| Hotline: 0983.970.780

Người xưa làm thủy lợi [Bài 2]: ‘Kiến trúc sư’ của hệ thống đê điều

Thứ Ba 29/08/2023 , 07:31 (GMT+7)

Sau khi đảm nhận nhiệm vụ quản lý đê chính Bắc Thành, Lê Đại Cang đã có những đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ hệ thống đê điều.

Người “khai sinh’ hệ thống đê Bắc Thành

Theo sách Đại Nam thực lục, tháng 9/1828, vua Minh Mạng cử quan Hữu Tham tri Hình bộ Lê Đại Cang giữ chức quan quản lý Đê chính Bắc Thành; Vệ úy vệ Cường võ Ngô Tiến Đức được sung chức Tham biện và Tri phủ Thiên Trường là Nguyễn Lý Nhân làm Viên ngoại lang ty Thận cần Đê chính để cùng thực hiện nhiệm vụ trị thủy với Lê Đại Cang.

Để khẳng định việc trị thủy là nhiệm vụ nặng nề, cần sự tận tâm tận lực của các quan, vua Minh Mạng dụ rằng: “Việc chống lụt quan hệ rất lớn. Nay trách nhiệm về đê chính càng nặng nề. Lần này đi, nên hết lòng sắp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng thì công ấy chẳng nhỏ đâu”.

Không phụ lòng tin của vua Minh Mạng, chưa đầy 2 tháng kể từ ngày nhận nhiệm vụ, vào tháng 11/1828, Lê Đại Cang đã xây dựng kế hoạch củng cố và làm mới hệ thống đê Bắc Thành.

Lê Đại Cang, 'kiến trúc sư' của hệ thống đê điều ở Bắc Thành thời vua Gia Long. Ảnh: N.H.

Lê Đại Cang, “kiến trúc sư” của hệ thống đê điều ở Bắc Thành thời vua Gia Long. Ảnh: N.H.

Sách Đại Nam thực lục ghi lại kế hoạch trị thủy của Lê Đại Cang: “Đê chính thần là bọn Lê Đại Cang đi các trấn xem xét đê cũ, đê mới, thấy có chỗ nên đắp đê mới, có chỗ nhân đê cũ mà bồi đắp thêm. Cả 18 sở đều là đại công trình cả, duy 1 sở mới Kim Quan thuộc Bắc Ninh dài hơn 890 trượng, đất ấy ruộng chiêm thấp ướt, thi công rất khó, xin đến thượng tuần tháng 12 năm nay khởi công. Ngoài ra, 10 sở đê mới thuộc Sơn Nam, Bắc Ninh, Nam Định có chiều dài hơn 3.060 trượng và 7 sở đê cũ thuộc Sơn Tây, Sơn Nam có chiều dài dài hơn 3.590 trượng, đều xin đến hạ tuần tháng Giêng sang năm mới khởi công. Vua y cho. Chi phí cả thảy hết hơn 175.500 quan tiền…”.

Tháng 12/1828, Lê Đại Cang được vua Minh Mạng thưởng 100 quan tiền do có nhiều nỗ lực trong việc thực thi trách nhiệm. Đặc biệt, trong lúc thi hành nhiệm vụ, việc đê điều bộn bề, mà quan Vệ úy vệ Cường võ Ngô Tiến Đức được sung chức Tham biện Đê chính giúp cho Lê Đại Cang trong việc trị thủy bị bệnh chết, mọi việc dồn hết cho Lê Đại Cang, ghi nhận sự tận lực của ông nên vua ban thưởng. Hệ thống đê điều Bắc Thành quan trọng bao nhiêu thì vai trò của Lê Đại Cang được vua Minh Mạng đánh giá cao bấy nhiêu.

Ông Lê Thanh Độ, cháu đời thứ 6 của cụ Lê Đại Cang, người đang trông coi từ đường của cụ Lê Đại Cang tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Lê Thanh Độ, cháu đời thứ 6 của cụ Lê Đại Cang, người đang trông coi từ đường của cụ Lê Đại Cang tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tháng Giêng năm 1829, vua Minh Mạng quyết định cho dựng công đường Đê chính ở Bắc Thành tại khu vực cửa Nam. Đồng thời, nhà vua lệnh cho bộ Công, rằng: “Việc sông bận nhiều, một mình Lê Đại Cang khó làm xong được. Trước sai Nguyễn Văn Khoa làm Tham biện, là người mới, nếu không phái thêm các viên giỏi việc cùng làm thì sợ được việc này hỏng việc kia. Nay mưa xuân bắt đầu, việc đê chính là khẩn yếu, dẫu đã có người chuyên trách, nhưng việc nước thì sao”.

Vì vậy, vua Minh Mạng sai Chưởng cơ Lê Thuận Tĩnh và nguyên thự Hiệp trấn Nam Định là Hoàng Quýnh lãnh nhiệm vụ giúp việc Đê chính Bắc Thành. Thế là Lê Đại Cang lại được nhà vua bố trí người tiếp sức.

“Mướt mồ hôi” với nhiệm vụ trị thủy

Tháng 4/1829, khu vực Bắc Thành liên tục có mưa, vua Minh Mạng yêu cầu quan Đê chính trình tấu về tình trạng đê điều và lượng mưa. Sách Đại Nam thực lục ghi lại, khi ấy Lê Đại Cang tâu rằng: “Việc đê phòng, công trình lớn có 18 sở, trong tháng có thể xong, sở công trình nhỏ thì hiện đương thực đắp. Vả lại, từ cuối xuân đến nay mưa không liên miên, xem xét thủy chí cũng chưa tràn quá bờ sông”.

Khu lăng mộ của dòng họ Lê gia ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Khu lăng mộ của dòng họ Lê gia ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra, chỉ vài ngày sau, nước sông đã dâng lên trên 10 thước. Quá lo lắng, Thành thần Phan Văn Thúy bèn cấp báo về triều. Vua Minh Mạng xem sớ tâu xong liền bảo bộ Hộ rằng: “Mới qua tiết Tiểu mãn, chưa đến kỳ nước lớn tam phục mà nước sông đã lên mau như thế, lòng ta rất lấy làm lo. Phải phi dụ ngay cho bọn Lê Đại Cang xem việc đê có chỗ nào quan yếu chưa đắp xong, thì báo gấp cho Phan Văn Thúy lập tức phái biền binh ngày đêm sửa đắp, để khỏi chậm trễ không kịp việc”. Chính Lê Đại Cang là người chủ trì trong việc đắp đê mới ở Kim Quan với chiều dài trên 140 trượng.

Đến tháng 8/1829, việc đắp đê ở Bắc Thành đã cơ bản hoàn thành, đoạn đê Kim Quan do Lê Đại Cang chỉ huy cũng được đắp vững chắc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Lê Đại Cang liền có sớ tâu lên vua Minh Mạng, rằng: “Việc đắp đê năm nay công trình lớn 18 sở, công trình nhỏ hơn 1.000 sở. Tuy 9 lần nước lên to mà đều giữ vững, không có nạn tràn ngập. Nay kỳ trước mùa thu đã qua, nước lụt sắp hết, nước sông hơi trong, thật là nhờ Hoàng thượng chăm lo nghĩ cho dân, trù tính chu đáo. Cho nên lòng trời thuận giúp, sông ngòi linh thiêng mà có sự mừng nước yên lặng này”.

Lăng mộ của cụ Lê Đạt Cang nằm trong Khu lăng mộ của dòng họ Lê gia ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Lăng mộ của cụ Lê Đạt Cang nằm trong Khu lăng mộ của dòng họ Lê gia ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Xem sớ tâu của Lê Đại Cang xong vua Minh Mạng cả mừng, liền “bút phê” rằng: “Mở xem sớ chưa hết, mà vui vẻ xiết bao. Sâu cảm ơn trời, lại nhờ phúc của thần giúp đỡ, nên nước lụt vụ hạ vọt lên khác thường mà giữ được dòng sông thuận nẻo, việc vỡ đê nguy hiểm ở Kim Quan thường xảy ra và cuối cùng đã giữ được vững chắc không lo. Việc yên sông này công lao các khanh cũng đáng thưởng đó”.

Xưa kia, các lão niên ở Bắc Thành thường truyền tụng câu chuyện khi ra công đường cơ quan Đê chính ở cửa Nam thành Hà Nội, Lê Đại Cang đã cho ghi tại đây câu đối: “Đề tồn Cang toại/Đề hoại Cang vong” (nghĩa là: Đê còn thì Cang còn, đê mất thì Cang cũng mất). Câu đối này cho thấy quyết tâm hết mình cống hiến cho sự nghiệp “vệ đê an dân” của quan Đê chính Lê Đại Cang.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Chiếc lược ngà' bên dòng Bến Hải

Ngày vượt sông Bến Hải sang bờ Bắc nhận quân, cô du kích 18 tuổi ngoảnh mặt quay đi khi nghe tiếng gọi của một người du kích tuổi trung niên, tóc đã điểm bạc...

Bình luận mới nhất