| Hotline: 0983.970.780

'Tàu 67 Quảng Bình', thế mạnh trên biển được phát huy

Thứ Sáu 09/06/2017 , 08:35 (GMT+7)

“Bám ngư trường, phát huy hiệu quả. Giữ vùng biển, tàu 67 vươn khơi”, anh Hoàng Viết Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình nói vui về hiệu quả đội tàu 67 tóm tắt trong hai câu văn vần như vậy.

“Nhiều lần chúng tôi đã đối đầu với tàu nước ngoài xâm phạm vào lãnh hải nước ta. Bây giờ tàu 67 của mình cũng đã ngang ngửa với tàu của họ nên họ cũng phải chờn. Ngoài tàu vỏ gỗ được thiết kế, đóng mới thì chúng ta còn có tàu vỏ thép sẵn sàng hỗ trợ. Thế mạnh trên biển được tàu 67 phát huy” - thuyền trưởng Hải nói.
 

Giữ biển

Dáng người cao lớn, ăn nói rổn rảng, nước da ngăm mặn mòi mùi biển. Đó là toát lên từ thuyền trưởng Đào Minh Hải (thôn Hà Thôn - Bảo Ninh - TP Đồng Hới - Quảng Bình). Tôi gặp anh sau chuyến đi biển dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa trở về. Ngồi với nhau bên bờ biển Nhật Lệ. Gió biển thổi lộng vẫn không át được tiếng nói của Hải.

11-08-53_nnvn__2-_tu_67
Tàu 67 vươn khơi đánh bắt có hiệu quả

“Ngày trước, khi chưa có tàu 67 (ý nói là tàu được đóng mới theo NĐ 67 của Chính phủ), thì ngư dân ra biển cũng yếu thế lắm. Nay thì khác rồi. Nhiều lần tổ tàu 67 hợp lại đuổi tàu cá nước ngoài xâm hại vùng biển nước ta chạy xịt khói luôn” - thuyền trưởng Hải mở đầu câu chuyện thật rôm rả.

Hơn một năm trước, Hải vay tiền đóng tàu mới. Con tàu vỏ gỗ với công suất 820 CV chắc “như cục gạch” nhanh chóng được hạ thủy và ra khơi ngay sau đó. Chuyến đi biển đầu tiên thu được trên 300 triệu đồng coi như là một thắng lợi, một niềm tin cho mọi người bạn tàu quyết tâm hơn gắn bó với con tàu.

Có lần, trong chuyến ra khơi, tàu Hải bắt gặp hơn chục con tàu mang số hiệu nước ngoài đang đánh bắt ở vùng biển Việt Nam. Hội ý nhanh chóng với các tàu trong tổ đoàn kết và anh em trên tàu, Hải lên boong tàu phất cờ báo hiệu cho tàu nước ngoài biết là đã đi lấn sâu vào biển Việt Nam và yêu cầu tàu nước ngoài không được xâm phạm. Vẫn thái độ coi thường, các tàu nước ngoài vẫn không thèm để ý.

Sau nhiều lần nhắc nhở không được, thuyền trưởng Hải quyết định dùng sức mạnh. Hô lái tàu chạy hết máy, tàu của thuyền trưởng Hải nhằm vào phía trước tàu nước ngoài tiến thẳng để ngăn chặn không cho họ tiến sâu vào lãnh hải nước ta. Thấy con tàu lớn uy lực, lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trên nóc cabin tàu và đằng sau đó còn có thêm những tàu khác sẵn sàng hỗ trợ, những tàu nước ngoài chững lại và bẻ lái ngược ra vùng biển đánh cá chung. Thuyền trưởng Hải kéo còi như báo hiệu vùng biển bình yên.

“Cả ngày hôm đó, chúng tôi phải nhiều lần cảnh báo như vậy thì tàu nước ngoài mới từ bỏ ý định vào khai thác sâu trong lãnh hải của ta. Tuy chậm lộ trình biển, nhưng anh em trên tàu, trong tổ ai cũng vui vì tàu 67 đã thực sự là lực lượng góp phần vào giữ vùng biển của Tổ quốc” - thuyền trưởng Hải nói trong niềm vui dâng trào. Cũng theo thuyền trưởng Hải, nhiều tàu 67 của ta cả tàu vỏ gỗ lẫn vỏ thép bây giờ ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa rất tự tin và đầy tránh nhiệm.

“Trước đây, ỷ tàu lớn, máy khỏe, những tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền mà cứ coi thường tàu ngư dân ta. Nay thì khác rồi. Tàu ta không ngần ngại khi cặp gần tàu họ và cứng rắn yêu cầu rời khỏi ngư trường của Việt Nam. Thấy tàu ta cũng to khỏe, lại có đoàn kết nên tàu nước ngoài cũng nể và tránh ngay. Thực sự là họ vào ăn cắp và phải sợ chủ nhà đánh đuổi” - thuyền trưởng Võ Thường - chủ tàu vỏ thép công suất 829 CV nói thêm.

 

Những chuyến khơi tiền tỷ…

“Bám ngư trường, phát huy hiệu quả. Giữ vùng biển, tàu 67 vươn khơi”, anh Hoàng Viết Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình nói vui về hiệu quả đội tàu 67 tóm tắt trong hai câu văn vần như vậy. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Bình, đến đầu tháng 5/2017, có 55 tàu 67 được đưa vào khai thác và thực hiện gần 370 chuyến biển, với doanh thu gần 85 tỷ đồng, trừ chi phí lãi thu được gần 30 tỷ đồng. Các chủ tàu cá đã trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng gần 15 tỷ đồng. “Trung bình mỗi chuyến tàu ra khơi có thu nhập 400 - 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, chủ tàu trả lương cho thuyền viên từ 10 đến 15 triệu đồng”, anh Thông cho biết thêm.

11-08-53_nnvn__3-_
Tàu cá 67 về cảng cá sông Gianh

Chúng tôi về xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), ông Nguyễn Ngọc Tiếp - Chủ tịch Hội Nông dân xã hồ hởi cho biết, từ đầu năm đến nay, ngư dân trúng đậm mùa biển. “5 tháng đầu năm, sản lượng đánh bắt của ngư dân Cảnh Dương đạt hơn 800 tấn, đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng”. Ngư dân Nguyễn Tuấn Anh (xã Cảnh Dương) là một trong những thuyền trưởng có số thu lớn trong thời gian qua. Tàu anh đánh bắt ở ngư trường vịnh Bắc Bộ, tổng doanh thu được gần 1,4 tỷ đồng. “Gia đình tôi đang làm thủ tục để vay vốn đóng thêm tàu mới 67 có công suất lớn hơn nữa để tham gia ngư trường lớn và tăng thêm thu nhập cho gia đình và bạn tàu”, ngư dân Tuấn Anh bộc bạch...

Cũng nằm trong đội hình tàu 67, con tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Chiến Trường (thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc - thị xã Ba Đồn) được hạ thủy vào cuối năm 2016. Ông Trường so sánh, trước đây, tàu có công suất nhỏ, thiết bị lạc hậu nên chỉ đáp ứng được lưới rê có chiều dài khoảng 8 cây số. Tàu mới, trang bị hệ thống tời thủy lực hiện đại, tàu công suất 830 CV, sức rướn lớn nên vàng lưới được tăng thêm 18 cây số. Tàu tốt, lưới tốt, bạn thuyền phấn chấn, tin tưởng nên hiệu quả đánh bắt hơn hẳn. “Tàu đã thực hiện được 5 chuyến ra khơi. Chuyến đầu mới làm quen tàu, làm quen máy móc thiết bị nên được hơn 200 triệu đồng. Những chuyến biển sau này, có kinh nghiệm dần nên doanh thu đều đạt mức 500 - 600 triệu đồng”, ông Trường cho hay.

Đầu tháng 5, tàu cá vỏ thép số hiệu QB 91559TS của anh Nguyễn Văn Dương (xã Bảo Ninh - TP Đồng Hới), đã có chuyến biển từ ngư trường Hoàng Sa trở về với tổng sản lượng gần 45 tấn mực, cá nục…, tổng doanh thu 740 triệu đồng. Anh Dương cho hay, sau 24 năm gắn bó với tàu gỗ nhỏ, lưới rê nên cũng chưa thể làm giàu được. Tính toán chắc chắn, anh vay ngân hàng 20 tỷ đồng đầu tư đóng tàu vỏ thép. Con tàu hạ thủy với tổng mức đầu tư 23 tỷ đồng với nghề lưới chụp mực khá hiện đại. Mấy chuyến đi đầu, doanh thu đạt 300 - 400 triệu đồng.

11-08-53_nnvn__1-_tu_vo_thep_ngu_dn
Tàu vỏ thép của ngư dân Nguyễn Văn Dương trúng lớn trong chuyến ra khơi

“Chuyến đi gần đây có hiệu quả cao hơn vì anh em bạn thuyền đã khá thuần thục việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại trên tàu. Những chuyến tiếp theo, chắc chắn doanh thu cũng sẽ đạt được ở khá cao”, anh Dương nói chắc. Điều đáng mừng là đội tàu 67 ra khơi hàng trăm lượt nhưng chưa có lần nào gặp sự cố phải quay về. Hiệu quả đánh bắt luôn đạt cao. Điều đó càng thôi thúc ngư dân mong chờ được tạo điều kiện vay vốn đóng mới những con tàu hiện đại.

Ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình phấn khởi: Từ lúc thực hiện NĐ 67 đến nay, Quảng Bình luôn được xem là một trong những tỉnh đi đầu trong việc vận dụng và phát huy thế mạnh của chủ trương này để tạo điều kiện tốt cho ngư dân ra khơi bám biển. Đến nay, toàn tỉnh có 85 tàu mới, trong đó có 29 tàu vỏ thép đang hoạt động có hiệu quả.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm