| Hotline: 0983.970.780

Người dân Quỳ Châu ám ảnh với thủy điện

Thứ Hai 05/09/2022 , 08:42 (GMT+7)

Kể từ khi Nhà máy thủy điện Châu Thắng mọc lên, tình trạng sạt lở nghiêm trọng đe dọa tính mạng của 22 hộ dân tại xã Châu Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An)

20220825_074716

Những dự án thủy điện như Nậm Pông đang để lại nhiều dấu hỏi lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Ác mộng thủy điện Châu Thắng

Thủy điện Châu Thắng được khởi công vào tháng 2/2013, nằm trên địa phận của 2 huyện miền núi là Quỳ Châu và Quế Phong. Công trình có công suất 14 MW với tổng dung tích hồ chứa là 18,21 triệu m3. Nhà máy tích nước từ cuối năm 2016, tháng 5/2017 chính thức đi vào hoạt động.

Empty

Kể từ khi Nhà máy thủy điện Châu Thắng mọc lên, 22 hộ dân tại xóm Minh Tiến, xã Châu Tiến ngày đêm sống trong âu lo tột cùng. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ghi nhận của PV, số đông hộ dân bị ảnh hưởng đã định cư nơi đây hàng chục năm rồi, do đó họ hiểu rõ hơn ai hết đặc tính của dòng chảy và điều kiện địa chất vùng này. 10 người như 1, khi được hỏi ai nấy đều quả quyết: “Trước đây dòng chảy của sông Hiếu hiền hòa, yên ả, người dân an tâm định cư an ngay sát bên bờ. Có những thời điểm mưa lũ tràn về, nước dâng cao nhưng không chảy xiết, khó đoán như bây giờ. Từ khi thủy điện Châu Thắng đi vào hoạt động mọi thứ đã thay đổi, dòng chảy nay hung hãn hơn, ngày qua ngày càng lấn sâu vào khu vực dân sinh”.

Ông Đặng Ngọc Phan, một hộ dân đã sống già nửa đời người bên bờ sông Hiếu chia sẻ những lời gan ruột: “Tôi ở đây hơn 40 năm rồi, trước đây chẳng có vấn đề gì cả, từ lúc thủy điện Châu Thắng chính thức vận hành mới nảy sinh những sự cố bất thường. Hết lần này lượt khác bị sóng nước tác động  khiến nhà cửa của nhiều hộ nứt nẻ toang hoác, xuống cấp trầm trọng. Một số bụi tre cùng các công trình phụ bị xô đổ xuống sông, hoặc lún nghiêng, ngã hẳn sang một bên. Rõ ràng tính mạng và tài sản của nhân dân không được đảm bảo ở thời điểm này.

Empty

Tường nhà ông Đặng Ngọc Phan nứt nẻ toang hoác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Ảnh: Việt Khánh.

Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị nhưng chưa được xử lý. Riêng gia đình tôi không cần thủy điện phải đền bù kinh phí, chỉ cần họ nhìn nhận đúng thực trạng qua đó có phương án gia cố, kè chắc chắn các điểm sạt lở để người dân an tâm sinh sống.

“Từ đơn kiến nghị của dân, năm 2020 huyện Quỳ Châu đã tổ chức họp bàn với đầy đủ các thành phần, ban bệ lúc đó họ thông tin “không thể đánh giá chính xác tác động do thủy điện mà phải nhờ đến cơ sở khoa học phân tích”. Nói thực, chờ đến lúc đó thì dân ở đây chết rồi”, ông Đặng Ngọc Phan bức xúc.

Bấy lâu nay, gia đình ông Phan Huy Ngọc cũng canh cánh lo sợ viễn cảnh bị… cuốn trôi lúc nào không hay. Bằng giọng điệu trầm ngâm, ông Ngọc bộc bạch: “Gia đình tôi đang trong cảnh đi chẳng được mà ở cũng không xong. Đấy chú xem, móng nhà, nền nhà, sàn gạch đều nứt nẻ, xiêu vẹo hết cả. Gian nan nhất lúc này là 2 căn nhà gỗ chẳng biết xử lý như thế nào, lâu nay nghiêng, đổ đến đâu thì chằng lại đến đó, lâu dài thực sự không ổn”.

Ngược thời gian, năm 2019 phía Nhà máy thủy điện Châu Thắng đã có động thái cử người xuống kiểm tra tổng thể mức độ thiệt hại, từ đó hỗ trợ cho một số hộ dân với tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Riêng hộ ông Phan Huy Ngọc bị nặng nhất, từ nguồn hỗ trợ 100 triệu gia đình tự xoay xở thuê mướn nhân công, hì hục khuân vác vật liệu, bỏ công suốt nhiều ngày trời mới tạm ổn, có điều chỉ một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đó.

Empty

Ông Phan Huy Ngọc khẳng định sự xuất hiện của Thủy điện Châu Thắng đã xáo trộn nghiêm trọng cuộc sống của gia đình. Ảnh: Việt Khánh.

Trước diễn biến sạt lở ngày càng khó lường, trong năm 2022 huyện Quỳ Châu đã đứng ra vận động doanh nghiệp số tiền hơn 400 triệu đồng để gia đình đi dời đến nơi an toàn. Đáp lại, ông Ngọc kiên quyết chối từ vì không thỏa đáng: “Chúng tôi sinh sống ở đây đã lâu, nay tuổi đã cao sức đã yếu xét thấy không có nhu cầu chuyển đi nơi khác. Nhà máy thủy điện Châu Thắng là tác nhân chính gây nên tình trạng sạt lở, họ phải có phương án thấu tình đạt lý để xử lý ổn thỏa vấn đề này”.

Đáng nói, thực trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của 22 hộ tại xóm Minh Tiến, xã Châu Tiến mà lâu dài có thể làm “đứt gãy” đoạn Km104+200-Km104+800 tuyến quốc lộ 48 nằm sát cận kề. Lường trước hậu quả, UBND huyện Quỳ Châu đã không ít lần kiến nghị khắc phục, đồng thời đề đạt phương án xây dựng bờ kè mềm với kinh phí lên đến 60 tỷ đồng. Mức này rõ ràng vượt ngoài tầm với của chính quyền sở tại, quả thực nếu không có sự nhập cuộc của tỉnh Nghệ An, trên hết là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Ưu ái thủy điện Nậm Pông, quyền lợi của dân bị ảnh hưởng

Những năm về trước công tác trồng rừng và vận chuyển lâm sản trên diện tích đất rừng sản xuất khoảng 600 ha ở 2 xã Châu Phong và Châu Hạnh diễn tiến thuận lợi. Thế nhưng sau khi Nhà máy thủy điện Nậm Pông mọc lên, tình hình thực sự rối tung rối mù.

Men theo con đường độc đạo dài 15km, nối liền đường tỉnh 544 dẫn thẳng vào Nhà máy thủy điện Nậm Pông, chúng tôi bắt gặp người dân đang hì hục khai thác keo bên vệ đường. Đây là công việc thường nhật, là chiếc cần “câu cơm” của hơn 100 hộ dân đồng bào bản địa, đáng buồn thay từ khi chủ đầu tư nằng nặng áp dụng phương án “lập rào chắn barie hạn chế tải trọng” mọi thứ trở nên khốn khó gấp bội phần.

Empty

Quyết định lập barie, hạn chế tải trọng của Thủy điện Nậm Pông đẩy người dân bản địa vào thế khó. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Ngô Văn Dương, trú tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, là thương lái thu mua keo lâu năm nói thẳng: “Con đường này hình thành trước khi Nhà máy thủy điện Nậm Pông xây dựng. Trước là đường đất, mục đích chính là phục vụ nhu cầu đi lại và khai thác, vận chuyển nguyên liệu sau khai thác của bà con. Đang yên đang lành, chẳng hiểu vì đâu nhà máy lại không cho xe tải trọng lớn ra vào.

Trước khi có lệnh cấm, mỗi bận khai thác chỉ cần điều xe lớn vào bốc hàng rồi vận chuyển thẳng đến nhà máy. Giờ đây bắt buộc phải chia lẻ thành nhiều chuyến nhỏ để đưa ra điểm tập kết, cách này vừa tốn sức lại nâng cao giá thành vận chuyển, chung quy cả người mua lẫn người bán đều thua thiệt. So sánh đơn thuần, thường một chuyến hàng có thể thu được 200 triệu nhưng giờ chỉ loanh quanh 150 triệu, như vậy đã hao hụt 50 triệu rồi, chưa kể còn phát sinh thêm nhiều khoản chi không đáng có, thành thử lời lãi chẳng đáng là bao”.

Empty

Đáng nói, tuyến đường này hình thành trước khi thủy điện Nậm Pông được xây dựng, mục đích chính là phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển lâm sản cho đồng bào. Ảnh: Việt Khánh. 

Một lãnh đạo của huyện Quỳ Châu xác nhận: “Năm 2019, Nhà máy thủy điện Nậm Pông tiến hành nâng cấp đường đất thành đường nhựa, hoàn thiện xong đã lập barie chắn lại, từ đấy đến nay chỉ một số phương tiện loại nhỏ được lưu thông. Họ nói là “đường của họ” nhưng thực tế trước đó là đường sản xuất của người dân. Ban đầu Nhà máy khẳng định sẽ tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, tuy nhiên về sau lại cấm xe vì lo ngại đường xuống cấp. Nhận thấy bất cập, cử tri đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu tháo chắn đường để người dân yên tâm phát triển sản xuất, tuy nhiên phía nhà máy không có phản hồi”.

Cho rằng quyết định “đóng đường” là thất sách, trực tiếp ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của đồng bào, UBND huyện Quỳ Châu chủ động đấu nối, đích thân mời chủ đầu tư xuống làm việc. Đơn cử ngày 26/5/2022 đã ban hành Văn bản số 599/UBND-KTHT ngày 26/5/2022 gửi trực tiếp cho Công ty CP Za Hưng, đơn vị vận hành thủy điện Nâm Pông yêu cầu phải “tháo dỡ khung chắn đường để đảm bảo phương tiện vận tải được phép lưu thông, đảm bảo lợi ích của nhà máy cũng như sinh kế của người dân tại các vùng lân cận”.

Empty

Miếng cơm mánh áo của hơn 100 hộ thuộc 2 xã Châu Phong và Châu Hạnh đang bị ảnh hưởng bởi quyết định cứng nhắc của doanh nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.

Đáp lại, Công ty Za Hưng kiến nghị UBND huyện Quỳ Châu xem xét xây dựng quy chế phối hợp, quản lý và sử dụng tuyến đường thi công vận hành nhà máy thủy điện Nậm Pông. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế tình hình chưa mảy may chuyển biến, trong khi sự việc càng kéo dài càng căng thẳng.

“Doanh nghiệp khi hoạt động trên địa bàn thì phải phối hợp với chính quyền địa phương, ngoài công tác phòng chống thiên tai phải có trách nhiệm thúc đẩy phát triển KT-XH. Nếu doanh nghiệp vẫn kiên quyết chặn đường thì huyện sẽ gửi văn bản xuống tỉnh, nếu giao đất rồi huyện sẽ đề nghị thu hồi lại. Doanh nghiệp muốn hưởng lợi mà chặn đường sống của người dân là không được”, ông Lê Hải Lý khẳng định.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất