| Hotline: 0983.970.780

Người Dao phất lên nhờ trồng cây dẻ ván

Thứ Ba 09/04/2024 , 08:11 (GMT+7)

BẮC KẠN Mỗi kg hạt dẻ ván bán tại vườn giá cao nhất đến 100.000 đồng/kg. Nhờ đó, người trồng cây dẻ ván ở huyện Ngân Sơn có thu nhập cao, nhiều hộ thoát nghèo.

Ngược Quốc lộ 3 theo hướng Bắc Kạn - Cao Bằng, vượt qua đèo Gió sương mù bao phủ, chúng tôi đến xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn).

Bàn Thị Ngân nổi tiếng ở đất Đức Vân nhờ trồng dẻ ván. Gặp chúng tôi, không chút ngại ngùng, bà dẫn chúng tôi đi thăm những vườn dẻ xanh tốt tận trên đỉnh đồi.

Nhiều năm trước, đời sống người dân thôn Nặm Làng (xã Đức Vân) còn rất khó khăn, đất dốc, người dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ.

Một số diện tích trồng dẻ ván ở huyện Ngân Sơn đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đình Hợi. 

Một số diện tích trồng dẻ ván ở huyện Ngân Sơn đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Đình Hợi. 

Cây dẻ ván có mặt ở đất Đức Vân cũng là cơ duyên. Năm 2006 thấy cuộc sống quá khó khăn, tôi lặn lội sang Lạng Sơn tìm cây dẻ ván mang về trồng”, bà Ngân mở đầu câu chuyện.

Qua một thời gian thấy cây dẻ ván phát triển tốt, dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với khí hậu mát mẻ ở địa phương, bà Ngân đã mạnh dạn nhân rộng mô hình và vận động bà con làm theo.

Để cây dẻ thật sự phát huy được hiệu quả, mang lại thu nhập và có thể làm giàu, bà Ngân đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Hợp Phát với 21 thành viên. Tất cả các thành viên HTX đều là dân tộc Dao, tập trung trồng cây ăn quả, trong đó phần lớn là cây dẻ ván, kết hợp chăn nuôi gia súc.

Những ngày đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, đa số người trồng dẻ ván ở xã Đức Vân canh tác theo mô hình truyền thống nên giá bán thấp. Sau nhiều trăn trở, bà Ngân cùng các thành viên HTX chuyển đổi trồng dẻ theo hướng hữu cơ. Để quả dẻ có chất lượng cao, bà con trồng dẻ không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, chất kích thích sinh trưởng mà tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ chăn nuôi gia súc.

Các thành viên trồng dẻ ván được cấp mã số nông hộ, có sổ nhật ký ghi chép toàn bộ quy trình trồng, thu hoạch. Bà con còn thiết lập vùng đệm nhằm tránh lây nhiễm sâu bệnh và các yếu tố khác từ bên ngoài vào khu trồng cây dẻ.  

Cây dẻ ván phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng một số vùng ở huyện Ngân Sơn, cho chất lượng quả tốt, giá bán cao. Ảnh: Đình Hợi. 

Cây dẻ ván phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng một số vùng ở huyện Ngân Sơn, cho chất lượng quả tốt, giá bán cao. Ảnh: Đình Hợi. 

Đến nay, HTX Hợp Phát đã mở rộng diện tích, trồng được 50ha cây dẻ tại các thôn Phiêng Dượng và thôn Nặm Làng (xã Đức Vân). Trong đó, khoảng 10ha cây dẻ đã cho thu hoạch, giá bán tại vườn từ 80 đến 100.000 đồng/kg.

Gia đình Bà Bàn Thị Mùi có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, trước đây chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, từ lúc chuyển sang trồng cây dẻ ván, mỗi năm gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng, kinh tế gia đình cũng bớt khó khăn hơn.

Dẻ ván vốn không phải là giống bản địa, mới được đưa về xã Đức Vân trồng hơn 15 năm nay. Nhờ trồng trên núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm, dẻ ván dần trở thành cây đặc hữu của Ngân Sơn, từ chỗ trồng lác đác nay đã có hơn 100ha, năng suất bình quân đạt hơn 50 tạ/ha. Hạt dẻ ván đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Hiệu quả kinh tế từ cây dẻ ván đã được khẳng định và hạt dẻ trở thành sản phẩm đặc hữu của địa phương.

Để xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cây dẻ ván đã được huyện Ngân Sơn quy hoạch vùng trồng, xây dựng thương hiệu nằm trong đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2025.

Để trồng dẻ ván thành công phải thường xuyên cắt tỉa, tạo tán. Ảnh: Đình Hợi. 

Để trồng dẻ ván thành công phải thường xuyên cắt tỉa, tạo tán. Ảnh: Đình Hợi. 

Huyện Ngân Sơn đặt mục tiêu trong năm 2024 và năm 2025, mỗi năm trồng thêm khoảng 20ha cây dẻ ván, vùng trồng tập trung tại các xã Cốc Ðán, Thượng Ân, Bằng Vân, Ðức Vân.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ngân Sơn, huyện xác định dẻ ván là cây trồng chủ lực trong thời gian tới và sẽ xây dựng vùng trồng theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng vùng trồng cây dẻ gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.