Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, dù năm vừa qua, không có cơn bão nào ảnh hưởng trực tiếp đến mà chỉ ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây mưa lớn dẫn đến ngập lụt ở nhiều địa phương. “Đặc biệt trận lũ trái mùa đầu tháng 4 tại vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh đã gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, vào mùa mưa bão năm nay, Quảng Bình đã có những phương án cụ thể để ứng phó và không để xảy ra việc chủ quan, lơ là”, ông Trần Thắng nhấn mạnh.
Thiệt hại gần 300 tỷ đồng
Trận lũ trái mùa đầu tháng 4 tại vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh đã gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Cả hai huyện vùng lúa của tỉnh đã bị ngập gần 10ha lúa đông xuân. Lũ lụt còn làm nhiều tuyến đê bao nội đồng vùng Thượng Mỹ Trung, đê bao Lùng Tréo và vùng II tả Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Mưa lũ lớn cũng đã làm tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng hơn, uy hiếp cuộc sống bình thường của khu dân cư. Theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh có 28 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 65km, có 6 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài gần 5km. Tại các địa phương cũng đã xuất hiện 66 điểm sạt lở khiến khu dân cư có nguy cơ mất an toàn. Trong đó 7 điểm sạt lở khu dân cư có nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến 527 hộ dân.
Các điểm sạt lở chủ yếu đã có từ các năm trước và tiếp tục sạt lở trong năm 2022. Một số điểm sạt lở mới xuất hiện tại bờ biển các xã thuộc huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, sạt lở tại khu vực trung tâm Khu cửa khẩu Cha Lo…
“Dưới ảnh hưởng của mưa, lũ và dòng chảy, nhiều vị trí sạt lở diễn biến nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng và tài sản như sạt lở tại tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), sạt lở tại thôn Sảo Phong (huyện Tuyên Hóa), sạt lở tại khu vực trung tâm Khu cửa khẩu Cha Lo (huyện Minh Hóa) cũng rất nguy hiểm”, ông Tiến nói thêm.
Theo đánh giá thì tình hình thiên tai năm ngoái có phần giảm nhẹ so với những năm gần đây, ít hiện tượng thời tiết cực đoan. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp, khó lường, trái quy luật như lũ trái mùa vào đầu tháng 4, tháng 6 mới xuất hiện bão, tháng 11, 12 còn xuất hiện lũ.
Lũ lụt cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân Quảng Bình với gần 1.000 ngôi nhà bị ngập; gần 1.000ha cá lúa và 62 lồng bè bị cuốn trôi; có 9.380ha lúa và 557ha hoa màu và cây ăn quả bị ngập ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi, giao thông, công trình dân sinh… bị hư hại, xuống cấp. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh Quảng Bình do mưa lũ gây ra trong năm 2022, gần 300 tỷ đồng.
Đưa công tác “4 tại chỗ” lên hàng đầu
Bước vào năm nay, dự báo thời tiết cực đoan có những diễn biến phức tạp, kéo dài. Các loại hình thiên tai, sự cố (bão, mưa lũ, hạn hán, lốc, sét, triều dâng, rét đậm, rét hại, các sự cố tràn dầu, tràn hóa chất, tai nạn tàu thuyền trên biển...) ngày càng diễn biến bất thường, không theo quy luật, khốc liệt, cực đoan. Vì vậy, Quảng Bình đã có những phương án, kế hoạch cụ thể để ứng phó với biến đổi khí hậu, với thiên tai bão lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo: “Các địa phương, cơ quan, đơn vị phải chú trọng công tác chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” có hiệu quả nhất. Tổ chức thực hiện ứng phó, phòng tránh, cứu hộ, cứu nạn phải ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại, đảm bảo an toàn về tính mạng tài sản cho người dân”.
Về chỉ huy tại chỗ thì cơ quan thường trực các cấp rà soát, kiện toàn lại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa bão để đảm bảo công tác chỉ huy, điều hành được thông suốt, hiệu quả.
Ngoài lực lượng tại chỗ nòng cốt là quân đội, biên phòng và công an..., đến nay, đã có 151/151 xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai với quân số gần 12.500 người. Các lực lượng này có nhiệm sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền.
Ngoài ra, Ban Chỉ huy các cấp còn huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ, Chữ thập đỏ, tình nguyện viên, lực lượng dự bị để tham gia hỗ trợ dưới sự chỉ huy của lãnh đạo địa phương. Khi thiên tai vượt quá năng lực ứng phó, UBND tỉnh chủ động đề xuất trợ giúp của lực lượng, phương tiện các đơn vị của Quân khu IV.
Chúng tôi đã về xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh), địa phương được xem là rốn lũ trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho hay, địa phương đã thành lập tại mỗi thôn có một Đội xung kích từ 10 - 15 người tùy theo tình hình thực tế từng thôn. Các đội xung kích đã được tập huấn về công tác cứu hộ và được trang bị áo phao, xuồng máy để đảm bảo cho nhiệm vụ. “Chính nhờ lực lượng xung kích mà trận lũ lịch sử cuối năm 2020 diễn ra và kéo dài nhưng Tân Ninh chúng tôi không để xảy ra thiệt hại về người”, ông Hoan cho biết thêm.
Đối với chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần tại chỗ, theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt, các sở ngành, địa phương, đơn vị, người dân chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, nước uống để phòng, tránh, ứng phó các tình huống thiên tai trong 7 ngày.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phòng chống thiên tai. Ông Nguyễn Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình cho biết: “Trước mùa mưa bão, chúng tôi đã chuẩn bị dự trữ trung bình 300 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 50.000 lít xăng, 50.000 lít dầu diesel và 10.000 lít dầu hỏa; 30.000 lít nước đóng chai để hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, chúng tôi cấp phát 2.000 áo phao, 1.500 phao tròn, 6 nhà bạt các loại cho các địa phương, đơn vị để kịp thời ứng phó với mưa lũ”.
Công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” cũng được đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước trong tỉnh chuẩn bị sẵn sàng với các kịch bản lũ, sự cố xảy ra, rà soát quy trình vận hành hồ chứa, lập phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
UBND tỉnh tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tại huyện Tuyên Hóa; diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Cảng Hàng không Đồng Hới (xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới). Để chủ động trong nhiệm vụ phòng chống thiên tai, Quảng Bình tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và lập phương án hộ đê năm 2023.
Cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động hệ thống chính trị trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, Quảng Bình còn định hướng thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội phải gắn liền với công tác phòng chống thiên tai. “Đó là giải pháp có tính căn cơ và lâu dài, chỉ tiêu đặt ra là giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Trần Thắng nhìn nhận.
Những cơn mưa đầu mùa đã gây thiệt hại không nhỏ đến các tỉnh Bắc Trung bộ, ông Trần Thắng cho biết: “Quảng Bình đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành. Ngoài việc nâng cao năng lực, kỹ năng, hiệp đồng, phối hợp của các lực lượng nòng cốt phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn như quân sự, công an, biên phòng thì chú trọng hơn nữa đến tổ chức và hoạt động động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại các địa phương”.