| Hotline: 0983.970.780

Người tìm thương hiệu rau hữu cơ xứ Thanh

Thứ Năm 02/05/2019 , 11:01 (GMT+7)

Bỏ ra hàng chục tỷ đồng, tích tụ chục hàng héc-ta đất để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với nhiều người, đó là một sự mạo hiểm. Thế nhưng ông Thiên đã “thoát hiểm” ngoạn mục và khẳng định con đường phát triển bền vững của mình.

09-05-39_1
Ông Thiên và con đường sản xuất nông sản hữu cơ.

Ông Nguyễn Xuân Thiên (xã Đông Tiến, Đông Sơn, Thanh Hóa) xuất thân là một người làm dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Sau một thời gian “chinh chiến” khắp Bắc chí Nam làm dịch vụ, ông quyết “dừng chân” tại quê nhà, sử dụng máy nông nghiệp vừa tự phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa làm dịch vụ cho một số đơn vị lớn trên địa bàn.

Và ngay từ khi bước vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ông Thiên đã tự hoạch định đường đi cho riêng mình, phải sản xuất thành công nông sản hữu cơ để cung ứng ra thị trường.

Năm 2016, sau khi thành lập HTX Dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến, ông Thiên quyết định lập thêm một “công ty con” trong lòng HTX. Bởi theo lý giải của ông Thiên, Luật HTX 2012 quy định, các xã viên tham gia HTX không được góp quá 20% vốn điều lệ. Trong khi đó, nguồn vốn để thực hiện ý tưởng của ông cần rất lớn nhưng không phải xã viên nào cũng đáp ứng được. Ông thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp CNC Thiên Trường 36 để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Có đất, có vốn, ông Thiên đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng 2 khu nhà màng với tổng diện tích 15.000m2, sản xuất các loại rau, củ, quả như dưa kim hoàng hậu, dưa chuột baby, cà chua, các loại rau ăn lá, rau thủy canh. Bình quân mỗi năm ông thu sản lượng 70 tấn nông sản. Sản phẩm được các cửa hàng rau an toàn thu mua, tiêu thụ.

Bản thân ông cũng xây dựng thêm 3 cửa hàng rau, củ, quả an toàn để giới thiệu và cung ứng sản phẩm tận tay người tiêu dùng. Cũng trong năm 2016, hệ thống sản xuất của ông Thiên được chứng nhận VietGAP.

09-05-39_2
Phân hữu cơ được xử lý trước khi bón cho cây trồng.

“Năm 2016, sản xuất nông nghiệp CNC ở Thanh Hóa vẫn còn mới mẻ và bước đầu có những khó khăn nhất định. Nhưng thực tế, khi đã vào guồng thì đầu ra ổn định, lợi nhuận gấp 2-3 lần so với sản xuất theo truyền thống. Cơ giới hóa mọi khâu sản xuất giúp giảm đáng kể công lao động, năng suất cao đương nhiên hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn”, ông Thiên tâm sự.

Thế nhưng, giống như một người nghệ sỹ mải mê đi tìm cái đẹp, ông Thiên vẫn chưa bằng lòng với những gì mình có. Tháng 6/2018, ông quyết định xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ. Tính đến đầu năm 2019, trang trại của ông đã được thẩm định và chờ ngày nhận chứng nhận sản xuất nông sản hữu cơ.

“Theo lịch hẹn, chỉ còn 1 tháng nữa là trang trại của tôi được nhận chứng nhận nông sản hữu cơ. Nhưng ngay từ lúc này đã có những đơn vị ở Hà Nội đặt hàng 400 kg rau, củ, quả/ngày. Đó là một thông tin tốt lành, một minh chứng cho con đường đúng đắn mà chúng tôi đang đi”, ông Thiên phấn khởi.

Quá trình sản xuất rau an toàn VietGAP và nay là nông sản hữu cơ, ông Thiên cũng phải chấp nhận đầu tư với nguồn vốn rất lớn. Trong tay ông không chỉ có lực lượng lao động tay nghề cao mà còn có cả 4 kỹ sư trồng trọt về đầu quân. Một số lao động về dưới “trướng” của ông chấp nhận thuê lại đất và nhà màng do ông xây dựng, bán lại toàn bộ sản phẩm cho ông. Quá trình sản xuất của những tiểu trang trại này hoàn toàn độc lập nhưng đều được ông chỉ đạo, giám sát qua hệ thống camera được gắn ở khắp các góc của nhà màng. Vì thế, ông luôn có niềm tin về chất lượng sản phẩm của những người hợp tác với mình.

“Tôi muốn xây dựng quan hệ hợp tác để họ thấy mình không phải là người làm thuê cho tốt mà đang làm vì cuộc sống chính mình. Họ hoàn toàn có thể tự tìm đầu ra cho sản phẩm hoặc cung ứng cho tôi. Tất cả mọi khâu sản xuất, đầu vào, đầu ra đều được công khai và giám sát chặt chẽ. Vì thế, tôi tin tưởng vào những sản phẩm của trang trại mình. Điều đó đã được chứng minh qua sức tiêu thụ sản phẩm trong những năm qua”, ông Thiên tự hào.

09-05-39_4
Rau thủy canh tại trang trại rau của ông Thiên.

Nói về những dự định trong tương lai gần, ông Thiên cho biết, hiện ông đã đạt được thỏa thuận tích tụ 50-70 ha đất 2 lúa để sản xuất lúa hữu cơ thương phẩm và liên kết sản xuất lúa giống với một số đơn vị. Để thực hiện mục tiêu này, ông đã đầu tư mua máy cuộn, ép rơm rạ. Rơm bấy lâu nay nông dân đốt giữa cánh đồng sẽ được ông tận dụng để về phục vụ cho sản xuất của trang trại và bán cho những đơn vị có nhu cầu.

Theo ông Thiên, doanh thu của toàn HTX hàng năm ổn định từ năm 2016 đến nay ở mức 11-12 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực rau, củ, quả an toàn đạt sản lượng 120 tấn/năm, doanh thu trên 3 tỷ đồng, lãi ròng gần 1 tỷ đồng và sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.