Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng không thể nào ngờ định mệnh trớ trêu lại ập đến với ông một cách đột ngột như vậy. Trong thời gian quay bộ phim “Trở về giữa yêu thương” của đạo diễn Trịnh Lê Phong, ông thường xuyên bị đau nhức và mất ngủ. Nghĩ mình bị viêm cơ, nên khi bộ phim “Trở về giữa yêu thương” vừa đóng máy, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng đã vào bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và phát hiện bị ung thư tụy giai đoạn cuối.
Sau hai tháng gắng gượng chống chọi tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng đã ra đi mãi mãi, khi bộ phim “Trở về giữa yêu thương” dài 50 tập có vai chính Phương do ông thể hiện, vẫn đang trình chiếu trên VTV1. Ngoài ra, còn một bộ phim nữa có sự tham gia của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng là “Gái già lắm chiêu V” vẫn chưa ra rạp đúng dịp Tết Tân Sửu vì dịch Covid-19.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng là một kiểu diễn viên khá đặc biệt. Ở ông, vừa có nét thanh lịch của một gã trai Hà Nội lại vừa có vẻ điềm đạm của một tri thức lành tính. Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng không nổi đình nổi đám như những đàn anh Trần Tiến, Lâm Tới, Thế Anh… mà cũng không được ồn ào săn đón như những người cùng thế hệ Nguyễn Chánh Tín, Thương Tín, Đơn Dương… Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng cứ lặng lẽ cống hiến, cứ lặng lẽ tỏa sáng.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng dường như là một diễn viên đứng ngoài show biz. Ông xa lạ với các loại quảng bá, và ông càng hờ hững với các loại chiêu trò. Ông cứ ung dung tự tại một cách kiêu hãnh. Thế nhưng, người hiểu ông lẫn người không hiểu ông đều không thể chê bai hoặc trách giận ông. Bởi lẽ, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng luôn đối đãi tử tế và chừng mực với tất cả mọi người. Trong mắt Hoàng Dũng, không có khái niệm ngôi sao, mà chỉ có sự chân thành và sự nghiêm túc với nghệ thuật.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng vốn được sinh ra cho sân khấu. Sau khi tốt nghiệp khoa diễn viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, chàng trai Hoàng Dũng đầu quân cho Nhà hát kịch Hà Nội và gắn bó với đơn vị nghệ thuật này đến khi nghỉ hưu. Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng từng đảm nhận nhiều chức vụ ở Nhà hát kịch Hà Nội, nơi hội tụ những tên tuổi tầm cỡ của sân khấu thủ đô. Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng có 10 năm làm Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Ông không lép vế với thế hệ trước của Dương Ngọc Đức, Hoàng Quân Tạo, Nguyễn Quốc Toàn, Trịnh Mai, Phạm Bằng…. Ông cũng không lên giọng với người cùng thời Hoàng Cúc, Thanh Tú, Tiến Đạt, Minh Hòa, Minh Vượng… Và ông cũng không chèn ép với thế hệ sau Thu Hà, Trung Hiếu, Công Lý, Kiều Thanh… Nói cách khác, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng dự phần vào Nhà hát kịch Hà Nội và trở thành một phần lịch sử của Nhà hát kịch Hà Nội.
Dấu ấn đầu tiên của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng với sân khấu là vai giám đốc Chính trong vở kịch “Tôi và chúng ta” bùng nổ trong không khí đổi mới đất nước giữa thập niên 80 ở thế kỷ trước. Vở kịch “Tôi và chúng ta” của Lưu Quang Vũ hơn 30 năm qua đã được tái dựng nhiều lần ở nhiều nơi, nhưng vẫn không có ai đóng giám đốc Chính thuyết phục bằng Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng.
Chỉ cần vai giám đốc Chính trong vở kịch “Tôi và chúng ta” cũng đủ định vị Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng trong đời sống kịch nghệ. Thế nhưng, từ tuổi 30 đến tuổi 40, ông còn có thêm những vai diễn được yêu mến như Cả Khoa trong vở kịch “Cát bụi”, Lãm trong vở kịch “Hà Nội đêm trở gió”, Hai Hùng trong vở kịch “Ăn mày dĩ vãng”… Đó là những vai diễn mà chất kịch và chất đời trộn lẫn vào nhau, khiến công chúng nhớ nhung và ám ảnh. Cái tài của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng là làm cho nhân vật sau bức màn nhung khép lại vẫn còn ẩn hiện thiện ác đâu đó trong cuộc sống bộn bề, vừa có tính chia sẻ vừa có tính cảnh báo.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng không phải diễn viên điện ảnh. Thế nhưng, diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp không thể nghi ngờ năng lực thực sự của ông. Khởi sự đóng phim của Hoàng Dũng là vai Khổng trong bộ phim “Tướng về hưu” sản xuất năm 1988 của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi. Vai Khổng không phải vai chính, nhưng diễn xuất của Hoàng Dũng đã giúp Khổng trở thành một nét chấm phá khó quên trong bộ phim “Tướng về hưu”.
Một điểm son nữa của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng trong lĩnh vực điện ảnh, là vai Tuấn trong bộ phim “Tiếng cồng định mệnh” dựa theo tiểu thuyết “Khúc tráng ca cuối cùng” của nhà văn Chu Lai. Người đọc sách dù hình dung nhân vật Phạm Ngọc Tuấn bằng những sắc thái như thế nào, thì cũng hài lòng với vai diễn của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng hóa thân trên màn ảnh. Vai Tuấn trong bộ phim “Tiếng cồng định mệnh” đã mang về giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc Cánh Diều 2004 cho Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng.
Như đã đề cập, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng là nhân vật của kịch nói, nên ông có ưu thế vượt trội về giọng nói so với những diễn viên điện ảnh khác. Khi những nhà làm phim chưa áp dụng công nghệ thu tiếng trực tiếp, thì Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng rất đắt show với nghề lồng tiếng. Nhân vật nào được Hoàng Dũng lồng tiếng thì công chúng thoáng nghe cũng nhận ra ngay. Bởi lẽ, Hoàng Dũng có giọng chuẩn Hà Nội, trầm mà lại vang, ấm mà lại sang.
Từ ngày nghỉ hưu ở Nhà hát kịch Hà Nội vào năm 2017, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng có nhiều thời gian hơn để đóng phim. Và giọng nói độc đáo của Hoàng Dũng lại phát huy giá trị qua từng vai diễn. Lần lượt các bộ phim “Người phán xử”, “Về nhà đi con”, “Những ngày không quên”, “Sinh tử”… khẳng định một phẩm chất riêng của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng trên phim truyền hình. Do vậy, bộ phim cuối cùng “Trở về giữa yêu thương” chắc chắn sẽ để lại nhiều nuối tiếc cho đông đảo khán giả, vì từ nay không còn được gặp Nghệ sĩ Hoàng Dũng trên màn ảnh nhỏ nữa.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà nhỏ gần chợ Đồng Xuân - Hà Nội. Người vợ của Hoàng Dũng vốn là một giáo viên tiểu học, đã chấp nhận rời bục giảng để buôn bán chăm lo cho gia đình. Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng rất tự hào về hậu phương vững chắc của mình, như ông có lần thổ lộ rằng vợ mình tuy không phải nghệ sĩ nhưng rất thấu hiểu nghề nghiệp của chồng và cũng sẵn lòng tha thứ cho những chệch choạch nghệ sĩ của chồng.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng có hai người con trai, Hoàng Duy và Hoàng Dương. Từ nhỏ, Hoàng Duy đã xuất hiện trong chương trình hài kịch trên truyền hình và cũng tham gia một số bộ phim cùng bố. Thế nhưng, Hoàng Dũng không hề cưỡng cầu con trai đầu lòng phải theo con đường của mình. Được sự cởi mở khích lệ của cha, Hoàng Duy học ngành kinh tế và làm việc cho một công ty chuyên nhập khẩu ô tô. Hoàng Duy hiện nay đã lập gia đình và có một cậu con trai. Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng có niềm vui cuối đời là chơi đùa với cháu nội, sau những giờ phút mệt mỏi ở trường quay.
Còn con trai thứ hai của Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng là Hoàng Dương đang theo học Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Bây giờ, Hoàng Dương đã không thể nào được đóng phim cùng cha, nhưng biết đâu “hổ phụ sinh hổ tử”.
Cuộc đời Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng không có nhiều pha gây cấn như những vở kịch hoặc những bộ phim mà ông từng thể hiện. Tuy nhiên, đó là một cuộc đời xứng đáng được ngưỡng mộ bởi sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và trách nhiệm.