| Hotline: 0983.970.780

Người hai lần tự nguyện hiến đất

Thứ Ba 27/09/2016 , 13:15 (GMT+7)

Ông Phạm Ngọc Giai (SN 1943) ở thôn Phong Triều, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là người đi đầu ở địa phương trong phong trào hiến đất làm đường.

Với việc ủng hộ 22m2 đất thổ cư, dỡ bỏ 30m tường rào và 1 gian công trình phụ, ông đã có đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã.

Ông Giai chia sẻ, hơn 20 năm gắn bó với nhà máy đường Vạn Điểm năm 1982, ông về nghỉ hưu ở nhà tăng gia sản xuất, quán xuyến việc nhà và tham gia tích cực công việc xã hội. Nhìn những người lao động xây mới lại tường rào sau khi phá bỏ hiến đất, ông cũng ra trò chuyện, động viên cốc nước, chén chè, khi lại két bia để họ đỡ phần nào cơ cực. Đó là những hành động giản dị, xuất phát từ cái “tâm” của một người từng làm công nhân nhà máy đường Vạn Điểm.

Cái “tâm” ấy chẳng hề mảy may tính toán gì khi hiến đất đến lần thứ hai. Ông bảo, lần đầu tiên ông “mang đất nhà cho hàng tổng” là đầu những năm 2000. Khi ấy, xã Nam Triều có chủ trương đổ bê tông đường giao thông, ông cũng tự nguyện cắt đi khoảng đất sâu 0,9m, diện tích 5m2 để mở rộng đoạn cua.

Đến năm 2011, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới từ Trung ương đến địa phương, xã Nam Triều đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn thể các hộ gia đình trong thôn, xã. Ông Giai nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp công sức, của cải vào công việc chung của xã hội.

Năm 2014, dự án làm đường, mở rộng trục giao thông nông thôn được xã Nam Triều chính thức triển khai. Trước khi có dự án này, đường trục chính chạy qua nhà ông vốn nhỏ hẹp với nhiều khúc cua khuất thường xuyên xảy ra tai nạn. Bản thân ông Giai cũng trăn trở rất nhiều.

“Được sự động viên của chính quyền xã và Ban chỉ đạo dự án, tôi bàn bạc với gia đình và bày tỏ ý định hiến một phần đất cho xã, nhất loạt con cháu trong nhà đều đồng ý”, ông Giai chia sẻ.

07-49-01_nh-1
Ông Phạm Ngọc Giai vui vẻ hiến đất mở rộng đường

 

Nhờ những đóng góp tích cực, sự đồng tình, ủng hộ của gia đình ông Giai nói riêng và người dân trong xã nói chung để Nam Triều là một trong 3 xã đầu tiên của huyện đạt 19/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, xã vinh dự được UBND thành phố Hà Nội trao bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2015.

Đến tận lúc này, sự đồng thuận ấy là điều khiến ông vui nhất. Theo đó, 22m2 đất thổ cư, 1 gian công trình phụ nhanh chóng được "sung công quỹ". Thậm chí, ông lão còn mạnh dạn dỡ bỏ thêm 30m tường rào để tiện mở rộng trục đường đi theo tinh thần “dự án cần bao nhiêu thì hiến tặng bấy nhiêu”.

Từ con đường nhỏ hẹp chỉ rộng 1,6m, nay đã được mở ra thênh thang, rộng rãi tới hơn 4m, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn. Hơn thế nữa, cuộc sống của mọi người trong gia đình ông cũng phần nào yên tâm hơn vì không còn ngay ngáy lo tai nạn từ khúc cua gấp ngay trước cửa nhà.

Cũng từ đó, con đường bê tông rộng và đẹp, ôm trọn chiếc giếng làng có từ thế kỷ trước ngay trước cửa nhà giờ thành địa điểm thú vị để ông Giai và người dân trong thôn đi bộ thể dục và hóng gió. Ông bảo, mùa vụ tới đây, người dân trong thôn tha hồ mang thóc lúa ra phơi mà đường vẫn rộng rãi để người dân đi lại. Thay vì lẽo đẽo gánh lúa, kéo xe chở thóc về nhà thì nay, đường được bê tông cứng hóa, thóc lúa được vận chuyển đến từng ngõ ngách. Ngay chỗ góc cua nhà ông, giờ 2 xe ô tô đi tránh nhau vẫn được.

Hành động nhỏ bé của gia đình ông Giai nhưng đã đóng góp lớn cho toàn xã hội. Ấy thế mà ông vẫn khiêm tốn nhận đó chỉ là việc cá nhân mình nên đóng góp vào công việc chung của cộng đồng, mà trước mắt là gia đình ông được hưởng, sau là người dân trong thôn, xã.

Đến nay, sau hai lần hiến đất của gia đình ông, con đường giao thông chính của thôn Phong Triều trở nên sạch đẹp, cảnh quan khang trang, xe cộ đi lại thuận tiện và an toàn hơn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.