Những ngày này, gia đình anh Hoàng Minh Liệu (30 tuổi, ngụ tổ Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đang gấp rút chăm sóc cho 0,5ha hoa hồng để chuẩn bị cho thị trường ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Nông dân 30 tuổi cho hay, kể từ giữa tháng 10, thị trường bắt đầu khôi phục, các đơn hàng lưu thông và giá hoa cũng tăng cao nên người làm vườn rất phấn khởi. Với 0,5ha, cứ 2 ngày gia đình anh Liệu cắt trên 2.000 cành để cung ứng ra thị trường.
Anh chia sẻ: “Giá hoa bán cho thương lái ở thị trường tự do hôm 20/10 đạt 5.000 đồng/cành. Đây là mức giá lý tưởng, người làm vườn như chúng tôi đạt lãi cao. Cũng nhờ lứa hoa vừa rồi mà gia đình có được khoản thu để phục vụ cho việc vực lại sản xuất”.
Hiện nay, với khoản tiền thu được từ vụ hoa 20/10, gia đình anh Hoàng Minh Liệu chi trả tiền lương cho các công nhân và đầu tư mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để thúc cho cây, tập trung khai thác thị trường 20/11 và tết Nguyên đán.
Cũng tại thị trấn Lạc Dương, gia đình anh Cil Noan đang tập trung chăm sóc cho 0,8ha hoa hồng của gia đình.
Theo nông dân này, anh làm vườn đã nhiều năm nhưng chưa bao giờ phải chịu cảnh thất thu như các tháng dịch bệnh năm nay. Trước đây, có giai đoạn giá hoa xuống thấp do cung vượt cầu nhưng dù giá hạ sâu cũng không đến mức bị thua lỗ.
“Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã khiến người trồng hoa không bán được hàng, thất thu liên tục mấy tháng liền”, anh Cil Noan chia sẻ.
Anh Cil Noan cũng cho biết, thị trường tái bình ổn mà đặc biệt là đúng vụ 20/10 nên người trồng hoa hồng có được nguồn thu vô cùng quan trọng.
Theo người dân, hiện nay, việc tái đầu tư sản xuất của nhà vườn gặp khó khăn hơn trước đây do các đại lý giống, phân bón không duy trì các hợp đồng “ghi nợ”. Do vậy, người làm vườn phải chủ động trước nguồn tiền để mua phân bón, các loại vật tư nông nghiệp khác. Việc bị trường thông thương, giá hoa hồng tăng cao dịp 20/10 đã giúp nhà vườn có được khoản tiền để tái đầu tư, sản xuất.
Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau, hoa ở địa phương bị gián đoạn. Trong đó, có khoảng 300ha hoa hồng trên địa bàn huyện Lạc Dương gặp khó khăn về đầu ra.
Trong thời gian thị trường bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, địa phương có khoảng 50ha hoa được chuyển qua sản xuất rau để thích ứng linh hoạt. Hiện tại, khi thị trường ổn định trở lại, số diện tích này đang được người dân thu hoạch rau và chuyển trở lại trồng hoa.
Theo ông Hoàng Xuân Hải, trong thời điểm dịch bệnh, hoa không bán được nhưng giá phân bón tăng cao đã khiến người trồng hoa gặp khó khăn, đặc biệt là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số.
“Bắt đầu từ tháng 10, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương được thông suốt nên tình hình sản xuất, tiêu thụ rau, hoa của người dân đã dần ổn định trở lại”, ông Hoàng Xuân Hải cho biết.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong 9 tháng đầu năm, thời tiết cơ bản thuận lợi cho công tác gieo trồng, xuống giống và chăm sóc cây trồng; đầu tư chăm sóc, tỉa cành, thu hoạch một số sản phẩm của cây lâu năm, đảm bảo kế hoạch đề ra. Tập trung phát triển sản xuất các diện tích rau ngắn ngày thông qua chuyển đổi các diện tích sản xuất hoa và cây trồng khác, thực hiện biện pháp thâm canh tăng vụ để đảm bảo nguồn cung rau, củ, quả cho thị trường, đặc biệt là tại 16 tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Tổng diện tích gieo trồng của tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 337.961 ha, tăng 0,54% so cùng kỳ, trong đó: cây hàng năm 81.631 ha, tăng 3,81%; cây lâu năm 256.330 ha, tăng 0,53%. Lương thực có hạt ước đạt 114.189 tấn, giảm 2,24%; sản lượng rau các loại 1.513 ngàn tấn, tăng 3,6%; hoa các loại 1.919 triệu bông/cành, tăng 3% so với cùng kỳ.
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 62.000 ha (chiếm 20,8% diện tích đất canh tác), trong đó: rau các loại 25.509 ha; hoa các loại 2.193 ha…