Vai trò doanh nghiệp vô cùng quan trọng
Để hoàn thành nhiệm vụ làm trụ đỡ nền kinh tế, ngành nông nghiệp chủ trương phát triển chuỗi liên kết, đẩy mạnh hàm lượng công nghệ và tái cơ cấu theo hướng tăng giá trị thặng dư. Hòa chung xu thế ấy, doanh nghiệp có vai trò quan trọng như thế nào?
Vai trò của đội ngũ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của giai đoạn mới 2021-2026 theo đề án tái cơ cấu của Chính phủ, trọng tâm là tạo giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, đề cao vai trò của người nông dân.
Doanh nghiệp vừa là vệ tinh, vừa là hạt nhân, giữ vai trò cầu nối giữa nông dân với thị trường, giữa nông dân với khu vực chế biến, hướng đến tích hợp đa giá trị. Ngành nông nghiệp hiện có hơn 19.000 trang trại, hơn 17.000 hợp tác xã (HTX) và hơn 13.500 doanh nghiệp, với quy mô vốn trung bình 19 tỷ/ doanh nghiệp. Nhờ hệ thống doanh nghiệp trải dài, ngành nông nghiệp đang kết nối thành một hệ sinh thái.
Với ngành chế biến, sức sống của khu vực doanh nghiệp càng trở nên mạnh mẽ. Trong hơn 4 năm, mức đầu tư vào khu vục chế biến khoảng 2,65 tỷ USD và chủ yếu đến từ khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp, bằng những cơ sở, tổ hợp chế biến đã liên kết chặt chẽ với địa phương và bà con nông dân. Đó là một thành tựu mà chúng ta có quyền tự hào bởi sự đồng hành ấy đã tạo lập những giá trị nền tảng, then chốt, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.
Trong 2 năm gần đây, nhất là nửa đầu năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực sản xuất. Bằng nỗ lực vượt khó, tính sáng tạo, làm chủ tình hình của các doanh nhân, đặc biệt là trong nông nghiệp, chúng ta không những đảm bảo thị trường trong nước mà còn cả xuất khẩu, bất chấp khó khăn trong tổ chức sản xuất, lưu thông. Nếu không có những liên kết từ doanh nghiệp, ngành nông nghiệp khó lòng tạo ra liên kết với vùng nguyên liệu, HTX, và các tổ hợp sản xuất. Chúng ta có vượt qua khó khăn hay không, mối liên kết chặt chẽ này giữ vai trò không nhỏ.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, cho tôi bày tỏ niềm tự hào trong thành công chung của ngành nông nghiệp. Thời gian tới, hy vọng vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp càng được thể hiện, làm thế nào để tạo sự cộng hưởng đối với các cơ quan quản lý và người dân.
Với riêng nhóm doanh nghiệp chế biến, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã có những chính sách nào để đồng hành, cũng như mở cửa thị trường trên thế giới?
Chúng tôi luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, và đặc biệt là định hướng của ngành nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng. Chế biến nông sản là một khâu tạo đà, tạo cú hích và nhân rộng giá trị. Việt Nam là một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản phẩm đa dạng, phong phú, mùa nào cũng có sản phẩm và địa phương nào cũng có dư địa.
Tuy nhiên, khả năng bảo quản nông sản khi triên khai ra các thị trường xuất khẩu còn hạn chế bởi những vấn đề về logistic, tổn thất sau thu hoạch. Vì thế, công tác chế biến, bảo quản nông sản trong bối cảnh mới cần gắn với thị trường, nhằm tạo được những cú hích đáng kể.
Trong nhiệm vụ của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN-PTNT để trình Chính phủ ban hành đề án chế biến rau củ quả có tầm nhìn đến 2030. Đây được kỳ vọng là bước đột phá, tạo liên kết mạnh mẽ với vùng nguyên liệu. Ngoài ra, chúng ta cần khai thác những dư địa trong chế biến gỗ, chế biến thủy sản... Qua đó, ngành nông nghiệp sẽ định hình những sản phẩm phục vụ đúng thị hiếu.
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhận thức của cả những cơ quan tham mưu lẫn quản lý chính sách. Nhưng cũng qua dịch bệnh, chúng ta ý thức rõ ràng hơn về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp chế biến, tạo sự tương thích về mặt thông tin giữa các vùng, các cơ sở với nhau. Đây là một thách thức không nhỏ, bên cạnh vấn đề quản trị trong chế biến.
Vừa rồi Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã thiết lập thành công hệ thống dữ liệu các cơ sở chế biến gắn với thị trường của 32 tỉnh phía Bắc. Bước đầu, chúng tôi sẽ triển khai từ tuyến huyện trở lên, tiến tới cập nhật tự động dữ liệu theo thời gian thực.
Chỉ khi nào chúng ta quản trị được trong trạng thái bình thường thì mới có khả năng xử lý trong trạng thái phức tạp. Ví dụ trong đợt dịch Covid-19, chúng ta sẽ có kế hoạch chủ động, giảm áp lực trong từng mùa, từng khu vực. Qua đây, tôi cũng mong cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân, các HTX sẽ cải thiện phần nào, khỏa lấp được những hạn chế của nền nông nghiệp.
Càng hội nhập sâu đòi hỏi sức chịu đựng càng lớn
Covid-19 đã làm lộ ra những hạn chế trong chuỗi sản xuất, cung ứng nông nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp. Ông có lời khuyên gì với đối tượng này để giảm thiểu những cú sốc?
Khi càng hội nhập sâu, doanh nghiệp càng bị đòi hỏi cao hơn về sức chịu đựng cũng như đương đầu với những thách thức lớn hơn, cả truyền thống lẫn phi truyền thống. Covid-19 đã tác động toàn diện đến cả hành vi, nhận thức, và thói quen của mọi người. Do đó, chúng ta cần xác định, khi tham gia sân chơi như WTO, CPTPP, FTA cần hiểu rõ luật chơi và quy tắc.
Để vượt qua những rào cản, các doanh nghiệp cần thiết lập các bộ phận nghiên cứu, phát triển thị trường, nguồn nhân lực để thích ứng xu hướng mới, từ đó chọn cách tiếp cận sao cho phù hợp với quy mô doanh nghiệp. Làm sao để nông dân được đào tạo bài bản, có ngoại ngữ để tiếp cận với mọi đối tượng từ lớn đến siêu nhỏ. Mục tiêu để chúng ta không bỏ qua bất cứ cơ hội nào.
Trước mắt, doanh nghiệp nông nghiệp cần đa dạng, nhiều chủng loại mặt hàng. Song song với đó, họ cần tìm những sản phẩm có giá trị cao, hoặc mang tính đặc thù, đặc hữu để tạo ra sức bật tham gia chuỗi liên kết toàn cầu.
Trước những khó khăn hiện tại, ông có kiến nghị gì giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tái sản xuất, cũng như đảm bảo mục tiêu chung của ngành nông nghiệp?
Với Chính phủ, tôi kiến nghị 5 vấn đề. Một, là xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hai, là chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội với những người dân đã tiêm vacxin. Các lái xe và người trên xe, nếu được tiêm 2 mũi, có thể miễn xét nghiệm hoặc kéo dài thời gian xét nghiệm lên 1 tháng/ lần, để giảm chi phí vận chuyển.
Ba, là chỉ đạo các địa phương rà soát việc thực hiện "3 tại chỗ" để phù hợp với thực tiễn hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có quy định phù hợp cho các cơ sở giết mổ và chế biến. Bốn, là có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến nông sản, doanh nghiệp liên kết với các HTX, các vùng nguyên liệu. Ngoài ra, cần xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất với nông dân trực tiếp sản xuất. Năm, là chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Với Bộ Công thương, tôi kiến nghị xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối để đảm bảo lưu thông, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, ngành công thương có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại nông sản, hướng tới những thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Với Bộ Tài chính, tôi kiến nghị có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất.
Với Ngân hàng Nhà nước, cần xem xét xây dựng gói tín dụng riêng cho khu vực nông nghiệp ứng phó với dịch bệnh.
Với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, cần tăng cường hợp tác với UBND các tỉnh, thành phố để đảm bảo các khâu trong chuỗi liên kết, từ sản xuất, lưu thông, đến tiêu thụ và xuất khẩu.