| Hotline: 0983.970.780

Vựa rau lớn nhất Lâm Đồng sẵn sàng tái sản xuất

Thứ Năm 16/09/2021 , 15:53 (GMT+7)

Thiệt hại nặng nề sau dịch bệnh Covid-19, nông dân và ngành nông nghiệp tại vựa rau huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đang khẩn trương đẩy mạnh tái sản xuất.

Gượng dậy tái đầu tư

Thời gian qua, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19. Nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn. 

Nông dân huyện Đơn Dương tái đầu tư sản xuất rau sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Hậu.

Nông dân huyện Đơn Dương tái đầu tư sản xuất rau sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện tại, huyện Đơn Dương đã hết giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái bình thường. Ngành nông nghiệp địa phương đang khẩn trương tổ chức khuyến cáo người dân tập trung tái đầu tư sản xuất sau dịch bệnh.

Vừa cải tạo 2.000m2 vườn, bà Nguyễn Thị Sự, ngụ xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) cho hay, gia đình bà chuyên trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày và thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP.HCM. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, các chợ đầu mối ở TP.HCM đóng cửa nên rau của gia đình làm ra không có nơi tiêu thụ, phải nhổ bỏ.

“Thiệt hại hàng chục triệu đồng. Xót lắm, nhưng không vì thế mà bỏ ruộng được. Hiện tôi tiếp tục sản xuất rau xà lách và đến tháng 11 sẽ xuống giống khoai tây để phục vụ thị trường dịp cuối năm”, bà Nguyễn Thị Sự thổ lộ.

Cách khu vườn của gia đình bà Sự không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Huyền (32 tuổi) cũng đang cải tạo đất để xuống giống các loại rau ăn lá. Gia đình chị Huyền có tổng diện tích vườn trên 6.000m2. Hồi tháng 5, chị trồng rau xà lách và hoa hướng dương. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Vì vậy, chị đã chủ động liên hệ với các đơn vị, tổ chức để quyên góp rau từ thiện. Đối với phần hoa và rau không làm từ thiện được, chị đành phá bỏ.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, thiệt hại trong đợt rau, hoa vừa qua của gia đình lên tới khoảng 50 triệu đồng. Để duy trì sản xuất, chị đã thuê người cải tạo đất và chuyển toàn bộ diện tích sang trồng rau, khoai tây… “Phải tập trung sản xuất và chờ vào thị trường cuối năm. Hi vọng trong vài tháng tới nước ta sẽ khống chế được dịch bệnh để cuộc sống ổn định”, chị Huyền thổ lộ.

Diện tích gieo trồng rau thương phẩm trên địa bàn huyện Đơn Dương hiện ở vào khoảng 21.000 ha, đạt 78% kế hoạch năm. Ảnh: Minh Hậu.

Diện tích gieo trồng rau thương phẩm trên địa bàn huyện Đơn Dương hiện ở vào khoảng 21.000 ha, đạt 78% kế hoạch năm. Ảnh: Minh Hậu.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, tiêu thụ nhiều loại nông sản bị đình trệ khi thị trường lớn nhất của địa phương là TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16. Dù vậy, địa phương đã đẩy mạnh công tác vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất. Người dân cũng chủ động thực hiện các biện pháp sản xuất thích ứng với đại dịch.

Kết quả cho thấy, trong vụ lúa đông xuân vừa qua, địa phương đạt sản lượng trên 3.100 tấn, diện tích lúa hè thu gieo sạ được 1.700ha, đạt 91% kế hoạch năm. Một phần diện tích bà con chuyển sang trồng củ năng và rau thương phẩm.

Riêng diện tích gieo trồng rau thương phẩm trên địa bàn toàn huyện Đơn Dương đạt trên 21.000ha, đạt 78% kế hoạch năm, sản lượng khoảng trên 700 tấn.

Trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng triển khai các giải pháp để cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tập trung phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai các chương trình đề án hỗ trợ phát triển sản xuất của ngành, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững hiện đại.

Đồng thời xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất canh tác phù hợp với các điều kiện sản xuất của từng vùng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường gắn với hình thành các vùng nguyên liệu lớn, đồng nhất về chất lượng cho công nghiệp chế biến; thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Sẵn sàng kịch bản sản xuất

Bà Tou Prong Nai Khoan, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, để duy trì mạch sản xuất, địa phương có biện pháp bố trí lao động cụ thể đối với từng gia đình nên việc kinh doanh, sản xuất cơ bản vẫn được duy trì ổn định.

Vựa rau huyện Đơn Dương đã sẵn sàng các phương án chuyển dần các loại rau ăn lá khó bảo quản sang sản xuất các loại rau củ có thời gian bảo quản dài ngày nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phức tạp kéo dài. Ảnh: Minh Hậu.

Vựa rau huyện Đơn Dương đã sẵn sàng các phương án chuyển dần các loại rau ăn lá khó bảo quản sang sản xuất các loại rau củ có thời gian bảo quản dài ngày nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục phức tạp kéo dài. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương đã lên kịch bản cho sản xuất. Trong trường hợp dịch Covid-19 lần thứ 4 được khống chế vào cuối quý III/2021, ngành tiến hành sản xuất theo kế hoạch.

Theo đó, diện tích rau đến cuối năm dự kiến trên 9.000ha gồm bắp cải, xà lách, cà chua, khoai tây, bí các loại…, với sản lượng dự kiến đạt trên 332.000 tấn.

Địa phương cũng sẽ trồng khoảng 360ha khoai lang với sản lượng ước đạt trên 8.900 tấn. Đồng thời chuẩn bị các phương án để sản xuất 50ha hoa, chủ yếu các loại hoa cắt cành như ly ly, lay ơn, cát tường, cúc, cẩm chướng…

Cùng với việc duy trì trồng trọt, hiện tại, huyện đang thực hiện các biện pháp thúc đẩy chăn nuôi. Đặc biệt là phát triển chăn nuôi bò sữa nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Chúng tôi chú trọng vào phát triển đàn bò sữa chất lượng, đảm bảo nguồn sữa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Việc chăn nuôi bò sữa sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường trên 52.000 tấn sữa tươi”, bà Tou Prong Nai Khoan nói và cho biết thêm, việc chăn nuôi nói chung ở địa phương cũng sẽ đảm bảo 4.800 tấn thịt hơi các loại trong dịp cuối năm.

Vào dịp cuối năm, địa bàn tỉnh Lâm Đồng sẽ bước vào mùa khô. Do vậy, cùng với việc tổ chức sản xuất thích ứng tình hình dịch Covid-19, ngành nông nghiệp cũng chú trọng công tác đảm bảo tưới tiêu cho cây trồng.

Huyện Đơn Dương đã chuẩn bị các phương án để sản xuất 50ha hoa, chủ yếu các loại hoa cắt cành như ly ly, lay ơn, cát tường, cúc, cẩm chướng… phục vụ thị trường cuối năm. Ảnh: Minh Hậu.

Huyện Đơn Dương đã chuẩn bị các phương án để sản xuất 50ha hoa, chủ yếu các loại hoa cắt cành như ly ly, lay ơn, cát tường, cúc, cẩm chướng… phục vụ thị trường cuối năm. Ảnh: Minh Hậu.

Huyện Đơn Dương hiện đã cùng người dân sửa chữa các công trình thủy lợi, mương máng để đảm bảo lưu thông, đưa nước đến đồng ruộng. Các đơn vị liên quan sẵn sàng điều tiết nước từ các công trình thủy lợi về đồng ruộng để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

Bà Tou Prong Nai Khoan cho biết thêm, trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức sản xuất theo kịch bản chuyển dần các loại rau ăn lá có thời gian bảo quản ngắn như xà lách, cải các loại… sang sản xuất các loại rau củ có thời gian bảo quản lâu, thuận lợi cho việc vận chuyển. Các loại rau, củ được ưu tiên sản xuất sẽ là khoai tây, khoai lang, cà rốt, các loại bí, bắp cải, cà chua, đậu leo, ớt…

“Trường hợp dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp, huyện sẽ chủ trương giảm diện tích trồng mới các loại hoa để chuyển sang trồng các loại rau thương phẩm. Điều này sẽ góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa nông sản cho nhân dân trong huyện cũng như các thị trường trong nước”, bà Tou Prong Nai Khoan cho biết.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, tổng diện tích gieo trồng lũy kế toàn tỉnh đến nay đạt 333.859/389.365ha kế hoạch (đạt 85,74% và bằng 103,65% cùng kỳ). Trong đó, diện tích gieo trồng cây hàng năm là 72.791ha, cây dài ngày 261.068 ha.

Tổng sản lượng lương thực ước đạt 58.801 tấn, sản lượng rau các loại 839.686 tấn, hoa các loại 1.345 triệu cành, chè búp tươi 87.441 tấn, cây ăn quả các loại thu hoạch 90.592 tấn...

Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh thời điểm hiện ước đạt 61.159ha (tăng 930,8ha so với năm 2020). Trong đó có 25.509ha rau, 2.193ha hoa; 6.680ha chè; 22.092ha cà phê; 3.570ha lúa; 836ha cây ăn quả; 139ha cây dược liệu và 140ha cây trồng khác.

Chăn nuôi, thủy sản trên bàn tỉnh có chiều hướng phát triển tốt; đàn lợn tăng trở lại, đàn gia cầm phát triển mạnh. Tổng sản phẩm thịt hơi các loại ước đạt 56.126 tấn, trứng gia cầm đạt 206,19 triệu quả, sữa tươi nguyên liệu đạt 48.808 tấn, sản lượng kén tằm 5.349 tấn...

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.