Doanh nghiệp vận chuyển chưa khai thác hết công suất
Theo đại diện các doanh nghiệp vận chuyển hàng hải, hiện luồng Định An - Cần Thơ đang bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu chỉ khoảng 3 nghìn tấn lưu thông được. Trong khi luồng qua kênh quan chánh bố nhỏ hẹp, cũng chỉ đảm bảo tàu 10 nghìn tấn ra vào. Do kênh chỉ vận hành một chiều, các tàu chở hàng ra vào phải nằm chờ, mất nhiều thời gian. Song song đó, từ các cảng ở Cần Thơ đi Singapore, Malaysia... rất gần, song vì tàu lớn không vào được nên hàng hóa phải lên TP HCM, Đông Nam bộ đi đường vòng tốn nhiều thời gian và chi phí. Dẫn đến giá trị nông sản bị giảm đáng kể do chi phí vận chuyển đội lên.
Theo đại diện Công ty cổ phần cảng Cần Thơ cho biết, đơn vị đang quản lý, khai thác hệ thống ba cảng Hoàng Diệu, Cái Cui và Sóc Trăng, hiện có năng lực bốc dỡ 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm nhưng do luồng tàu không thông nên chỉ khai thác 50% công suất. Vì thế nên việc đầu tư nạo vét luồng Định An quy mô lớn cho tàu 10-20 nghìn tấn ra vào rất cần thiết.
Còn theo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, hiện Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt và công bố danh mục dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, dự kiến có chiều dài khoảng 30km, bề rộng luồng 200m, độ sâu dưới 6,5 m. Đủ để cho phép tàu biển tải trọng 10 nghìn tấn trở lên ra vào các cảng của TP Cần Thơ và các cảng khác trong khu vực, nhằm phát huy hiệu quả khai thác, tăng công suất các cảng vận chuyển trong khu vực. Một trong những phương án để thực hiện dự án hiện nay là xã hội hóa nguồn vốn.
Theo đó, quy định đối với doanh nghiệp thực hiện dự án được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư. Bên cạnh đó, miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất để đổ chất nạo vét của dự án.
Dự án phát huy thế mạnh nông sản vùng
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ thông tin, hiện có 7 doanh nghiệp xúc tiến thực hiện dự án nạo vét luồng Định An – Cần Thơ. Đồng thời, để sớm triển khai thực hiện dự án Sở tham mưu UBND TP Cần Thơ đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận cho nhà đầu tư có đủ năng lực được tiếp cận thực hiện nghiên cứu chuyên sâu dự án. Theo đó, nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành để lập nghiên cứu khả thi cho dự án hoặc giao Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn tài trợ của nhà đầu tư để lập nghiên cứu khả thi cho dự án và tiếp nhận đầy đủ các kết quả nghiên cứu chuyên sâu bảo đảm khả thi về kinh tế, khoa học, thực tiễn và bảo vệ môi trường, phê duyệt làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
“Đây là dự án ý nghĩa to lớn vực dậy kinh tế cả vùng ĐBSCL, giúp giảm áp lực vận chuyển đường bộ, sau khi nạo vét tàu 10 nghìn có thể ra vào Sông Hậu, góp phần khai thác hết công suất của các công ty vận chuyển. Đồng thời, mở ra một cơ hội lớn cho doanh nghiệp vận chuyển nông sản nâng cao năng lực kết nối sang thị trường quốc tế; tháo gỡ điểm nghẽn phát huy thế mạnh của vùng về sản xuất nông sản, góp phần phát triển đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội vùng ĐBSCL”, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ nhận định.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Cần Thơ theo NQ 45 của Quốc hội. Trong đó, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Qua đó, giúp tạo nguồn lực cho TP Cần Thơ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là phát triển nhanh kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng miền. Có thể thấy, các cơ chế, chính sách đặc thù này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP Cần Thơ mà còn là động lực phát triển đối với cả vùng ĐBSCL.