Người làm báo hôm nay đang đối diện với nhiều thử thách rất cam go. Áp lực mạng xã hội bủa vây khiến người làm báo lúc nào cũng như bơi giữa những dòng tin tức đa chiều và phức tạp. Chọn một góc nhìn để tác nghiệp, đòi hỏi bản lĩnh đích thực của người làm báo ở kỷ nguyên số.
Báo in gần như không có cơ hội phục hồi sau đại dịch Covid-19, vì thị trường phát hành thu hẹp và thị trường quảng cáo cũng teo tóp. Người làm báo tự đa dạng hóa năng lực cốt lõi trong xu hướng truyền thông đa phương tiện, có thể xem như một thái độ đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, tìm thấy đối tác để duy trì kinh tế báo chí luôn dễ dàng hơn tìm thấy công chúng để nuôi dưỡng tinh thần báo chí. Những tác phẩm báo chí chỉ làm hài lòng đối tác, mà không chinh phục được công chúng, thì tâm huyết người làm báo không khác gì đá ném ao bèo cho thân phận mưu sinh độ nhật.
Các mô thức báo chí cách đây vài thập niên đã lỗi thời. Bối cảnh bùng nổ thông tin không còn công chúng thụ động phụ thuộc vào những tờ báo được phân phối chậm chạp. Với cái điện thoại thông minh, công chúng có hàng triệu thông tin hấp dẫn luôn bày ra trước mặt mời gọi công khai. Những tác phẩm báo chí na ná nhau kiểu đại trà, không còn khiến ai hứng thú nữa.
Để không bị công chúng quay lưng, người làm báo phải tự quy hoạch nghề nghiệp của mình. Tác nghiệp theo chiều rộng là điều không thể, vì mỗi tờ báo phải tuân thủ “tôn chỉ mục đích”. Do vậy, người làm báo còn cách duy nhất là tác nghiệp theo chiều sâu. Người làm báo không có khả năng gom nhặt thông tin để phục vụ công chúng, đủ sức cạnh tranh với các thuật toán ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Người làm báo phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình theo đuổi, thì may ra mới có được công chúng.
Quy hoạch nghề nghiệp theo chiều sâu, người làm báo đòi hỏi trang bị kiến thức chuyên môn và thường trực thao thức cống hiến. Và dĩ nhiên, những tác phẩm báo chí như vậy không thể sản xuất hàng loạt. Phép cộng trữ lượng thông tin, yếu tố thẩm mỹ và cảm xúc chân thành mới có thể tạo ra những sản phẩm báo chí thuyết phục công chúng ngày càng khó tính hơn.
Người làm báo mỗi giai đoạn có một đặc điểm riêng. Thế nhưng, sứ mệnh thiêng liêng nhất của người làm báo không thay đổi theo thời gian, là đem lại thông tin bổ ích và thiết thực cho xã hội. Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) từng chủ trương tờ báo Tiếng Dân có ảnh hưởng mạnh mẽ trong những năm đầu của báo chí cách mạng Việt Nam. Vì vậy, trong kháng chiến chống Pháp, Đảng và Nhà nước đã lấy tên Huỳnh Thúc Kháng để đặt cho lớp dạy viết báo đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc vào năm 1949, nhằm mục đích “nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả”.
Đến hôm nay, trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, lời nhắc nhỏ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn nguyên giá trị: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.