| Hotline: 0983.970.780

Nan giải xử lý rác thải nông thôn ở miền núi

Thứ Tư 06/10/2021 , 09:16 (GMT+7)

Xử lý rác thải nông thôn vẫn là vấn đề nan giải gây đau đầu cho các cấp ngành, địa phương nhiều năm qua ở tỉnh miền núi Cao Bằng.

Rác thải vương vãi tại các điểm tập kết rác thải xóm Cọt Phố, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng. Ảnh: Công Hải.

Rác thải vương vãi tại các điểm tập kết rác thải xóm Cọt Phố, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng. Ảnh: Công Hải.

Xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) nhiều năm qua luôn nhức nhối vì vấn đề xử lý rác thải nông thôn. Trước năm 2020, do không có bãi tập kết rác, sau mỗi ngày chợ phiên của xã, hàng trăm bao tải, túi rác to, nhỏ được đổ tràn lan dọc tuyến đường Quốc lộ 4A đoạn Km247 + 00 đến Km248 + 60 đoạn qua địa phận xóm Cọt Phố, xã Tổng Cọt.

Tình trạng đổ rác thải ra đường quốc lộ 4A kéo dài đến giữa năm 2020 mới được UBND huyện Hà Quảng và xã Tổng Cọt giải quyết. Tuy nhiên, do không có bãi tập kết nên rác thải sau các ngày chợ vẫn tập trung về khu vực xóm Cọt Phố, ngay trung tâm xã nhiều ngày gây bức xúc cho người dân địa phương.

Ông H.V.N, xóm Cọt Phố bức xúc chia sẻ: Rác thải tập trung về các bãi ngay trong xóm Cọt Phố nhiều ngày, có lúc đến gần chục ngày mới có xe chở đi. Mùa hè nắng nóng, nhà tôi chỉ cách địa điểm tập kết rác khoảng 50 m nên mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bay vào nhà nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình.

Rác thải tập kết ngay cạnh gốc cây di sản ở xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Ảnh: Bạn đọc cung cấp.

Rác thải tập kết ngay cạnh gốc cây di sản ở xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Ảnh: Bạn đọc cung cấp.

Ông Triệu Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tổng Cọt thông tin: Do xã không có địa điểm làm bãi tập kết rác tạm thời nên vẫn phải chọn một số bãi đất trống ở xóm Cọt Phố làm nơi tập kết rác. Dù đã có HTX thu gom rác nhưng do không có xe chở rác loại nhỏ nên thường vẫn phải chờ đủ chuyến mới đem chở đến bãi rác tại xã Nội Thôn, cách xã 10 km.

Vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, rác họp chợ phiên của xóm Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An nhiều năm qua cũng vẫn chưa được xử lý triệt để. Năm 2019, huyện Hòa An đầu tư cho xã Nguyễn Huệ 1 lò đốt rác tại xóm Án Lại nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do lò đốt rác nhỏ nên không đủ để đốt kịp lượng rác lớn thải ra sau mỗi ngày chợ phiên cùng với rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân xóm Án Lại.

Theo ghi nhận, lò đốt rác được xây dựng sát dòng suối Án Lại. Sau mỗi ngày chợ, nhiều tấn rác thải được đổ về cạnh lò đốt rác, tràn cả xuống dòng suối gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, hoạt động nghiền dong riềng thời điểm cuối năm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mỗi ngày, hàng trăm m3 nước thải được xả thẳng ra suối làm dòng nước chuyển màu đen sì, bốc mùi hôi thối. Vấn đề xử lý nước thải trong hoạt động nghiền dong riềng ở xã nhiều năm qua vẫn chưa có những biện pháp xử lý triệt để.

Rác thải tập kết về lò đốt rác xóm Án Lại tràn cả xuống suối. Ảnh: Công Hải.

Rác thải tập kết về lò đốt rác xóm Án Lại tràn cả xuống suối. Ảnh: Công Hải.

Ông Hoàng Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ cho biết: Chính quyền xã thường xuyên chỉ đạo bộ phận vệ sinh chợ sau khi thu gom rác thải về lò đốt rác phải tiến hành đốt liên tục để rác không bị ùn ứ. Tuy nhiên, bộ phận vệ sinh môi trường ở xã chỉ có 2 người nên cũng thường xuyên để rác ùn ứ ngay cạnh suối.

Đối với vấn đề xử lý chất thải do nghiền dong riềng, huyện Hòa An đã hỗ trợ xã xây 4 bể xử lý nước thải trong xóm Canh Biện, mỗi bể chứa được khoảng 100 m3 nước thải. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục xin huyện hỗ trợ thêm kinh phí xây thêm các bể xử lý chất thải để đảm bảo môi trường làng nghề làm miến dong của xã.

Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 13 bãi chôn lấp rác thải cho khu vực trung tâm các huyện, thành phố. Biện pháp xử lý rác thải chủ yếu là phun EM, phơi, đốt thủ công và để lộ thiên, là nguồn gây ô nhiễm tiềm tàng đối với môi trường đất, nước, không khí. Một số bãi rác được UBND tỉnh Cao Bằng đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần phải xử lý triệt để.

Việc xử lý nước thải của hoạt động nghiền dong riềng ở xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An, Cao Bằng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ảnh: Công Hải.

Việc xử lý nước thải của hoạt động nghiền dong riềng ở xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An, Cao Bằng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ảnh: Công Hải.

Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Cao Bằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với những hình thức, nội dung phong phú để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với vấn đề môi trường, xử lý rác thải.

  • Tags:
Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.