| Hotline: 0983.970.780

Ngày đêm đắp đất be bờ, bơm tát bảo vệ vườn cây trái

Thứ Năm 05/10/2023 , 12:00 (GMT+7)

ĐBSCL Nhờ công tác dự báo chính xác, chủ động ứng phó tích cực nên vườn cây ăn trái đặc sản ở ĐBSCL được an toàn trước đợt triều cường rằm tháng 8 vừa qua.

Tích cực be bờ, bơm tát nước ruộng

Hiện nay, nước dâng do triều cường và mưa to liên tục, chính quyền và nhân dân một số tỉnh vùng ĐBSCL đã đưa ra cảnh báo và tập trung các giải pháp ứng phó, bảo vệ vườn cây ăn trái cũng như đời sống dân sinh.

Người dân ĐBSCL dùng bạt và bao cát ngăn nước tràn đê. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân ĐBSCL dùng bạt và bao cát ngăn nước tràn đê. Ảnh: Minh Đảm.

Huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là địa phương có vườn cây ăn trái chuyên canh lớn nhất tỉnh Tiền Giang, với trên 24.000ha. Đợt triều vừa qua, một số đoạn đê ở các xã An Hữu, Mỹ Đức Tây, An Thái Đông, An Thái Trung, Hòa Khánh bị tràn nhưng cơ bản không xảy thiệt hại cho các vườn cây ăn trái và đảm bảo đời sống dân sinh.

Ông Đặng Văn Tung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Bè cho biết: Để chủ động phòng chống triều cường dâng cao gây thiệt hại, huyện phối hợp với các địa phương rà soát hiện trạng các đoạn đê xung yếu, có nguy cơ tràn, vỡ, nhất là các cống để tìm các giải pháp ứng phó thích hợp.

Nếu đoạn đê nào đưa cơ giới hóa vào được, huyện huy động kô-be đến thực hiện. Nơi nào xây gạch được địa phương vận động bà con xây hoặc đắp bao cát ngăn nước tràn. Theo cơ chế, huyện hỗ trợ 50%, nhân dân đóng góp 50%, tổ chức thực hiện là địa phương.

Xã An Hữu, huyện Cái Bè có diện tích cây ăn trái trên 1.000ha, gồm cây sầu riêng, mít Thái và các loại cây có múi… Năm qua, nhờ được Trung ương đầu tư tuyến kè ven sông Tiền (giai đoạn 1) mà mùa nước nổi năm nay khu vực này ổn định. Riêng các tuyến đê bao ven sông Cái Cối xuất hiện một số điểm bị tràn, bà con xây gạch, đắp bao cát ngăn nước tràn. Tuy nhiên, có cống Bà Việt bị nước xoáy gây lở, lực lượng ứng phó tại chỗ được huy động nhanh chóng khắc phục tạm thời.

Cống Bà Việt (xã An Hữu, huyện Cái Bè) bị nước xoáy đáy, đang được chính quyền và bà con gia cố. Ảnh: Minh Đảm.

Cống Bà Việt (xã An Hữu, huyện Cái Bè) bị nước xoáy đáy, đang được chính quyền và bà con gia cố. Ảnh: Minh Đảm.

Nước sông dâng cao trong đợt triều cường rằm tháng 8 này đã đe dọa các vườn ăn trái ở xã cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Nhà vườn địa phương đã kịp thời gia cố, ngăn nước để bảo vệ vườn cây sầu riêng đang cho trái. Ông Trình Văn Sỹ, một nhà vườn ở xã cù lao này nói mực nước đã giảm nhưng vẫn còn tràn đê. Ông Sỹ đã lấy khoảng 100 bao chứa cát tấn mé, gia cố tạm.

“Nếu không gia cố sẽ bị tràn nước cả khu này, khoảng 100 ha sẽ bị ngập hết. Tôi đã xin chủ trương gia cố, và UBND xã đang trình cấp huyện phê duyệt. Tôi đề xuất bỏ tiền cá nhân nâng đê lên để bảo vệ an toàn vườn cây ăn trái của bà con luôn. Bây giờ rất nguy hiểm, con nước triều cường tới mà không làm thì có nguy cơ vỡ đê”.

Ngoài gia cố đê bao, bà con ở ĐBSCL còn chú trọng bơm tát, tiêu úng kịp thời. Tại cánh đồng hơn 15.000 khóm (dứa) của vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang những ngày này, bà con rất khẩn trương bơm thoát nước mưa chống ngập úng.

Ông Bùi Hữu Thiện có hơn 20 ha khóm tại các xã Phú Mỹ, Hưng Thạnh, Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước) chia sẻ: Hôm trước, nước ngập ruộng khóm nhiều lắm, ngập lên cây khóm từ 5 phân đến 1 tấc nhưng nhờ một tuần nay xã tổ chức bơm ngày đêm tháo cạn. Mức thu phí tùy chỗ, từ 500.000 -700.000 đồng/ha.

Người dân địa phương chủ động gia cố bờ bao yếu bảo vệ hồ cá. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân địa phương chủ động gia cố bờ bao yếu bảo vệ hồ cá. Ảnh: Minh Đảm.

Chưa ghi nhận thiệt hại

Hiện nay, hầu hết các vườn cây ven sông, rạch ở tỉnh Tiền Giang đều xây dựng các bờ đê bao khá vững chắc, có lắp đặt các ống bọng tiêu thoát nước tốt. Trên cơ sở các dự báo về tình hình thủy triều dâng và mưa bão, chính quyền nhân dân các huyện ven sông Tiền thực hiện các giải pháp ngăn triều tràn đê nên không có thiệt hại về sản xuất. Địa phương kịp thời khắc phục các điểm sạt lở đê bằng cơ giới hay thủ công nên đợt triều cường này chưa bị nước tràn vào đe dọa vườn cây.

Ông Dương Trần Trọng Quang, Chủ tịch UBND xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy cho hay: “Thời điểm này xã đã huy động người dân tiến hành gia cố các mặt cống, bọng. Riêng các điểm sạt lở đang được các đơn vị thi công thực hiện. Đối với vườn cây ăn trái, nhờ chủ động ứng phó nên không bị thiệt hại. Bà con có kinh nghiệm chằng chống, thực hiện các biện pháp để hạn chế ảnh hưởng do mưa bão, lốc xoáy”.

Còn tại 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, hệ thống thủy lợi địa phương đã được đầu tư đáp ứng ngăn triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt. Trước con nước triều huyện đã gia cố các điểm đê bị lún. Nhờ đó, con nước này địa phương không có điểm nào bị tràn đê.

Đắp đất nâng đê trước triều cường dâng cao bảo vệ sầu riêng ở cù lao Ngũ Hiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Đắp đất nâng đê trước triều cường dâng cao bảo vệ sầu riêng ở cù lao Ngũ Hiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Phạm Minh Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, xã có diện tích trồng chôm chôm hơn 700ha. Bà con trong xã thực hiện sản xuất trái cây nghịch vụ cho trái chín bốn mùa. Do vậy, thủy lợi là công tác được địa phương quan tâm thường xuyên.

Hàng năm, để đảm bảo sản xuất, vào mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 9 và các con nước lớn, Đảng ủy, UBND xã Bình Hòa Phước đôn đốc các Bí thư, trưởng ấp tuyên truyền vận động người dân kiểm tra cống bọng, tự khắc phục khi có sự cố xảy ra tránh thiệt hại tối đa. Đặc biệt đối với các tuyến đường đê bao xung yếu. Nếu không khắc phục được, địa phương hỗ trợ tràm, còn đoạn đường dài sẽ phân công lực lượng ấp cũng như lực lượng quân sự hỗ trợ khắc phục.

Ngày 4/10, ông Đoàn Văn Đảnh, Phó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bến Tre cho biết: Đợt triều cường này chưa ghi nhận thiệt hại trên địa bàn tỉnh do các địa phương đã chủ động phòng chống rất tích cực và có kinh nghiệm qua nhiều năm. Trước đó, cơ quan này đã có văn bản cảnh báo gửi đến các ngành, các địa phương trong tỉnh để triển khai các biện pháp ứng phó.

Bơm nước ngày đêm bảo vệ ruộng khóm. Ảnh: Minh Đảm.

Bơm nước ngày đêm bảo vệ ruộng khóm. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Hữu Nghị, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết nước triều dâng cao gây tràn qua một số đoạn đê ven sông, rạch. Tuy nhiên, chính quyền và người dân địa phương đã gia cố bằng cách đắp đê “cơm nếp” ngăn nước kịp thời. “Cao trình đê của huyện Chợ Lách từ +2m. Cao trình đỉnh triều là +2.09. Dự báo đỉnh triều cỡ +2 m thì Chợ Lách ổn”, ông Nghị nói.

Cũng theo ông Nghị, năm nay huyện Chợ Lách xảy ra nhiều vụ sạt lở. Đối với công trình ít tiền thì nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện có 7 công trình được nhà nước hỗ trợ khoảng vài chục triệu đồng mỗi công trình. Đối với 4 điểm sạt lở lớn dọc sông Hàm Luông, sông Tiền, sông Cổ Chiên thì huyện cũng vừa làm, vừa đề nghị hỗ trợ từ tỉnh với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.