hoành hành, trở thành một vấn nạn trong xã hội, là thái độ xử lý của chúng ta, khi phát hiện cán bộ, công chức viên chức dùng bằng giả, không nghiêm.

Báo chí từng thông tin rất nhiều trường hợp cán bộ này, cán bộ khác dùng bằng giả. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện đúng.

Nhưng việc xử lý đối với những đối tượng dùng bằng giả, sau đó, thì… nhẹ hều, nhiều khi chỉ là phê bình, cảnh cáo qua loa. Nhiều trường hợp người dùng bằng giả vẫn được giữ nguyên vị trí công tác.

Bằng giả là tài sản do bọn tội phạm sản xuất ra. Tức là tài sản do phạm tội mà có. Bọn sản xuất bằng giả thì bị truy tố về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan Nhà nước”.

Vậy tại sao những người dùng bằng giả, một khi bị phát hiện, lại không bị truy tố như những người có hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, đã được quy định rất rõ ràng trong Bộ luật Hình sự? Chỉ có làm thế, thì vấn nạn bằng giả, may ra mới vợi đi phần nào.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm