Việc sử dụng gỗ để làm đồ thờ cúng là văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Gỗ tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, mang lại sự ấm áp lan tỏa, có giá trị sử dụng bền lâu và ý nghĩa phong thủy tốt. Tuy nhiên, yêu cầu sử dụng gỗ trong thờ cúng rất khắt khe theo phong tục từng vùng miền, từng dòng họ và gia đình. Vì vậy, việc làm đồ gỗ để thờ cúng luôn là thử thách với người làm nghề mộc.
Ông Nguyễn Văn Minh, 54 tuổi, ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, người có kinh nghiệm dựng hàng trăm nhà thờ gỗ kể: “Cách đây khoảng 15 năm, tôi có cơ duyên làm việc tại làng nghề Ý Yên (Nam Định), dù lúc đó mới vào nghề nhưng tôi vẫn mạnh dạn nhận làm một nhà thờ gỗ”.
“Sau khi làm xong, khách hàng và chuyên gia thẩm định từ Huế vào đánh giá rằng, nhà thờ tuy mộc mạc, tay nghề chưa cao nhưng mang vẻ đẹp rất riêng, khác biệt so với những sản phẩm khuôn mẫu hiện nay. Lời đánh giá đó là động lực bước đầu để tôi về quê mở xưởng mộc, rèn luyện tay nghề và làm ra những đồ mộc thờ cúng có giá trị”, ông Minh chia sẻ.
Năm 2012, gia đình ông Minh đầu tư xưởng mộc quy mô lớn hơn, chuyên dựng nhà thờ bằng gỗ mít và biệt danh Minh “mít” cũng bắt nguồn từ đó. Ban đầu, xưởng gỗ có quy mô nhỏ, chủ yếu làm đồ thờ cúng và bàn thờ gia tiên. Sau vài năm làm việc và tích lũy kinh nghiệm, ông Minh tiếp tục thuê đất và mở rộng nơi chế tác của mình.
Hiện nay, với quy mô rộng hơn 2.000m2, xưởng mộc được phân chia thành các khu vực làm việc rõ ràng theo từng công đoạn giúp tối ưu hiệu quả sản xuất. Cơ sở cũng được đầu tư nhiều thiết bị, máy móc hiện đại. Sau nhiều năm làm nghề, ông Minh đã dựng hàng trăm ngôi nhà thờ gỗ có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, xưởng mộc còn chế tác nhiều loại đồ gỗ tâm linh khác như bàn thờ, đồ thờ, câu đối… Với 30 người thợ lành nghề và hàng chục nhân công thời vụ, xưởng mộc phục vụ khách hàng ở nhiều nơi như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Phú Quốc…
“Bước đầu tiên để bắt đầu tạo dựng một căn nhà là chọn loại gỗ phù hợp, xưởng tôi thường xuyên làm nhà thờ bằng gỗ cây mít bởi gỗ có tính chất ổn định, khó bị cong vênh hay bị mối mọt phá loại. Gỗ mít có màu sắc sáng, khi để lâu sẽ có màu đỏ sẫm với mùi thơm dịu nhẹ. Ngoài ra khách hàng có thể yêu cầu làm bằng bất cứ loại gỗ nào theo nhu cầu. Không những làm mới, xưởng mộc còn nhận sửa chữa, trùng tu các nhà thờ cũ”, ông Minh thông tin.
Sau khi đến tận nơi dựng nhà để đo kích thước cụ thể, ông Minh sẽ lên bản vẽ chi tiết và hoàn thiện các bước chế tác tại xưởng. Không chỉ có những cách sơn thông thường, xưởng mộc còn sử dụng kỹ thuật sơn son thếp vàng. Loại sơn này phải trải qua 4 nước sơn nhũ rồi mới tiến hành dát vàng tấm làm nổi bật các chi tiết như bức phù điêu, đầu rồng, thân phượng, nét chữ…
Trung bình quá trình hoàn thiện cột trụ, thanh xà, chạm khắc và sơn sẽ mất từ 2 tháng đến 1 năm tùy theo nguồn cung từng loại gỗ, độ phức tạp hoa văn. Để hoàn thành khâu dựng sẽ mất thêm khoảng 2 tuần cho mỗi căn nhà thờ gỗ. Quá trình dựng nhà đòi hỏi phải có đông nhân lực vì các cột trụ rất nặng và cần cố định thật chắc trên nền nhà. Khi phần khung sườn đã cơ bản xong, thợ sẽ tiến hành đóng đinh, cố định các thanh nẹp mái nhà.
Công việc làm nhà thờ gỗ, đồ gỗ thờ cúng có đặc trưng riêng là yêu cầu người thợ vừa phải có tay nghề giỏi, khả năng sáng tạo và am hiểu về các trường phái tâm linh, phong thủy. Mỗi tác phẩm cần đáp ứng tiêu chí về độ bền, giá trị thẩm mỹ, phù hợp với văn hóa tín ngưỡng của từng khách hàng.
Trong xu hướng hiện đại, để tồn tại và phát triển nghề mộc truyền thống, người làm nghề phải không ngừng tư duy, làm sao vừa giữ gìn giá trị truyền thống nhưng cũng có sự đổi mới phù hợp với thời đại thì mới tạo ra được nét riêng biệt. Từ đó, góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương.
“Tôi luôn muốn mỗi sản phẩm của mình là độc bản, có nét đẹp riêng biệt, thể hiện thành ý của mọi người với tổ tiên thông qua từng đường nét, họa tiết, hoa văn, chất liệu, kiểu dáng. Tôi mong muốn truyền lại kỹ năng nghề nghiệp và niềm đam mê nghề mộc truyền thống cho các thế hệ sau gìn giữ và phát huy. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất, tăng năng suất lao động, vừa tạo ra nhiều sản phẩm đẹp có giá trị, đồng thời tạo thêm việc làm cho những thợ mộc có tài năng ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ thêm.