| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 18/12/2017 , 07:03 (GMT+7)

07:03 - 18/12/2017

Nâng đỡ "trong sáng" và nâng đỡ "trong tối"

Cuối tuần trước, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có những vi phạm trong việc ký quyết định bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong thời gian làm Giám đốc Sở Xây dựng (2010-2015) đã đưa ra một khái niệm rất hay: "Nâng đỡ không trong sáng".

Xưa nay, nói đến từ "nâng đỡ" là có hàm ý tạo điều kiện, giúp đỡ ai đó có năng lực, có tài nhưng có những khó khăn nhất định để tiến bộ hơn trong công việc, có khả năng phát triển để làm việc tốt hơn cho cơ quan, tổ chức.

Nhưng cụm từ "nâng đỡ không trong sáng" áp dụng trong trường hợp nói trên quả là một sáng tạo ngôn ngữ khá thú vị. Nó ngay lập tức được cộng đồng mạng, người đọc báo tán thưởng, truyền tay nhau chia sẻ (share) khái niệm mới trên mạng xã hội.

Vì quả thật, nhìn vào trường hợp và Trần Vũ Quỳnh Anh, một người mà từ tháng 3/2017, Thanh tra của Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã có kết luận là không hội đủ các tiêu chuẩn nhưng giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa khi đó (tháng 10 và tháng 11/2015) là ông Ngô Văn Tuấn đã liên tục ra quyết định bổ nhiệm làm Phó phòng rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản của Sở này thì rõ ràng, việc bổ nhiệm đó là khác thường.

Thậm chí bà Trần Vũ Quỳnh Anh còn được quy hoạch làm Phó Giám đốc Sở, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng với một người mà xuất phát mới là nhân viên hợp đồng chỉ trước đó ít lâu thì quả là sự nâng đỡ quá "không trong sáng".

Nhưng "không trong sáng" cụ thể như thế nào thì cơ quan kiểm tra cũng chưa nêu cụ thể nên cũng dẫn đến không ít thắc mắc: Ông Ngô Anh Tuấn có gì "không trong sáng" với bà Trần Vũ Quỳnh Anh- được coi là "hot girl" Thanh Hóa hay là có người khác "không trong sáng" với người này, còn ông Tuấn chỉ là…?

Nên hình thức kỷ luật áp dụng cho ông: Kiểm điểm nghiêm khắc, có khi còn hơi nặng?. Bởi nếu có người khác "không trong sáng" với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, lại để cho ông phải gánh tội thay thì hình phạt trên với ông Ngô Anh Tuấn có nặng?.

Nhưng dù nói gì, là người trực tiếp ký các quyết định, "bút sa gà chết", lại cộng thêm nhiều khuyết điểm, sai phạm khác như Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu, ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chẳng oan uổng gì.

Nhìn lại hàng loạt các vụ bổ nhiệm cán bộ ở một số tỉnh, thành phố mới đây càng thấy khái niệm "bổ nhiệm không trong sáng" rất có cơ sở thực tế.

Cùng thời gian với vụ việc ông Ngô Anh Tuấn nói trên, cơ quan kiểm tra của Đảng cũng đã yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo không đúng.

Theo như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam đã không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong khi đó, ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (cha ruột của ông Lê Phước Hoài Bảo) cũng được kết luận là có những sai phạm liên quan. Vì Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 đã có các vi phạm sau sau: Buông lỏng lãnh đạo, để UBND tỉnh và cơ quan chức năng tuyển dụng công chức, xét tuyển viên chức không qua thi tuyển, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm một số trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục, có sự ưu ái đối với con của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Thanh cũng bị quy trách nhiệm đã để UBND tỉnh quyết định cử ông Lê Phước Hoài Bảo đi học Thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.

Như vậy, việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bão cũng không thể gọi là "trong sáng" được mà phải là "trong tối" cũng đúng. Nên không phải tự nhiên, cơ quan kiểm tra Đảng đề nghị xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm với ông Lê Phước Hoài Bảo.

Trong một báo cáo trình Quốc hội tháng 5/2017 do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu, vừa qua cả nước có 9 địa phương gồm Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định. Trong đó, 58 trường hợp là người nhà; 10 trường hợp vi phạm về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm... Các trường hợp này đều khó có thể coi là "bổ nhiệm trong sáng".

Cho nên, nhân đợt này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra của Nhà nước tổng rà soát lại công tác bổ nhiệm, bầu bán nhân sự, làm rõ các trường hợp "trong sáng" và có dấu hiệu "không trong sáng" để xử lý kiên quyết như cách làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa rồi sẽ góp phần chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ. Người đáng nâng đỡ được nâng đỡ, các trường hợp "nâng đỡ không trong sáng" bị đình chỉ, hủy bỏ chức vụ thì mọi thứ sẽ được đi vào nề nếp.

 

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm