Theo GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), nhận thức tầm quan trọng của bảo đảm an ninh nguồn nước đến phát triển bền vững đất nước, thực hiện Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tổ chức tổng kết, đánh giá thực trạng việc thực thi các quy định pháp luật về an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế; xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, căn cứ báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ NN-PTNT và ý kiến của các cơ quan liên quan, ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu.
Với triết lý của ngành thủy lợi là phải đi trước các ngành kinh tế khác và khi đó phải bằng mọi cách, mọi giải pháp phục vụ cao nhất nhu cầu về nước, phục vụ mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, Bộ NN-PTNT đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi quốc gia, trong đó, tập trung đề xuất các giải pháp cân đối lớn về nguồn nước trên phạm vi toàn quốc, liên kết, kết nối, chuyển nước, xây dựng các công trình lớn trên dòng chính sông phục vụ đa mục tiêu, xác định cập nhật mức bảo đảm cấp nước, tưới, tiêu, thoát nước, phòng chống lũ phù hợp tình hình mới.