| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp

Nền nông nghiệp phải được tổ chức lại dưới góc nhìn của nhà kinh tế

Nền nông nghiệp phải được tổ chức lại dưới góc nhìn của nhà kinh tế

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về những trăn trở của ông đối với ngành nông nghiệp.

Nút thắt ngành nông nghiệp đang nằm ở đâu?

Nếu chúng ta chỉ nói những “nút thắt” nội tại ngành nông nghiệp ở thời điểm hiện nay mà bỏ qua giá trị lịch sử, thì rất có thể những quan điểm đưa ra để bàn luận sẽ bị khập khiễng.

Kể từ ngày Cách mạng tháng Tám (1945) thành công đến bây giờ, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định vị thế trung tâm của người nông dân. Đặc biệt trong hơn 35 năm qua, Việt Nam từ một trong những nước nghèo đói nhất Đông Nam Á trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Thành quả đó đã được thế giới thừa nhận và đánh giá cao, nhất là sự thành công của nền nông nghiệp trên dải đất hình chữ S.

Từ một đất nước phải nhập khẩu mỗi năm 2 triệu tấn bột mỳ, ngũ cốc và đủ loại lương thực; từ chỗ không có cái ăn mà phải đi xin, đến bây giờ nông sản của chúng ta đã dư thừa. Việt Nam nằm trong Top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản trên thế giới với nhiều ngành hàng tỷ đô như lúa gạo, cà phê, điều, thủy sản… trong khi diện tích Việt Nam không lớn, thậm chí nhỏ hơn cả một tỉnh của Trung Quốc.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo: Phải tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, thể chế để khai thác hết nguồn lực của quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo: Phải tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, thể chế để khai thác hết nguồn lực của quốc gia. Ảnh: Tùng Đinh.

Kết quả đó có được là từ chính sự sáng tạo của người nông dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng đội ngũ các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã…

Vậy trong thời đại ngày nay, nút thắt của ngành nông nghiệp đang nằm ở đâu? Đầu tiên, chắc chắn phải nói đến thể chế, chính sách.

Trước đây, với "khoán 10", chúng ta đã giải phóng sức lao động của toàn xã hội, tạo ra những bước nhảy vọt thần tốc để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Chúng ta cũng đã có Nghị quyết 26 về phát triển “tam nông”, làm thay đổi diện mạo bộ mặt của nông nghiệp, nông thôn với các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Từ nền kinh tế tự cung tự cấp, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, đến lúc này, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ trong thời đại 4.0, nền kinh tế hội nhập sâu với thế giới; những thách thức do biến đổi khí hậu mang tới,… nền nông nghiệp phải được tổ chức lại dưới góc nhìn của nhà kinh tế, chứ không phải dưới góc nhìn của người sản xuất. Cho nên, chúng ta phải tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, thể chế để khai thác hết nguồn lực của quốc gia.

Nền nông nghiệp phải được tổ chức lại dưới góc nhìn của nhà kinh tế, chứ không phải dưới góc nhìn của người sản xuất.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo

 

Cần xóa bỏ cơ chế xin - cho

Để phát triển sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đầu tiên cần phải sửa đổi là Luật Đất đai, đây là một nút thắt lớn.

Thứ hai là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính. Các cơ quan Nhà nước cần rà soát, sửa đổi những quy định bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật để tránh chồng chéo, gây phiền hà cho người sản xuất và các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, dứt khoát Nhà nước không được làm thay những gì người dân và doanh nghiệp có thể làm. Ví dụ, trong vấn đề công nhận giống cây trồng, nhiều nước đã bãi bỏ quy định cơ quan nhà nước là đơn vị khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng.

Doanh nghiệp có thể tự công bố các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm trước nhà nước và trước người nông dân nếu xảy ra thiệt hại, hoặc công bố thông tin sai so với bản chất giống.

Về cơ chế hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp; chính sách phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp; chính sách về thuế trong nông nghiệp cũng đang tồn tại sự bất công.

Ví dụ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát hoặc thiên tai, rất nhiều doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp) phá sản và làm ăn thua lỗ, nhưng lợi nhuận của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản lại lãi lớn.

Trong khi đó, chính sách thuế thu nhập của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản là tương đương nhau (từ 20 - 25%), điều này là rất vô lý. Bởi, sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo cả đời gắn bó với nông nghiệp, ruộng đồng. Ảnh: TL.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo cả đời gắn bó với nông nghiệp, ruộng đồng. Ảnh: TL.

Đặc biệt, muốn nền nông nghiệp phát triển thì Nhà nước dứt khoát phải tăng cường đào bạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nông nghiệp. Rất nhiều nông dân hiện nay đang thiếu kiến thức về khoa học công nghệ cũng như quản trị sản xuất.

Bên cạnh đó, phải có chính sách để nhanh chóng ứng dụng các công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch nông sản. Chỉ có như vậy, giá trị nông sản Việt mới được nâng cao.

Để gỡ những nút thắt trên, đầu tiên, Nhà nước cần xóa bỏ cơ chế xin - cho. Ví dụ, khi một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư dự án nông nghiệp, anh bỏ ra 100 tỷ đồng thì Nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng.

Thực ra, những doanh nghiệp chân chính họ không cần 5 tỷ đồng đó của Nhà nước. Cái họ cần là sự đơn giản hóa thủ tục hành chính, để không phải chạy hàng trăm cửa mới đủ điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, và họ có nghĩa vụ trích một phần lợi nhuận để nộp thuế cho Nhà nước, nhà nước phân bổ ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh...

Nhà nước chỉ hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn do điều kiện khách quan, bất khả kháng như thiên tai, dịch họa…

Còn, nếu chúng ta vẫn duy trì cơ chế xin - cho thì những doanh nghiệp năng lực kém sẽ tăng cường đi xin, từ đó sinh ra những tiêu cực, bất công, thậm chí là tham nhũng trong xã hội.

Nhà nước chỉ hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn do điều kiện khách quan, bất khả kháng như thiên tai, dịch họa…

Doanh nhân Trần Mạnh Báo

 

Cần nhấn mạnh vai trò đặc biệt của các hợp tác xã

Thứ hai, Nhà nước phải điều hòa các mối hệ xã hội để khai thác nguồn lực. Ví dụ, một viện nghiên cứu nhà nước thì được ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu; nhà khoa học được hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tuy nhiên, sau khi có các sản phẩm khoa học, cơ chế chuyển giao cho khối tư nhân ứng dụng rất phức tạp. Nhiều viện nghiên cứu phải thành lập các đơn vị chuyển giao hoặc bán hàng như doanh nghiệp, đó là điều không nên.

Thậm chí, chúng ta cũng chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để khuyến khích doanh nghiệp cùng các viện nghiên cứu bỏ tiền để thực hiện các đề tài. Bởi vậy các bên tham gia phải tự lần mò để tìm ra cách thức phối hợp.

Chúng ta đừng đi đâu xa xôi để học tập kinh nghiệm phát triển nông nghiệp mà hãy xem chính quyền và nông dân ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan đã làm như thế nào.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo: Nhà nước chỉ hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn do điều kiện khách quan, bất khả kháng như thiên tai, dịch họa… Ảnh: Tùng Đinh.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo: Nhà nước chỉ hỗ trợ khi doanh nghiệp gặp khó khăn do điều kiện khách quan, bất khả kháng như thiên tai, dịch họa… Ảnh: Tùng Đinh.

Như ở Hàn Quốc, khi làm Tổng thống, ông Pak Chung-Hee đã hỗ trợ mỗi gia đình một cái máy sấy để nông dân chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, bởi vậy, sản phẩm nông nghiệp luôn đảm bảo chất lượng. Còn ở Việt Nam, nông dân gặt lúa xong mà gặp trời mưa, thời tiết nồm ẩm ba ngày là thóc không dùng được. Bởi vậy, giá trị gia tăng của nông sản Việt sẽ được quyết định ở khâu chế biến.

Trong các hình thức tổ chức sản xuất, cần nhấn mạnh vai trò đặc biệt của các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức nông dân.

Doanh nhân Trần Mạnh Báo

 

Trong các hình thức tổ chức sản xuất, chúng ta cần nhấn mạnh vai trò đặc biệt của các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức nông dân. Hiện nay, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa phải là hợp tác xã đúng nghĩa. Nhiều địa phương tất cả các hộ dân đều là thành viên hợp tác xã, điều đó là không phù hợp.

Bởi, những người nông dân một khi đã hợp tác với nhau thì phải góp vốn, cùng làm và cùng chịu trách nhiệm. Nhưng, hoạt động của nhiều hợp tác xã bây giờ mới chỉ dừng lại ở khâu cung ứng vật tư nông nghiệp và tổ chức vài lớp tập huấn cho xã viên.

Hợp tác xã phải là tổ chức được Nhà nước bảo đảm và cho vay vốn, bởi nếu hợp tác xã không có tài sản thế chấp thì làm sao có thể vay vốn được? Họ lấy gì mà đầu tư? Cho nên cần phải có chính sách đặc biệt để đảm bảo cho các hợp tác xã hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Minh Phúc
    Tags:
Xem thêm