Nội dung này được nhấn mạnh trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua sáng nay (24/3).
Chống lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường phải tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan, bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan; nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.
Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ cho từng địa phương, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Hoàn thành quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh 5 năm 2021-2025 trước 31/12/ 2022. Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất.
“Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm” – Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.
Cùng với đó phải triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn công nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trong năm 2022.
Quan tâm đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (kể cả nguồn lực xã hội hóa) cho công tác thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt (rác thải); tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo về môi trường... và hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm
Kịp thời giải quyết vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn
Đối với lĩnh vực công thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống.
“Có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh” – Nghị quyết nêu rõ.
Bên cạnh đó nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu.
Việc điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.
Cùng với đó phải tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, xây dựng lực lượng quản lý thị trường thật sự trong sạch, vững mạnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, phòng, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng khi thực thi nhiệm vụ.
“Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra sai phạm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu” – Nghị quyết nhấn mạnh; đồng thời lưu ý tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là các mặt hàng nông sản.