Đam mê âm nhạc từ nhỏ, nhạc công Đinh Ngọc Dần, 62 tuổi, đã tự mình học hỏi, luyện tập và chơi thuần thục cả chục loại nhạc cụ khác nhau, từ kèn, sáo, đến đàn bầu, đàn nhị... Đặc biệt, ông là người góp công đầu trong việc phục dựng lại đội cồng chiêng Mường tại thôn Lặt, xã Minh Quang, một địa phương nghèo dưới chân núi Ba Vì, TP Hà Nội. Ông Dần bên bộ công chiêng thôn Lặt
1. Sinh ra trong một gia đình có "máu" âm nhạc, cha mẹ và các chú đều là những nhạc công cồng chiêng nổi tiếng, ngay từ bé, Đinh Ngọc Dần đã được nghe những âm hưởng trầm hùng, sôi động, ngùn ngụt hứng khởi từ 12 âm sắc của cồng chiêng Mường.
Thấy cháu mình có niềm đam mê với cồng chiêng, người chú Đinh Ngọc Cảnh - một nhạc công cồng chiêng lừng danh quyết định truyền nghề cho Dần. Vốn thông minh, cần cù học hỏi lại có năng khiếu âm nhạc, do đó chỉ trong vòng 2 năm, cậu đã đánh thuần thục bộ chiêng 12 chiếc, từ chiêng chót, chiêng tam đến chiêng gọi, chiêng đáp. Năm 13 tuổi, Dần được gọi vào đội chiêng của thôn, đi biểu diễn trong những ngày hội, lễ tết, khao thọ,…
Càng lớn lên, tiếng chiêng của anh càng thanh thoát, bay bổng và điêu luyện khó ai sánh được. “Có người còn đùa rằng, nếu thiếu bóng dáng thằng nhỏ Dần trong đội chiêng thì ngày hội sẽ trở nên buồn hơn, ngày tết sẽ trầm lặng hơn, còn ngày khao thọ sẽ vơi đi hứng khởi và cồng chiêng không còn là cồng chiêng nữa. Sao người ta có thể nói ra những câu như thế được nhỉ?”, ông Dần kể lại một cách sảng khoái.
Hồi tưởng lại quá khứ, ông Dần buồn rầu tâm sự: “Ngày trước, mỗi gia đình trong xã đều có một chiếc chiêng. Thế nhưng, do chiến tranh tàn phá, nghèo đói liên miên nên một số hộ bán đi lấy tiền, một số hộ vẫn còn giữ được nhưng lại dùng chiêng để úp vại tương, vại muối nên bị mất âm hoặc đánh mạnh quá vỡ cả núm giữa…”.
2. Tưởng rằng tiếng cồng chiêng sẽ mãi mãi không cất lên tại quê hương mình nữa và xã nghèo Minh Quang sẽ chìm trong im lặng, cô đơn, thế nhưng mong ước xa vời được một ngày nghe thấy tiếng chiêng vang động xóm làng của ông Dần lại một lần nữa hé mở.
Năm 1982, Sở Văn hóa Hà Tây cũ đã bàn giao cho xã Minh Quang 1 bộ chiêng đủ 12 chiếc để gây dựng lại đội cồng chiêng và biểu diễn trong những ngày lễ, hội của địa phương. Khi ấy, ông Dần đang làm rể ở thôn Lặt. Ông được giao một nhiệm vụ nặng nề, đó là tập hợp những người biết đánh chiêng và tập luyện cho nhuần nhuyễn các điệu nhạc.
Khó khăn lớn nhất đối với ông Dần là những nhạc công am hiểu về cồng chiêng nay đã già yếu, trí nhớ không minh mẫn, thậm chí họ đã quên gần hết các điệu nhạc do lâu ngày không sử dụng. Do đó, ông phải bỏ ra nhiều công sức để sưu tầm, học hỏi các bài hát, điệu nhạc đã thất truyền rồi rồi dạy các thành viên trong đội tập luyện.
Đến nay, đội cồng chiêng thôn Lặt đã có 36 thành viên, chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm có 18 người. Nhóm 1 là những thành viên từ 50 tuổi trở lên, còn nhóm 2 từ 18 đến 25 tuổi. Vào những ngày 11 và 13 âm lịch hằng tháng, họ lại tập hợp tại Nhà Văn hóa thôn Lặt để luyện tập và học hỏi lẫn nhau. Không nhận được một đồng trợ cấp, những nghệ nhân ấy vẫn say với tiếng cồng chiêng, vì theo họ: nó là linh hồn của người Mường.
Ông Dần kể: “Trong mỗi buổi tập, âm thanh rạo rực của cồng chiêng thu hút rất đông người dân xung quanh đến xem. Nhiều người bận việc phải về sớm, nhưng về rồi cứ thấy réo rắt trong lòng nên phải quay lại nghe. Âm hưởng cồng chiêng Mường cho ta trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, có bài đánh lên nghe thấy vui, muốn đi vội đến hội mà chơi, có bài nghe chiêng dậy buồn ơi là buồn, chỉ muốn khóc và nhớ nhung hình bóng người xưa. Nhiều bạn trẻ chỉ vì say những khúc hát ví, hát đối đáp,.. say tiếng chiêng mà say nhau, mà đến với nhau”.
Giờ đây, tiếng cồng chiêng thôn Lặt đã đâm thủng bức ngăn vững chắc của núi Tản, hòa mình cùng dòng nước sông Đà và theo chân người nhạc công vượt qua những con đường gập ghềnh, hiểm trở để giao lưu, khoe âm với cồng chiêng vùng Tây Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa,… vang xa cả về chiều rộng và chiều sâu.
3. Dù không được học một lớp đào tạo chính quy nào về âm nhạc, nhưng nhạc công Đinh Ngọc Dần có thể chơi thuần thục hàng chục loại nhạc cụ, từ kèn gỗ, sáo trúc đến đàn bầu, đàn nhị, gõ trống, thậm chí cả guitar.
Đam mê âm nhạc nên ngày ngày đi chăn trâu, làm đồng, không khi nào ông quên mang theo một nhạc cụ trong người. Những lúc nghỉ ngơi, ông lấy ra gảy một khúc đàn bầu, kéo đôi bài nhị hay thổi một bài sáo là bao nhiêu mệt mỏi, ưu tư trôi đi hết, chỉ còn lại niềm say mê, hứng khởi. Ngoài chơi nhạc cụ hay, ông còn hát giỏi. “Ngày trước giọng còn khỏe, tôi vẫn lấy được tiền của thiên hạ nhờ cái giọng khóc ma nỉ non, sâu lắng của mình đấy", ông Dần tâm sự.
Ông Dần thuận tay trái nên đối với những cây đàn yêu cầu thuận tay phải như guitar, việc đánh đàn gần như không thể, thế mà ông vẫn không chịu bó tay. Người nhạc công ấy đã nghĩ ra cách đổi thứ tự dây đàn để chơi tay trái như tay phải. Vì thế, đi đến đâu ông cũng phải mang theo “cây đàn dây ngược” của mình.
Là một người con của xứ Mường, bao năm qua, nhạc công Đinh Ngọc Dần đã dành tất cả tình yêu và sức lực để phục dựng lại đội cồng chiêng của quê hương mình. Giờ đây, những bài hát: “Mời trầu”, “Ru ún”, “Tập bồng bông”… lại thức dậy cùng tiếng chiêng ping, poòng, Pi...ing! Vang động khắp núi Tản sông Đà, để cho lớp con cháu mai sau nhớ về cội nguồn văn hóa dân tộc, để có ý thức bảo vệ non sông. Điều mà ông Dần làm được không chỉ giúp ích cho quê hương mà cao hơn thế là bảo tồn bản sắc dân tộc.