Tắc trách
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2015 đồng bào Ơ Đu ở Nghệ An có tổng cộng 179 hộ với 856 nhân khẩu. Đây là cộng đồng dân tộc thiểu số có đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt là văn hóa truyền thống ngày càng mai một, bị đồng hóa nhanh, ngôn ngữ gần như đã bị mất.
Trong kế hoạch bảo tồn và phát huy văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của người Ơ Đu, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025".
Trên tinh thần đó, năm 2017 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định về việc triển khai. Theo đó, Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016-2020) có kinh phí 61,6 tỉ đồng; giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỉ đồng. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 120 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 90% và địa phương đối ứng 10%.
Đề án "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu” được triển khai tại 2 bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh) của huyện Tương Dương. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư.
Trong danh sách được lập, tại bản Đửa có 45 hộ với 231 nhân khẩu là người Ơ Đu. Lạ thay, quá trình kiểm tra thực tế không phát hiện thấy bất kỳ… người Ơ Đu nào sinh sống tại bản này.
Sai sót kể trên cực kỳ nghiêm trọng. Để “chữa cháy” ngày 26/9/2019, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An ban hành Công văn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An đưa bản Đửa, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương ra khỏi diện hỗ trợ phát triển.
Ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định chấp thuận phương án trên.
Liên quan đến nội dung này, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho hay: Số liệu người Ơ Đu tại bản Đửa, xã Lượng Minh là do huyện Tương Dương cung cấp. Sau khi xây dựng đề án và tiến hành kiểm tra thực tế, nhận thấy có sự bất cập nên đơn vị đã đề nghị đưa bản Đửa ra ngoài.
Thừa giấy vẽ voi
Qua theo dõi diễn biến thực tế, dễ nhận thấy quá trình thực hiện đề án xuất hiện hàng loạt vấn đề bất cập.
Đề án hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu cho thấy nhiều dấu hiệu sai phạm, trước tình hình trên Công an tỉnh Nghệ An đã vào cuộc nhằm xác minh, làm rõ.
Cụ thể hơn, sau khi hoàn thành các bước theo trình tự, ngày 11/7/2019, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định phân khai kinh phí thực hiện các hạng mục hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019.
Trong phần hỗ trợ sản xuất có 6 nội dung, gồm kinh phí hỗ trợ con giống, gia súc có hiệu quả kinh tế cao với số tiền dự kiến hơn 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm là hơn 1,5 tỷ đồng.
Gây chú ý hơn cả là hạng mục hỗ trợ, xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với kinh phí hơn 12 tỷ đồng được áp dụng tại bản Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương).
Qua nắm bắt, phía Chủ đầu tư là Ban Dân tộc Nghệ An đã cho xây dựng 67 chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài, bao gồm 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỷ đồng, 10 chuồng loại 2 hơn 2,36 tỷ đồng. Tính toán đơn thuần 1 chuồng bò tương ứng gần 260 triệu đồng.
Cần biết rằng mặt bằng chung của người dân miền Tây xứ Nghệ vốn dĩ còn thiếu thốn trăm bề, riêng bà con người Ơ Đu còn khốn khó gấp bội phần, bởi thế khi chủ đầu tư áp dụng theo hình thức “thừa giấy vẽ voi” chắc hẳn khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Được biết, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, định mức kinh phí, Ban Dân tộc đã lựa chọn đơn vị khảo sát, thiết kế, lập dự toán trình Sở KH-ĐT, Sở NN-PTNT thẩm định báo cáo UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt.
Hiện các công trình đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.