| Hotline: 0983.970.780

Ngập lụt trên cao nguyên

Thứ Bảy 17/08/2019 , 07:10 (GMT+7)

Ngập lụt trên cao nguyên! Đó là một ý niệm từng chỉ có trong trí tưởng tượng. Vậy mà, giờ đây đã thành câu chuyện thực tế hãi hùng.

Sau mấy trận mưa, nước trắng xóa và nước tứ bề, hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk đã phải huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn để giúp đỡ những người dân thoát khỏi vùng nguy hiểm.

ngp-lut-co-nguyen095402896
Ngập lụt trên cao nguyên.

Hai địa điểm ngập lụt gây bàng hoàng là thành phố Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng và huyện Ea Súp của tỉnh Đắk Lắk. Không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng hầu hết đều hiểu được hệ lụy này tất yếu phải có sau những hành vi tàn phá thiên nhiên thô bạo.

Vốn có khí hậu ôn đới, mỗi năm Đà Lạt thu hút hàng triệu du khách thập phương. Trong vài năm gần đây, Đà Lạt có tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Các loại khách sạn, nhà nghỉ, homestay đua nhau mọc lên… Giá đất tăng gấp bội theo từng năm. Cuối tuần, Đà Lạt cũng kẹt ra không kém gì khu vực trung tâm Hà Nội hoặc Sài Gòn. Kết quả, ngành du lịch Đà Lạt xem như vỡ trận. Trận lụt vừa qua, hàng nghìn du khách bị kẹt trong nước ngập. Vì sao có thảm cảnh ấy? Không khó trả lời, nếu nhìn vào những cánh rừng thông thưa thớt dần và số lượng nhà kính trồng hoa màu khỏa lấp hết diện tích đất nông nghiệp. Mưa xuống, nước không có chỗ thoát, nước chảy ngược vào phố, nước ngập dốc thấp rồi nước ngập dốc cao.

Ea Súp là một huyện biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Đắc Lắk, giáp với huyện Cư Nhéc của tỉnh Mundulkiri - Campuchia. Về mặt nhận diện sinh thái, huyện Ea Súp có nhiều rừng, rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Huyện Ea Súp còn có ệ thống sông Ea HLeo và chằng chịt suối. Ngoài ra, hai công trình thủy lợi tầm cỡ Ea Súp Thượng và Ea Súp Hạ ngỡ cũng đủ để cư dân yên tâm quây quần lập nghiệp. Vậy mà, huyện Ea Súp lại ngập lụt. Bốn xã Ia Lốp, Ia R’vê, Ia Lơi và Ea Rốk bị cô lập hoàn toàn, phải điều động công binh đến tương cứu. Mấy ngàn hecta hoa màu, cây trồng và hàng vạn gia súc, gia cầm của huyện Ea Súp bị nhấn chìm trong biển nước.

Quá trình biển đổi khí hậu toàn cầu đang đe dọa nhân loại. Có một tâm lý từng xuất hiện, đó là để đối phó với hiện tượng nước biển dâng thì nhiều người tranh thủ mua đất trên cao nguyên như một chốn nương thân an toàn. Hiện tại, sau đợt ngập lụt ở Đà Lạt và Ea Súp, nhiều người càng hoang mang hơn. Cao nguyên bị ngập lụt, thì còn nơi nào cho thiên hạ trốn tránh thủy quái? Con người đang phải trả giá cho thái độ tệ bạc mà chúng ta đã làm với môi trường thiên nhiên.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, tính đến thời điểm năm 2018, rừng Tây Nguyên có độ che phủ chỉ còn 46%. Riêng tỉnh Lâm Đồng đã mất 90.000ha rừng chỉ trong khoảng từ năm 2010 đến nay. Tốc độ mất rừng của Tây Nguyên hiện tại tạm thời được ngăn chặn bằng quyết định đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hậu quả của những năm tháng bạt núi phá rừng đã phơi bày một cách đáng sợ.

Chúng ta đã làm gì Tây Nguyên? Bao nhiêu thủy điện đã xây dựng? Bao nhiêu vạt rừng đã biến mất? Bao nhiêu con suối đã khô cạn? Bao nhiêu nhánh sông bị chặn dòng? Con người kiếm tiền bằng mọi thủ đoạn, xem thường cảnh báo quy hoạch, rẻ rúng giá trị thiên nhiên. Tây Nguyên có cả thảy 9 cao nguyên, thì hai cao nguyên Lâm Viên và Đắk Lắc đã bị ngập lụt. 7 cao nguyên còn lại đứng trước sự phập phồng ái ngại. Thật ê chề, nếu mùa mưa tiếp theo, cao nguyên Kon Tum, cao nguyên Măng Đen, cao nguyên Kon Hà Nừng, cao nguyên Pleiku, cao nguyên M’drak, cao nguyên Mơ Nông và cao nguyên Di Linh cũng hứng chịu tình cảnh tương tự.

Làm sao cứu lấy Tây Nguyên khỏi vấn nạn ngập lụt? Hãy dừng lại những dự án tàn hại môi sinh! Hãy dừng lại những bàn tay dơ bẩn! Hãy dừng lại những toan tính đê hèn! Bởi lẽ, Tây Nguyên ngập lụt không chỉ xáo trộn cuộc sống của người dân vùng cao, mà còn trực tiếp đe dọa vùng đồng bằng hạ lưu. Sự cố nghiêm trọng suýt vỡ đập thủy điện Đắc Kar ở huyện Đắc K’Lấp, tỉnh Đắc Nông chính là một bài học phải rùng mình. Đem thiên nhiên để đổi lấy kinh tế là một sai lầm, mà đem tính mạng con người đổi lấy của cải càng là một sai lầm lớn hơn. Những ánh mắt thảng thốt của du khách ở Đà Lạt vừa qua, và những khuôn mặt đau khổ của người dân ở Ea Súp vừa qua, đã ám ảnh hàng triệu người Việt Nam. Giữ gìn Tây Nguyên ngay hôm nay, để con cháu đời sau còn có tương lai.

(Kiến thức gia đình số 33)

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.