Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức dừng đấu thầu vàng miếng SJC và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế, dự kiến bắt đầu từ ngày 3/6, nhà điều hành thông báo trong tin phát đi vào tối 27/5.
Tuy nhiên, cụ thể về phương án bình ổn mới với thị trường vàng thì vẫn chưa được NHNN tiết lộ.
Trước khi tuyên bố trên được đưa ra, từ 22/4 đến nay, NHNN đã tổ chức tổng cộng 9 lần đấu thầu vàng nhằm tăng cung để bình ổn, hạ nhiệt thị trường vàng đang liên tục tăng nóng, lập đỉnh mới về giá.
Sau các phiên đầu "ế ẩm" vì không có đủ đơn vị tham dự, qua 6 phiên đấu thầu thành công, nhà điều hành đã cung ra thị trường tổng cộng 48.500 lượng vàng miếng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.
Chỉ riêng phiên đấu thầu gần nhất tổ chức vào hôm 23/5, 13.400 lượng vàng đã được 11 doanh nghiệp hấp thụ. Trong đó, giá trúng thầu cao nhất là 88,73 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 88,72 triệu đồng/lượng.
Đấu thầu vàng không hiệu quả như kỳ vọng
Theo NHNN, việc tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại (sau 11 năm) là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhà điều hành, sau vàng được "bơm" ra thị trường thông qua đấu thầu, giá vàng trên thực tế không hề giảm nhiệt. Bản thân sau mỗi phiên đấu thầu thành công của NHNN, giá tham chiếu và trúng thầu cho phiên đấu thầu tiếp theo lại được đẩy lên.
Trên nghị trường Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn đánh giá giải pháp này chưa hiệu quả. Một đại biểu cho rằng, khi mà mức nhà chức trách công bố giá để doanh nghiệp bỏ thầu ngày càng cao thì các đơn vị khi trúng thầu đương nhiên cũng không thể bán thấp hơn.
Vị này cho rằng, để kéo vàng trong nước về sát với giá quốc tế, NHNN cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.
Ở một diễn biến liên quan, ít ngày trước (23/5), Ngân hàng Nhà nước đã ra thông báo sẽ thanh tra kinh doanh vàng của 4 doanh nghiệp lớn là SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và hai ngân hàng TPBank, EximBank.
Trong đó, các đơn vị này sẽ bị thanh tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời gian thanh tra từ 2020 đến giữa tháng 5/2024.