| Hotline: 0983.970.780

Nhiều giải pháp nâng cao công tác quản lý an toàn đập, công trình thủy lợi

Thứ Sáu 15/07/2022 , 18:25 (GMT+7)

Các hồ chứa thuỷ lợi đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

934 hồ chứa vừa và nhỏ xuống cấp, hư hỏng

Ngày 15/7, tại Ninh Thuận, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức hội nghị nâng cao công tác quản lý an toàn đập, công trình thủy lợi vùng Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Tổng cục cùng các đơn vị trực thuộc và các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi của 26 tỉnh, thành phố có hồ chứa thủy lợi của  khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Khanh.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Khanh.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, theo quyết định phân loại hồ chứa của các địa phương và qua rà soát của Tổng cục, hiện cả nước đã xây dựng được 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi; trong đó có 592 đập dâng có chiều cao trên 5m và 6.750 hồ chứa với tổng chiều dài đập trên 1.180 Km, tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp; đồng thời cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.

Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT được giao quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt và 9 hồ chứa liên tỉnh. 63 đơn vị cấp tỉnh quản lý khai thác 2.264 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ, chiếm 33,5%; còn lại các đơn vị cấp huyện quản lý các hồ nhỏ. Cả nước hiện có 87/888 hồ chứa thủy lợi lớn, chiếm 9,8% số hồ được giao cho các đơn vị thuộc cấp huyện, xã khai thác nhưng chưa phù hợp với quy định của pháp luật và cần phải điều chuyển lại.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, việc thực hiện quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa là rất quan trọng. Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí để thực hiện tốt công tác quản lý. Theo đó, 100% số hồ được kiểm tra theo quy định; 90% số hồ có cửa van, có quy trình vận hành được duyệt; 78% số hồ được đăng ký an toàn đập; 73% số hồ được lập phương án ứng phó thiên tai.

Tuy nhiên, nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý đảm bảo an toàn vẫn chưa triển khai, còn có tỷ lệ thấp. Cụ thể, đến nay chỉ có 24% trong tổng số hồ chứa có phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; chỉ 23% số hồ có phương án bảo vệ; 13% số hồ được kiểm định an toàn; 16% số hồ có quy trình vận hành và chỉ 10% số hồ được lắp thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.

Hiện cả nước còn 934 hồ, chủ yếu là hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, hư hỏng, thiếu khả năng xả lũ. Nguyên nhân là do các hồ đã xây dựng từ rất lâu, kinh phí bảo trì, sửa chửa thiếu, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa còn hạn chế.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có 22 hồ chứa, với tổng dung tích 414, 29 triệu m3 và 4 đập dâng lớn phục vụ tưới tiêu cho hơn 28.000 ha diện tích đất sản xuất. Đến nay, tỉnh đã lập và phê duyệt phương án bảo vệ đập; phương án ứng phó thiên tai và ứng phó với tình huống khẩn cấp cho 21/21 hồ và đập; có 18/21 hồ đã được lập quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước; lập quy trình vận hành cửa van cho 6/21 hồ, đập và có 15/21 hồ chứa đã và đang thực hiện công tác kiểm định an toàn; đã thực hiện duy tu, sửa chữa 8 đập, hồ chứa nước…

Tuy nhiên, hiện nay Ninh Thuận có đến 10 hồ chứa nước đang xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa. Do vậy, địa phương đề nghị Tổng cục Thủy lợi tham mưu Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để tỉnh sửa chữa, khắc phục đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.

Các hồ chứa này về cơ bản đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Minh Hậu.

Các hồ chứa này về cơ bản đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Minh Hậu.

Do đó, các địa phương trong vùng kiến nghị Tổng cục sớm tham mưu Bộ NN-PTNT có quyết định về định mức khung để phục vụ công tác quản lý an toàn hồ, đập; quản lý con người… đồng thời sớm tham mưu điều chỉnh, sửa đổi kéo dài thời gian thực hiện Nghị định 114/2018/NĐ-CP của chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa…

“Hồ chứa thủy lợi là công trình sử dụng tổng hợp nguồn nước và mang tính đa mục tiêu. Các hồ chứa này về cơ bản đã phát huy hiệu quả phục vụ đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, các đập của hồ chứa thủy lợi hầu hết là đập đất, trải qua thời gian 30 - 50 năm khai thác, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Do đó, cần có đánh giá một cách cụ thể để rút ra bài học nhằm điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp”, ông Nguyễn Văn Tỉnh chia sẻ.

Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa thuỷ lợi

Theo ông Tỉnh, để đảm bảo an toàn cho các đập, hồ chứa thủy lợi trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36/KL-TW ngày 23/6 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa đến năm 2030, tần nhìn đến năm 2045; đồng thời thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi, Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

Về giải pháp công trình, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Tổng cục sẽ sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa quan trọng đặc biệt; hồ chứa liên tỉnh; một số hồ chứa dung tích lớn và hồ chứa bị hư hỏng nặng có nguy cơ vỡ trong điều kiện vận hành bình thường với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng; đồng thời tranh thủ nguồn vốn vay từ Dự án WB8 sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm nhất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đối với các hồ trong dự án.

Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập tại hội nghị đã được đưa ra. Ảnh: Minh Hậu.

Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập tại hội nghị đã được đưa ra. Ảnh: Minh Hậu.

Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị các địa phương bố trí nguồn vốn trung hạn, vốn chương trình phuc hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để sớm đầu tư sửa chữa, bảo trì các đập, hồ chứa thủy lợi do địa phương quản lý đang bị hư hỏng.

Về giải pháp phi công trình, Tổng cục sẽ có giải pháp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ hướng đến vận hành hồ chứa theo diễn biến thực tế, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn công trình, giảm thiểu thiệt hại vùng hạ du đập và cấp nước đa mục tiêu; hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác đập, hồ chứa theo hướng chuyển đổi số; đồng thời tăng cường đào tạo, truyền thông về quy định của pháp luật về an toàn đập.

“Thời gian tới, ngoài việc thực hiện theo thể chế, chính sách, Tổng cục sẽ đôn đốc các địa phương triển khai sửa chữa và nâng cấp 68 công trình được Chính phủ hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vốn tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng; đồng thời chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh việc quản lý, khai thác một cách hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nhấn mạnh.

Các địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm quy định pháp luật về an toàn đập, hồ thủy lợi theo Nghị định số 114/2018/ND-CP; trong đó cần quan tâm đến các nội dung có tỷ lệ thực hiện thấp như quy trình vận hành, lập phương án ứng phó khẩn cấp, kiểm định, hoạt động của hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng các đập, hồ chứa; sớm sửa chữa ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn cao trước lũ chính vụ năm 2022 này và sắp xếp thứ tự ưu tiên để sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục công trình còn lại. Đồng thời các địa phương cần rà soát phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiên theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.