| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Quảng Bình đặt niềm tin lớn vào tàu 67

Thứ Hai 12/06/2017 , 13:31 (GMT+7)

Đến đầu tháng 6/2017, Quảng Bình đã hoàn thành đóng mới 85 tàu cá 67 (trong đó có 29 chiếc tàu vỏ thép), với tổng số vốn trên 1.240 tỷ đồng.

11-13-59_nnvn__1-_tu_vi_thep
Tàu vỏ thép do DN Nguyễn Văn Tuấn đóng mới

Ngư dân đã được các ngân hàng hỗ trợ cho vay gần 990 tỷ đồng. Quảng Bình được Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT đánh giá là một trong số các tỉnh thực hiện tốt NĐ 67 của Chính phủ.
 

Cần doanh nghiệp sát cánh

Trong hội nghị sơ kết công tác thực hiện NĐ 67 của Quảng Bình, hàng chục chủ tàu đã đến dự trong không khí sôi nổi và tự tin. Hội nghị và các cơ quan chức năng của tỉnh chưa hề nhận được thông tin nào từ chủ tàu phản ánh về chất lượng tàu vỏ thép cũng như tàu vỏ gỗ.

Trong số tàu vỏ thép được đóng mới, đã có 15 tàu của ngư dân Quảng Bình được Doanh nghiệp tư nhân cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn (ở TP Thái Bình - tỉnh Thái Bình) thực hiện. Theo ông Tuấn - Giám đốc DN, sau khi ký hợp đồng và trong quá trình thực hiện đóng tàu, DN luôn sát cánh cùng chủ tàu để xem xét từng trường hợp cụ thể để điều chỉnh kịp thời và phù hợp đối với từng con tàu, nghề biển và địa phương.

Đối với tàu vỏ thép, do ngư dân chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên khi chọn mẫu thiết kế và chủng loại vật tư, vật liệu thì DN phải tư vấn sát đúng. Trong quá trình thi công luôn lắng nghe, bàn bạc cùng chủ tàu để con tàu phát huy được hiệu quả tốt”, ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, nhiều chủ tàu đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thay thế một số bộ phận, thiết bị không phù hợp ngành nghề. DN cũng phối hợp tốt để giảm phát sinh cho ngư dân. Trao đổi về vấn đề thay thế, phát sinh, ngư dân Nguyễn Văn Dương cho hay, quá trình đóng tàu, ông đã đi lại nhiều lần, xem xét cụ thể chứ không thể lơ là được.

“Tàu của tôi đã thay đổi một số chi tiết như tăng chiều dài, tăng gông, cải tiến hệ thống tời thủy lực để tăng độ dài, sâu lưới rê mới có được hiệu quả khi đưa vào sử dụng”, ông Dương cho hay.

Để phục vụ tốt hơn việc đóng mới, sửa chữa tàu vỏ thép trong khu vực miền Trung, DN tư nhân cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn góp vốn thành lập Cty TNHH Công nghiệp và Thương mại 30/6 xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu Sông Gianh tại Quảng Bình. Ông Tuấn cho biết: Dự kiến số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Năng lực mỗi năm đóng mới 15 tàu vỏ thép; 20 tàu composite; sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ 50 tàu vỏ thép, 7 tàu hàng các loại. Nếu thành công sẽ tạo được điều kiện tốt cho ngư dân miền Trung trong việc đóng mới, nâng cấp, sửa chữa tàu vỏ thép, tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ khi đóng mới, duy tu tàu.
 

Đề nghị gỡ khó

Ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết, Chính phủ đã cho phép kéo dài thời hạn thực hiện các chính sách quy định tại NĐ 67 đến cuối năm 2017. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tàu 67 được Bộ NN-PTNT phân bổ cho Quảng Bình đã hết. Vì vậy, ngư dân Quảng Bình muốn có thêm tàu 67 thì phải đợi. “Khi triển khai NĐ 67, ngư dân Quảng Bình có dự định đăng ký đóng mới lên con số hàng trăm. Tuy nhiên, các chủ tàu được chọn đủ với số lượng phân bổ”, ông Lợi cho biết thêm.

11-13-59_nnvn__2-_thieu_khu_neo
Thiếu khu neo đậu cho tàu có công suất lớn

Theo các chủ tàu 67, quá trình hoạt động cũng đang có nhiều vướng mắc cần cấp Trung ương tháo gỡ. Anh Nguyễn Văn Dương (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới), chủ tàu vỏ thép QB 91559TS đại diện cho nhóm tàu vỏ thép của tỉnh nêu vấn đề khó khăn nhất mà các chủ tàu gặp phải chính là vốn lưu động.

Theo anh, vì chi phí đầu tư tàu vỏ thép rất lớn, ngoài việc vay vốn ngân hàng, các chủ tàu phải huy động thêm vốn của anh em, bà con thêm 3 - 5 tỷ đồng để thay đổi một số chi tiết tàu, mua thêm ngư lưới cụ và phương tiện phụ trợ nên đã cạn nguồn. Mỗi chuyến đi khơi, công tác hậu cần phải có thêm vài trăm triệu đồng nữa mới đáp ứng được. Nguồn vốn lưu động này thường được các chủ tàu vay nóng với lãi suất cao. “Mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu phải lo lắng đến trả lãi vốn vay ngân hàng và khoản vay nóng nên cũng nặng gánh. Hy vọng có được nguồn vốn vay từ các ngân hàng cho khoản lưu động để giảm bớt áp lực cho chủ tàu”, anh Dương tha thiết.

Vấn đề cũng đang được ngư dân quan tâm là chính sách bảo hiểm tàu cá. Theo NĐ 67, tàu cá 67 được hỗ trợ trong một năm bảo hiểm. Mức bảo hiểm được hỗ trợ cho mỗi tàu từ 30-70 triệu đồng/năm tùy theo giá trị con tàu. Hiện nay, phần lớn tàu cá đã hết hoặc sắp hết hạn hỗ trợ. Theo anh Dương, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn được kéo dài từ 11 đến 16 năm. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm chỉ hỗ trợ trong vòng một năm là chưa phù hợp. “Mong muốn của ngư dân là được hỗ trợ như hỗ trợ chính sách vay vốn để giảm bớt khó khăn trong thời gian đầu đưa con tàu mới vào sử dụng”, anh Dương đề nghị.

Cũng theo anh Dương, trong quá trình hoạt động của tàu 67 đã có phát sinh mới mà chưa được điều chỉnh. Thứ nhất, sau khi đưa tàu vào hoạt động khai thác mới phát hiện công năng sử dụng không phù hợp. “Vậy lúc đó, chủ tàu có được phép cải hoán, thay đổi công năng sử dụng không”, anh Dương đặt câu hỏi. Có trường hợp, sau khi đưa tàu vào sử dụng một thời gian, chủ tàu không còn nhân lực lao động quản lý nữa. Chẳng hạn như có hai con trai là thuyền trưởng, máy trưởng của tàu nay đi lao động tại Hàn Quốc lâu dài. Chủ tàu muốn chuyển nhượng tàu 67 cho người khác. "Chính phủ chưa có quy định đối với các tàu cá 67 được chuyển nhượng tài sản hay không. Đồng thời chưa có quy định về hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận tài sản chuyển nhượng. Vì vậy nên có quy định rõ ràng cho ngư dân để tạo thuận lợi trong quá trình sử dụng”, anh Dương nói.

Thiếu khu neo đậu

Bộ NN-PTNT vừa có QĐ về công bố danh sách các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đợt I năm 2017.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình có 3 khu neo đậu tránh trú bão, gồm: cửa Gianh (xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch) có sức chứa 435 tàu có công suất <= 300 CV; cửa Roòn (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) có sức chứa 285 tàu, công suất <= 200 CV và Nhật Lệ (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) có sức chứa 270 tàu, công suất <= 300 CV.

Chính vì lý do này mà 237 tàu xa bờ của xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) phải ở nhờ cảng cá Cửa Việt (Quảng Trị) hoặc Thọ Quang (Đà Nẵng). Sau này, có thêm đội tàu 67 lại càng gặp khó. Khi có bão, lũ, những tàu 67 không được vào khu tránh trú bão mà chỉ găm neo ở ven bờ các cửa sông, hoặc chạy hộc tốc lên thượng nguồn các con sông để ẩn nấp.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.