| Hotline: 0983.970.780

Người lao động vật vã với nắng nóng 40 độ C

Thứ Năm 04/04/2024 , 10:28 (GMT+7)

Giữa thời tiết nắng nóng hừng hực như 'chảo lửa', nhiều người lao động tại TP.HCM vẫn nỗ lực mưu sinh.

Người dân vật vã mưu sinh dưới thời tiết nắng nóng tại TP.HCM. Ảnh: Trần Phi.

Người dân vật vã mưu sinh dưới thời tiết nắng nóng tại TP.HCM. Ảnh: Trần Phi.

Những ngày nắng gắt của tháng 4, anh Nguyễn Văn Toàn (30 tuổi, quê Vĩnh Long) phải mặc áo dài tay, đeo kính, đội mũ hàn sắt thép tại công trình thuộc TP. Thủ Đức, TP.HCM. Nam công nhân gồng mình, dùng hết sức siết chặt các ốc vít vào thanh thép, mồ hôi túa ra như tắm, ướt đẫm mặt, lưng và cả quần áo trên người.

Dưới cái nắng hầm hập gần 40 độ C phả lên từ mặt đường, xung quanh không một bóng cây, anh Toàn cùng hàng chục công nhân khác trong công trình ai cũng ướt đẫm mồ hôi, tất cả đều tập trung cao độ cho công việc, chạy đua tiến độ để đưa công trình sớm về đích.

“Ăn trưa xong, nghỉ tầm 30 phút là vào làm. Nắng nóng rát mặt cộng với tiếng ồn từ xe cộ khiến tôi mất rất nhiều sức, nhiều khi chỉ mong ông trời thương cho trời dịu lại để tôi cùng anh em làm việc đỡ vất vả”, anh Toàn bộc bạch.

Nam công nhân này chia sẻ, từ mờ sáng, vợ chồng anh đã thức dậy, chuẩn bị cơm nước rồi chạy xe từ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương lên TP. Thủ Đức bắt đầu ca làm. Mỗi ngày, cả quãng đường đi và về là hơn 50km, mất hơn 1 tiếng chạy xe máy.

Trước đây, vợ chồng anh từ quê Vĩnh Long lên Bình Dương làm thuê đã được 3 năm, chủ yếu làm mướn bưng bê ở các công trình xây dựng, lương không được bao nhiêu mà còn bị chậm khiến kinh tế khó khăn. Cũng may nhờ người quen, biết trên này có nhà thầu lớn uy tín, nên 2 vợ chồng xin được việc, lương đều cũng ổn hơn. Tuy nhiên, giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 này trời nắng quá, làm 1 ngày thôi mà tưởng tượng làm cả tuần, rất mất sức.

“Những ngày nóng quá, làm được một lúc là tôi bị choáng, chóng mặt vì quá nắng. Đến nay thì đã quen hơn. Để đỡ tốn kém mà giữ được sức khỏe, sáng sớm, tôi chuẩn bị một bình nước đầy để đem lên công trình uống, thi thoảng có người để trà đá miễn phí nên rót thêm vô ca để uống cho mát. Làm ở đây nhận lương theo tuần, mỗi ngày được trả 400.000 đồng, trừ tiền xăng cộ, ăn uống thì cũng còn dư hơn phân nửa”, anh Toàn chia sẻ.

Cũng thường xuyên làm việc ngoài trời nắng nóng, ông Trần Văn Học (45 tuổi, tài xế của một hãng xe ôm công nghệ) đã phải chuẩn bị thêm bao tay và một chiếc mũ rộng vành đội dưới lớp nón bảo hiểm để che nắng. Ngoài ra, “đồ nghề” là chiếc điện thoại thông minh gắn trước tay lái của nam tài xế cũng được cài thêm một chiếc dù mini để che nắng.

Tài xế công nghệ uống nước tránh sốc nhiệt giữa trưa nắng. Ảnh: Trần Phi.

Tài xế công nghệ uống nước tránh sốc nhiệt giữa trưa nắng. Ảnh: Trần Phi.

“Nếu trưa tắt app là chiều sẽ nhận rất ít cuốc xe. Nên dù tấp vào quán ăn cơm trưa tôi cũng bật app, có khách là chạy liền. Trưa là khoảng thời gian khách đặt xe và giao đồ ăn cao điểm nhất trong ngày nên không hôm nào tôi nghỉ trưa, được thêm cuốc nào mừng cuốc ấy”, ông Học chia sẻ.

Theo tài xế này, có thời điểm ông bị sốc nhiệt vì di chuyển giữa trời nắng gắt rồi vào quán có máy lạnh chờ lấy đồ ăn cho khách. Qua mấy lần bệnh, nên ông rút kinh nghiệm giữ sức khỏe cho bản thân. Đang chạy ngoài nắng, ông không vội vào quán mà dành vài phút quạt mát, uống nước để hạ nhiệt rồi mới di chuyển vào khu có nhiệt độ giảm đột ngột. Và đặc biệt, tuyệt đối không được tắm khi đi giữa trời nắng về vì rất dễ bị đột quỵ.

“Những ngày nắng thế này, gốc cây là nơi tôi thường xuyên lui tới nhất. Trong cốp xe của tôi lúc nào cũng để sẵn một chiếc quạt cầm tay bằng pin để quạt khi cần. Quan trọng nhất là phải bổ sung đủ nước, nhưng hạn chế nước đá để giữ sức khỏe, tránh đột quỵ”, ông Học chia sẻ cách phòng bệnh mùa nắng.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.