| Hotline: 0983.970.780

New Zealand giúp Việt Nam xây dựng bộ công cụ đảm bảo an toàn đập

Thứ Ba 25/07/2023 , 16:10 (GMT+7)

Sáng 25/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội thảo Báo cáo kết quả giai đoạn khởi động Dự án An toàn Đập Việt Nam - New Zealand (2022-2027).

Ngày 25/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội thảo Báo cáo kết quả giai đoạn khởi động Dự án An toàn Đập Việt Nam - New Zealand (2022-2027). Ảnh: Linh Linh. 

Ngày 25/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì Hội thảo Báo cáo kết quả giai đoạn khởi động Dự án An toàn Đập Việt Nam - New Zealand (2022-2027). Ảnh: Linh Linh. 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, dự án đã đi đến giai đoạn 3 (Pha 3), khẳng định quá trình và hợp tác về an toàn đập nói chung và an ninh nguồn nước nói riêng giữa Việt Nam và New Zealand đã trải qua thời gian dài và hiệu quả.

Việt Nam có 7.000 hồ, đập lớn nhỏ với tổng lượng nước xấp xỉ 70 tỷ m3, trong đó có khoảng 500 hồ thủy lợi (15 tỷ m3) và 6.500 hồ thủy điện (55 tỷ m3). Trong đó, có 1.000 hồ, đập lớn chứa trên 3 triệu m3.

“Trong những năm qua, Bộ NN-PTNT đã quyết liệt chỉ đạo, đầu tư và hướng dẫn các địa phương về bảo đảm an toàn đập, chúng tôi cho rằng nếu xảy ra sự cố, đặc biệt dẫn đến vỡ đập thì không chỉ là thảm họa thiên nhiên, thiên tai mà còn gây ra xáo trộn xã hội rất lớn. Chính vì vậy, bảo đảm an toàn hồ đập là một trong những trọng tâm trong chiến lược an ninh nguồn nước của Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin.

New Zealand tuy có dân số chỉ bằng 1/20 Việt Nam nhưng có số đập lớn, lên tới 400, tương tự Việt Nam. Hiện nay, New Zealand đã áp dụng công nghệ trong đảm bảo an toàn đập, và có rất nhiều giải pháp công trình cũng như phi công trình trong lĩnh vực này.

Vì vậy, Bộ NN-PTNT đánh giá cao sự hỗ trợ của New Zealand thông qua Dự án An toàn Đập. Thứ trưởng cho biết, Bộ mong muốn các hoạt động của Dự án sẽ xây dựng và chuyển giao các bộ công cụ và góp phần nâng cao năng lực cho các bên liên quan ở Việt Nam trong lĩnh vực an toàn đập và quản lý thiên tai, đồng thời góp phần vào nỗ lực của hai nước trong chiến dịch ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng thế giới.

Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng Pha 3 của dự án sẽ đạt được các kết quả mong muốn. Bộ NN-PTNT cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand cũng như Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam thực hiện thành công Dự án.

Bà Tredene Dobson, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng khi dự án đã đi đến Pha 3. Ảnh: Linh Linh. 

Bà Tredene Dobson, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng khi dự án đã đi đến Pha 3. Ảnh: Linh Linh. 

Về phía New Zealand, bà Tredene Dobson, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam, bày tỏ sự vui mừng khi dự án đã đi đến Pha 3. Bà Dobson lấy ví dụ về đập Ea Sup, huyện Ea Sup (tỉnh Đắk Lắk), được xây cách đây 20 năm đã giúp người dân địa phương vượt qua khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tưới tiêu và nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu thiên tai, lũ lụt xảy ra, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng đối với khu vực nếu con đập này không được đảm bảo an toàn. Đập Ea Sup cũng là một trong những địa điểm đề xuất tham gia Dự án An toàn Đập Việt Nam - New Zealand.

“Chúng tôi cũng được nghe về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với Đắk Lắk. Tất cả những diễn biến thời tiết bất thường này không chỉ xảy ra ở riêng Đắk Lắk mà còn đang rải rác ở những khu vực khác tại Việt Nam. Chính vì vậy, Pha 3 của dự án này đang trở nên vô cùng cấp thiết”, bà Dobson đánh giá.

Đại diện phía New Zealand mong muốn Pha 3 dự án sẽ tiếp tục triển khai các bộ công cụ khí tượng được áp dụng hiệu quả ở các tỉnh trước đó, xây dựng và phát triển mô hình dự báo về biến đổi khí hậu trong an toàn đập, từ đó giúp Việt Nam trở thành một trong những nước tiến bộ nhất trong khu vực về ứng phó biến đổi khí hậu và an toàn đập.

Dự án An toàn Đập Việt Nam - New Zealand do New Zealand Aid tài trợ được triển khai tại Hà Nội và các tỉnh có công trình đập lựa chọn như Đắk Lắk, Bình Định… Pha 3 của dự án được thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027.

Dự án nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ở hạ lưu đập ở Việt Nam dựa trên việc mở rộng áp dụng các công cụ đánh giá an toàn đập trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Cụ thể, dự án đánh giá tổng thể rủi ro (gồm xây dựng bản đồ ngập lụt, phân tích thiệt hại ở hạ lưu) một số đập điển hình có nguy cơ cao và có dân cư tập trung đông ở khu vực hạ lưu bằng Công cụ đánh giá chi tiết an toàn đập;

Ứng dụng công cụ đánh giá nhanh an toàn đập (DRAPT) đã xây dựng ở Pha 2 trên quy mô rộng hơn; Dự kiến đánh giá an toàn và xây dựng bản đồ ngập lụt theo phương pháp đánh giá nhanh cho 20-50 đập ở mỗi tỉnh được lựa chọn.

Cải tiến công tác quản lý đập dựa vào cộng đồng và tích hợp trong Chương trình Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (CBDRM). Xây dựng công cụ đánh giá hệ thống an toàn đập (DSMAT) dựa trên cơ sở dữ liệu tổng hợp từ 10 tiêu chí.

Tập huấn, tăng cường năng lực các bên liên quan trong quản lý thiên tai; Cập nhật và nâng cấp các chương trình đào tạo của Trường Đại học Thủy Lợi.

Xem thêm
Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.