Theo ông Hiếu, mặc dù các địa phương đã rất nỗ lực nhưng khó hoàn thành chỉ tiêu UBND tỉnh giao là trả hết nợ đọng nông thôn mới (NTM) vào 2019.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN- PTNT Nghệ An |
Tính đến cuối tháng 3/2016, Nghệ An có 112 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 25,9%, vượt mức 5,9% so với kế hoạch đề ra; có một huyện cán đích NTM. Tổng số tiền huy động xây dựng NTM là 20.912,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp chiếm 31%. Thế nhưng, hầu hết các địa phương, đặc biệt là các xã cán đích NTM đều đang đau đầu với nợ đọng. Tính đến cuối tháng 4/2016, nợ đọng xây dựng cơ bản NTM là 887 tỉ đồng. Trong đó, nợ đọng các xã đã đạt chuẩn là 576 tỉ đồng.
Nguyên nhân khiến các địa phương lâm vào cảnh nợ nần khi về đích NTM một phần do có sự thay đổi trong chính sách hỗ trợ của Trung ương. Khi bước vào thực hiện chương xây dựng NTM, các địa phương áp dụng Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Trung ương hỗ trợ 100% nguồn vốn cho 7 nội dung, gồm: Quy hoạch, đào tạo, y tế, giáo dục, giao thông trục chính, nhà văn hóa và trụ sở UBND xã.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chính sách, cơ chế hỗ trợ vốn chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 bằng Quyết định số 695/QĐ-TTg, ngày 8/6/2012. Theo đó, chỉ hỗ trợ 100% từ ngân sách các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa thực hiện 7 nội dung trên. Những xã còn lại chỉ hỗ trợ 3 nội dung, gồm: Quy hoạch, đào tạo, trụ sở UBND xã. Thời điểm đó, nhiều xã của Nghệ An đã huy động các nguồn vốn tạm thời xây dựng các hạng mục trên, chờ ngân sách Trung ương hỗ trợ trả nợ sau và không thể cân đối nguồn vốn.
Cũng tại Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định cơ chế huy động vốn của địa phương để tổ chức triển khai chương trình. Theo đó, HĐND tỉnh quy định tăng tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí) để lại cho ngân sách xã, ít nhất 70% để thực hiện xây dựng NTM.
Do đó nhiều địa phương triển khai thi công các công trình hạ tầng trên địa bàn, đồng thời quy hoạch tạo quỹ đất để khi có chủ trương của tỉnh về trích tỷ lệ như tại Quyết định 800 sẽ bán để trả nợ. Tuy nhiên do khó khăn trong việc thu ngân sách nên tỉnh chưa thực hiện được (hiện tại phần để lại cho xã chỉ 30%), do đó với giá trị đất ở địa bàn nông thôn không cao thì phần để lại 30% cho xã là không nhiều, không đủ để thanh toán cho các công trình đã thi công.
Sau khi cán đích NTM, hầu hết các địa phương đều tích cực giải quyết nợ đọng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề này. Theo Quyết định 1600/QĐ-TTg, ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh quy định tăng tỷ lệ vốn thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn xã (sau khi đã trừ đi chi phí) để lại cho ngân sách xã, ít nhất 80% để xây dựng NTM.
Nợ đọng xây dựng giao thông, hạ tầng cơ sở trong xây dựng NTM trở thành nỗi ám ảnh của nhiều địa phương |
Tuy nhiên, việc thực hiện quyết định này ở Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Giá trị đất ở địa bàn nông thôn không cao nên số tiền trích lại từ đấu giá quyền sử dụng đất cho các xã là không nhiều, không đủ để thanh toán các công trình đã thi công. Năm 2017, chương trình xây dựng NTM ở Nghệ An tiếp tục được quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ với mục tiêu có ít nhất 20 xã đạt chuẩn NTM; xây dựng 3 xã NTM kiểu mẫu; huyện Nam Đàn trở thành huyện NTM; tập trung phân bổ vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2017...
Theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu, tính đến 31/12/2016, nợ đọng xây dựng NTM tại Nghệ An là 731 tỷ đồng/431 xã, bình quân 1,7 tỷ đồng/xã. Nhưng số nợ đọng này chủ yếu thuộc về 109 xã về đích NTM với 480 tỷ đồng, bình quân 4,3 tỷ đồng/xã. Tính đến cuối tháng 6/2017, các địa phương tại Nghệ An đã giải quyết được 136 tỷ đồng nợ NTM và còn nợ 615 tỷ đồng. Theo chỉ tiêu UBND tỉnh Nghệ An giao, đến năm 2019, các địa phương này phải cơ bản hoàn thành xong nợ đọng NTM. “Với những số liệu thống kê trên, có thể nói, nợ đọng NTM tại Nghệ An nằm ở mức trung bình chung của cả nước. UBND tỉnh giao cho các xã, đến năm 2019 phải giải quyết xong số nợ đọng này nhưng nếu cố gắng lắm, phải đến cuối năm 2019 mới trả hết”, ông Hiếu thông tin. |