| Hotline: 0983.970.780

Người xưa làm thủy lợi [Bài 1]: Hình thành hệ thống thủy lợi an dân

Chủ Nhật 27/08/2023 , 14:47 (GMT+7)

Cách đây hàng trăm năm, tổ tiên chúng ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác thủy lợi để ổn định sản xuất nông nghiệp, đó cũng là kế sách an dân.

Chống lụt, chống hạn là kế sách an dân

Việt Nam là đất nước thuần nông, thế nên vấn đề xây dựng hệ thống thủy lợi là mối bận tâm lớn xuyên suốt lịch sử từ xưa đến nay. Từ rất sớm, các triều vua thời phong kiến đã đầu tư xây dựng hệ thống đê điều để chống lụt và xử lý hạn hán, trị thủy, thủy chế, điều hòa nước các con sông lớn để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đến thời nhà Nguyễn, vấn đề đắp đê, trị thuỷ ở vùng châu thổ Bắc Hà được đặc biệt quan tâm, nhằm tạo điều kiện cho người dân an cư lạc nghiệp. Năm Quý Hợi (1803), khi vừa mới lên ngôi, vua Gia Long đã bắt tay ngay vào việc ổn định kinh tế đất nước, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đê điều trị thủy ở Bắc Thành.

Theo sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, các quan trấn thủ Bắc Thành lúc bấy giờ đã có sớ tâu lên vua Gia Long, rằng: “Thế nước sông Nhị Hà rất mạnh, đê bên tả, đê bên hữu ven sông thuộc Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng hạ nhiều chỗ bị vỡ, xin thuê dân đắp sửa để chống lụt mùa thu. Lại thủ đạo các trấn nhiều nơi ứ tắc, xin hạ lệnh cho trấn thần tùy thế khơi vét. Vua theo lời tâu, cho đắp 7 đoạn đê mới, lại đắp bồi một đoạn đê cũ hết 80.400 quan tiền…”.

Tượng ông Lê Đại Cang được vua Minh Mạng cử giữ chức quan quản lý Đê chính Bắc Thành để lo việc trị thủy ở đặt ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tượng ông Lê Đại Cang được vua Minh Mạng cử giữ chức quan quản lý Đê chính Bắc Thành để lo việc trị thủy ở đặt ở thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Xác định thủy lợi là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, vua Gia Long xuống chiếu lệnh cho các quan Bắc Thành điều trần về việc tưới tiêu trong canh tác lúa để quy hoạch việc xây dựng hệ thống thủy lợi.

Suốt thời gian trị vì, vua Gia Long luôn chú trọng đến việc đắp đê Bắc Thành. Năm Giáp Tý (1804), nhà vua sai các vị quan trấn Bắc Thành huy động dân đi sửa, đắp đê. 2 năm sau, vào năm Bính Dần (1806), vua Gia Long đã chi 95.200 quan tiền để đắp 12 đoạn đê mới ở Bắc bộ. Tiếp tới, năm Mậu Thìn (1808), vua cho đắp thêm 10 đoạn đê mới tại các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Văn Giang với tổng chiều dài 1.500 trượng (1 trượng bằng 0,4m dài). Năm 1809, theo lời tấu của Đô chính Bắc Thành, nhà vua lại cho đắp thêm 2 đoạn đê mới và tôn cao 2 đoạn đê cũ, chi phí hết 87.000 quan tiền.

Cũng năm 1809, vua Gia Long đã cho đặt chức quan Đê chính Bắc Thành chuyên coi về đê điều phía Bắc, cử Binh bộ Thượng thư Đặng Trần Thường làm tổng lý và quan Tham chính Bộ công Nguyễn Khắc Thiệu làm tham lý. Từ đó, vua Gia Long quy định: Cứ tháng 10 âm lịch hằng năm, các quan phủ, huyện, trấn thuộc Bắc Thành phải tổ chức kiểm tra hệ thống đê điều.

Lê Đại Cang (1771-1847) là Đệ thất Thế tổ của dòng họ Lê gia ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Lê Đại Cang (1771-1847) là Đệ thất Thế tổ của dòng họ Lê gia ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Đê nào cần sửa nên sửa, đê nào cần đắp mới thì xác định công trình lớn hay nhỏ; nếu là công trình lớn thì thuê dân làm. Việc sửa chữa đê điều khởi công vào tháng Giêng hoặc tháng Hai hằng năm, đến tháng Tư âm lịch phải thực hiện hoàn tất. Tháng 9 âm lịch năm 1809, vua Gia Long ban hành điều lệ về đê điều ở Bắc bộ; trong đó, quy định chi tiết về quy mô, nguồn nhân lực từng loại đê và chi tiết đến cả giá thành từng trượng, thước đất đắp đê…

Thủy lợi được các vương triều nhà Nguyễn đặc biệt quan tâm

Vào thời vua Minh Mạng, vấn đề đê điều, trị thủy được nâng lên thành nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ hàng đầu, hầu như năm nào cũng thực hiện việc trị thủy quy mô lớn ở Bắc Thành. Có những công trình trị thủy quy mô lớn đến mức triều đình phải huy động hàng vạn người dân tham gia.

Đến lúc này, vua Minh Mạng không chỉ tiếp tục duy trì các khung thưởng, phạt về đê điều được ban hành từ các triều vua tiên đế, vua Minh Mạng còn bổ sung nhiều điều luật chặt chẽ, nghiêm khắc hơn.

Nhà từ đường của ông Lê Đại Cang nằm trên địa bàn thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nhà từ đường của ông Lê Đại Cang nằm trên địa bàn thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ví như vào năm 1827, từ vụ quan lại Bắc Thành thuê dân làm đê không đúng cách thức, vua Minh Mạng đã nghiêm khắc phê phán: “Việc đê quan hệ tới việc làm ruộng không nhỏ. Công việc sửa, đắp đê triều đình vốn không tiếc phí, làm không đúng cách thức là lỗi Hữu Ty”. Đồng thời, nhà vua còn dụ rằng: “Đắp đê là chống nước lụt cho dân yên ở, quan hệ lợi hại không nhỏ”.

Vì thế, những người phạm lỗi là Hiệp trấn Sơn Nam Ngô Huy Viện đã bị cách chức, còn Tham hiệp trấn Vũ Tiến Huân thì bị phạt đánh 100 trượng và phát đi làm lính cơ. Riêng Trấn thủ Lê Công Lý dù đã chết vẫn bị triều đình thu lại bằng sắc…

Việc thưởng phạt trong công tác trị thủy của vua Minh Mạng cho thấy từ xa xưa, tiền nhân đã xem việc làm thủy lợi quan trọng đến nhường nào!

Xuyên suốt các triều vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… đều xem việc đê điều, trị thủy ở Bắc Thành là vấn đề “nóng” được đặc biệt quan tâm. Theo đó, vào năm 1828, theo đề nghị của các quan, vua Minh Mạng đã quyết định tăng cường thêm nhân sự cho Nha môn Đê chánh. Đến thời Tự Đức, việc đắp đê, sửa chữa, kiểm tra, kiểm soát đê được quy định rất cụ thể, chi tiết.

Ông Lê Đại Cang cùng tổ tiên được thờ phụng tại nhà từ đường Lê gia tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Lê Đại Cang cùng tổ tiên được thờ phụng tại nhà từ đường Lê gia tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Vua Tự Đức đề ra khung thưởng phạt về sự phòng hộ đê, phân định trách nhiệm của các phủ, huyện, tổng, lý sở tại những nơi để đê vỡ, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân… Nhờ vấn đề xây dựng hệ thống thủy lợi được quan tâm, nên vào năm 1809 hệ thống đê điều ở Bắc Thành chỉ mới xây dựng được 239.933 trượng, tương đương 960km thì đến cuối thế kỷ 19, hệ thống đê này đã được xây dựng dài đến 2.400km.

Theo sách Đại Nam thực lục, tháng 9/1828, ông Lê Đại Cương (tức Lê Đại Cang) nhân vật lịch sử (1771-1847) được sinh ra tại thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) được vua Minh Mạng cử giữ chức quan quản lý Đê chính Bắc Thành để tăng cường nhân sự cho Nha môn Đê chánh. Trên cương vị này, ông Lê Đại Cang từng bước chứng tỏ mình là một “kiến trúc sư” và là “chuyên gia trị thủy” xuất chúng.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm