| Hotline: 0983.970.780

Nguồn lực phòng chống thiên tai: Huy động sức mạnh cộng đồng

Thứ Hai 17/05/2021 , 09:17 (GMT+7)

Đảng, nhà nước nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho công tác này.

Trích lập dự phòng từ ngân sách nhà nước

Quy định về ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai đã được nêu rõ tại Điều 9 Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi. Theo đó, ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách nhà nước theo dự toán chi hằng năm và dự phòng ngân sách nhà nước.

Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai theo dự toán chi hằng năm được sử dụng cho xây dựng chiến lược, kế hoạch phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.

Hiện nay kinh phí cho phòng, chống thiên tai là do ngân sách địa phương đảm bảo.

Hiện nay kinh phí cho phòng, chống thiên tai là do ngân sách địa phương đảm bảo.

Dự phòng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng để hỗ trợ cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Căn cứ vào hoạt động ứng phó, mức độ thiệt hại, nhu cầu cứu trợ và chế độ, chính sách, UBND các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương để xử lý nhu cầu khẩn cấp cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngoài dự toán chi hằng năm đã được phê duyệt.

Trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của địa phương và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Ngoài ra, quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai với mức độ nghiêm trọng, phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Như vậy, có thể thấy, hiện nay kinh phí cho phòng, chống thiên tai là do ngân sách địa phương đảm bảo. Tuy nhiên, còn một số tồn tại hạn chế trong hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai như tại Quyết định số 37/2019/QĐ-TTg, các địa phương bị thiệt hại phải ứng trước kinh phí để thực hiện thì mới được xem xét hỗ trợ.

Trong khi đó, các tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nguồn lực hạn chế và có thể dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP chỉ các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn mới được hỗ trợ khi nhà bị sập, đổ, trôi; quy trình, thủ tục hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia còn kéo dài,…

Quỹ phòng, chống thiên tai

Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94 quy định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng chống thiên tai, sau 5 năm triển khai thực hiện nhiều địa phương đã gặp vướng mắc trong việc thu cũng như sử dụng Quỹ để chi cho công tác phòng chống thiên tai.

Do đó, ngày 11/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 94, trong đó đã bổ sung cơ quan Thuế hỗ trợ trong công tác thu quỹ và bổ sung các nội dung chi theo đề nghị của các địa phương.

Theo Luật số 60/2020/QH14 sửa đổi bổ sung một số Điều Luật phòng chống thiên tai, trong đó bổ sung Quỹ Phòng chống thiên tai trung ương. Việc thành lập Quỹ Phòng chống thiên tai trung ương sẽ giúp việc hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho công tác phòng chống thiên tai được thuận lợi. Đồng thời sẽ là đầu mối điều tiết nguồn lực từ Quỹ cho các địa phương bị thiệt hại nặng, vượt quá khả năng ứng phó của các địa phương.

Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác;

Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ Quỹ phòng chống, thiên tai trung ương, giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.

Cán bộ, chiến sĩ Trường Sĩ quan Đặc công tham gia ứng cứu đắp chống tràn đê tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cuối tháng 7/2018.

Cán bộ, chiến sĩ Trường Sĩ quan Đặc công tham gia ứng cứu đắp chống tràn đê tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cuối tháng 7/2018.

Đến ngày 27/2/2021, đã có 60/63 địa phương tiến hành thu Quỹ với tổng kinh phí thu được là 3.893 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn tài chính cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn được huy động từ nguồn đóng góp tự nguyện theo quy định của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; nguồn viện trợ quốc tế khẩn cấp.

Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau: Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp Nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp.

Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng… Và những người lao động khác đóng 15 ngàn đồng/người/năm.

Quỹ Phòng, chống thiên tai sẽ được chi cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp tiết khác cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà sơ tán phóng tránh thiên tai, tu sử xử lý khẩn cấp công trình phòng chống thiên tai có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng/công trình.

Hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm; chăm sóc y tế, thực phẩm, nước uống cho người dân nơi sơ tán đến; hỗ trợ quan trắc, thông tin, thông báo, cảnh báo, báo động thiên tai tại cộng đồng…

Ngoài ra còn hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, phổ biến tuyên truyền kiến thức pháp luật; lập rà soát kế hoạch phòng chống thiên tai cấp xã; hỗ trợ chi thù lao cho người trực tiếp đi thu và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu quỹ; được điều chuyển để hỗ trợ các địa phương khác bị thiên tai vượt quá khả năng khắc phục của địa phương.

Bài học từ Indonesia, Philippines

Tại Indonesia, nguồn kinh phí chính để hỗ trợ người dân phục hồi sau thiên tai là ngân sách của khu vực huyện, thành phố hoặc tỉnh và ngân sách quốc gia. Năm 2019, Bộ Tài chính Indonesia cho biết, họ có kế hoạch khởi động một chiến lược mới để hỗ trợ cho việc khắc phục thảm họa. Trong đó có việc bán “trái phiếu thảm họa”. Chính phủ sẽ đảm bảo các tài sản của nhà nước có thể chống lại thiên tai và sau đó tạo ra một công cụ tài trợ rủi ro thiên tai cho các vùng bị ảnh hưởng.

Còn tại Philippines, Quỹ Quản lý và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (quỹ NDRRM) là cơ chế tài chính quan trọng nhất của Chính phủ về các yêu cầu tài chính để phục hồi và tái thiết. Các khoản trích lập ngân sách hàng năm cho Quỹ NDRRM đã tăng đều đặn khá đáng kể trong những năm qua, dù có sự sụt giảm đáng kể trong việc trích lập từ năm 2016 - 2017.

Từ 6 tỷ peso (bao gồm cả phần quỹ phản ứng nhanh QRF) vào năm 2011 lên mức cao nhất là 38,9 tỷ peso (tương đương khoảng 315 triệu USD) năm 2016. Dự trữ NDRRM hiện ở mức 15,755 tỷ peso. Do chủ động được nguồn kinh phí phòng chống thiên tai, trước khi siêu bão Goni đổ bộ vào đất liền, Chính phủ Philippines (thông qua Bộ Phát triển và Phúc lợi xã hội) đã phê duyệt từ sớm ngân sách dự phòng để cứu trợ cho người dân, tổng ngân sách lên đến 879.862.791 peso (tương đương khoảng 18.171.000 USD), trong đó 301.902.360 peso là quỹ tiên mặt dự phòng ứng phó khẩn cấp cho Văn phòng Trung ương cấp phát.

Số tiền còn lại để mua sắm và cấp phát các thùng hàng thực phẩm gia đình, các mặt hàng thực phẩm khác và đồ cứu trợ ngoài thực phẩm. Đó là số tiền hỗ trợ rất ý nghĩa và kịp thời để hỗ trợ người dân trong việc phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra.

Minh Phúc

  • Tags:
Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.