| Hotline: 0983.970.780

Người dân xã Bình Dương trắng tay sau lũ

Thứ Ba 18/12/2018 , 08:43 (GMT+7)

Sau đợt mưa lũ vừa qua, nhiều hộ đân lâm vào cảnh điêu đứng khi hàng chục ha hoa màu, ao nuôi trồng thủy sản bị nước lũ phá tan tành. Bao nhiêu công sức, tài sản mà người dân đổ ra trong phút chốc đều bị nước lũ nhấn chìm.

I.

Xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có diện tích trồng ớt lớn nhất tỉnh. Đây cũng là loại cây trồng mang lại nguồn thu chính của nhiều hộ. Cách đây gần 2 tháng, người dân bắt đầu xuống giống trồng ớt vụ ĐX với hàng trăm ha. Khi cây ớt đang phát triển tốt, nhiều người hy vọng sẽ có được nguồn thu kha khá thì không may trời đổ mưa lớn khiến ớt bị ngập úng, hư hại.

16-41-37_1
150ha ớt của nông dân xã Bình Dương bị ngập nước, hư hại hoàn toàn

Vụ ớt năm nay, bà Phạm Thị Tự (55 tuổi, trú thôn Mỹ Huệ 1, xã Bình Dương) trồng 3 sào ớt, đang giai đoạn chăm bón thì gặp mưa lớn, ruộng ớt thối rễ chết toàn bộ. “Nhà tôi thu nhập chính là từ cây ớt. Vậy nên nhìn cả ruộng ớt bị ngập nước chết hết, ai cũng lo không biết làm lại có kịp thời vụ không. Cũng vì nước lên bất ngờ, mọi người trở tay không kịp”, bà Tự buồn rầu nói.

Tương tự, nhà anh Đặng Công Đức (43 tuổi, trú thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương) trồng 3 sào ớt, hy vọng kịp thu hoạch trước Tết Nguyên đán để có được một khoản tiền mua sắm cuối năm. “Thế nhưng, toàn bộ số ớt chết hết. Giờ chỉ biết chờ nước rút để gieo lại từ đầu. Coi như tiền bạc, công sức đầu tư trôi theo nước lũ. Rồi không biết lấy tiền đâu ra chi tiêu đây”, anh Đức buồn bã.

Theo tìm hiểu, xã Bình Dương có khoảng 150ha ớt bị nước lũ nhấn chìm, hư hại. Cùng với đó, hơn 30ha cây hoa màu khác cũng bị ngập úng, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

II.

Cũng giống như người trồng ớt, nhiều hộ nuôi tôm xã Bình Dương cũng lâm cảnh trắng tay sau lũ. Chỉ tính riêng thôn Mỹ Huệ 1 và Mỹ Huệ 2 đã có đến 5ha hồ nuôi tôm thẻ chân trắng bị nước lũ tràn hồ và cuốn trôi toàn bộ số tôm gần tới ngày thu hoạch. Theo thống kê của xã Bình Dương, thiệt hại của các hộ nuôi tôm khoảng 2,5 tỷ đồng.

16-41-37_2
Hơn 5ha hồ nuôi tôm bị lũ tràn, cuốn trôi gần như toàn bộ số tôm gần tới ngày thu hoạch

Ông Lê Văn Thâm (57 tuổi, trú tại thôn Mỹ Huệ 1) cho biết, vụ ĐX này, ông thả nuôi 2 hồ khoảng 1.500m2, đợt lũ vừa rồi nước lũ kéo tràn hồ, gây sạt bờ và cuốn trôi hết số tôm nuôi đã được khoảng chừng 30 ngày, gia đình ông mất trắng 60 - 70 triệu đồng.

Tại xã Bình Dương, nhiều hồ bị lũ tràn, đánh sập hết bờ kè xung quanh hồ, nước hồ còn nguyên màu vàng đục, cỏ rác do nước lũ đổ vào. Nhiều hộ dân chán nản chưa muốn dọn hồ để thả giống tôm mới. Cũng có vài hộ nuôi tôm may mắn nước lũ không cuốn trôi hết tôm, đành bán tháo số tôm còn lại để vớt vát chút vốn.

Ông Trần Văn Trung (60 tuổi, trú tại thôn Mỹ Huệ 2) nuôi 2 hồ và thả nuôi 50 vạn tôm giống trên diện tích 3.000m2. Tính đến nay tôm thả nuôi được 40 ngày, còn khoảng 30 ngày nữa là thu hoạch nhưng bị lũ cuốn trôi hơn nửa nên ông đành đi vớt hết số tôm còn sót lại trong hồ để bán tháo.

“Nếu không vớt nhanh tôm cũng sẽ khó sống được vì nước trong hồ đã bị nước lũ đổ vào, môi trường ô nhiễm thì tôm cũng sẽ chết và mất trắng. Vậy nên tôi chấp nhận bán tháo, được đồng nào đỡ đồng ấy”, ông Trung nói.

16-41-37_3
Nhiều hộ nuôi cố gắng vớt vát số tôm còn sót lại để bán tháo
Ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại ước tính khoảng 12,1 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.