| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ Covid-19 từ người nhập cảnh trái phép còn hiện hữu

Thứ Sáu 26/03/2021 , 16:52 (GMT+7)

TP.HCM giáp ranh với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ là những địa phương có đường biên giới, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn còn hiện hữu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM sáng 26/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM sáng 26/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chống dịch Covid-19 ở TP.HCM khác với các địa phương khác

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trong buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM sáng 26/3 về công tác tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 và triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, TP.HCM đã trải qua nhiều ngày không xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đến chiều tối 25/3, xuất hiện ca mắc Covid-19 mới là người nhập cảnh trái phép từ nước ngoài qua đường biển vào Phú Quốc và về TP.HCM.

"Đây không phải là ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Bộ Y tế cũng đã có công điện gửi các tỉnh thành phố, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, khoanh vùng, truy vết, dập dịch nhanh. Để tiếp tục khống chế dịch Covid-19", Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị TP.HCM cần phối hợp tỉnh Bình Dương truy vết kỹ ca nghi mắc Covid-19 tại địa phương này. Trường hợp phát hiện ca bệnh thì khoanh vùng theo diện hẹp.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý TP.HCM cần kiểm soát tốt các trường hợp nhập cảnh, tiếp tục thực hiện chặt chẽ, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Thành phố. "Xử lý cả những cơ sở tổ chức cách ly cho người nhập cảnh trái phép", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Tuyên cho biết, Bộ Y tế cũng như Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đặc biệt quan tâm đến tình hình dịch tại TP.HCM và Hà Nội. Cuối năm 2020, trong đợt bùng phát dịch tại TP.HCM liên quan chùm ca bệnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông cũng trực tiếp có mặt và đồng thời xin ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam triệu tập cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo Thành phố tại Viện Pasteur TP.HCM.

"Sau khi ổ dịch tại đây được kiểm soát, nhiều người hỏi tôi tại sao lại quyết định như vậy. Sân bay Tân Sơn Nhất không thể như Sân bay Vân Đồn. Sân bay Vân Đồn có thể tạm đóng và phong tỏa. Nhưng Sân bay Tân Sơn Nhất mà phong tỏa nghĩa là cả nước ngừng hoạt động. Do đó, với các biện pháp, TP.HCM vẫn phòng chống dịch hiệu quả nhưng sân bay vẫn hoạt động bình thường. Chống dịch ở TP.HCM khác với các địa phương khác", ông Tuyên nói.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nếu có ca bệnh cần khoanh vùng theo diện hẹp, thôn nào khoanh vùng thôn đó, để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. “Cần xét nghiệm theo diện rộng có chỉ định và xét nghiệm gộp mẫu theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo nguyên tắc sàng lọc và giảm chi phí.

Tăng cường giám sát phát hiện sớm các ca nghi ngờ. Kiểm tra kỹ các nhà máy xí nghiệp, nơi nào không đảm bảo yêu cầu trong phòng chống dịch thì yêu cầu ngừng hoạt động để hoàn thiện.

TP.HCM phải có phương án cách ly 1.000 người và chuẩn bị sẵn phương án các bệnh viện dã chiến trên cơ sở lấy từ các bệnh viện, hạn chế thành lập mới tránh lãng phí", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị.

Theo ông Tuyên, TP.HCM giáp ranh với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ là những địa phương có đường biên giới giáp ranh. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn còn hiện hữu.

Kiểm soát trường hợp xuất cảnh bất hợp pháp

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, Thành phố sẽ tập trung siết chặt an toàn tại các khu cách ly. Đặc biệt, các sự cố liên quan nhóm người nhập cảnh trái phép rất nguy hiểm. "Hiện có thể còn một số đối tượng mà Thành phố chưa phát hiện được. Do đó, TP.HCM đã phối hợp tỉnh Kiên Giang để truy vết kịp thời. Mới đây, công an đã hỗ trợ ngành y tế trong việc điều tra, cách ly người đi cùng bệnh nhân 2580, đang ở nhà trọ tại Gò Vấp, sau khi nhập cảnh trái phép vào Kiên Giang", ông Bỉnh nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, hai ca mắc Covid-19 mới được phát hiện tại TP.HCM và Bình Dương đều là người nhập cảnh trái phép từ nước bạn sát biên giới. Ông Đức cho rằng, có hai nguyên nhân có thể xảy ra đối với những trường hợp nhập cảnh trái phép là những trường hợp khi xuất cảnh cũng bằng con đường bất hợp pháp, do đó, khi về nước, họ chỉ còn con đường tiểu ngạch, thứ hai, có thể họ ngại phải cách ly 14 ngày.

"Tôi đề xuất lực lượng biên phòng, cửa khẩu, ngoài kiểm soát người nhập cảnh trái phép thì cần lưu ý công tác kiểm soát việc xuất cảnh bất hợp pháp. Vì trong tương lai gần, những người này cũng nhập cảnh bất hợp pháp về nước ta, hạn chế nguy cơ trong tương lai", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đánh giá, TP.HCM có đặc thù là số lượng người đi/đến rất lớn, chiếm khoảng 70% cả nước. Nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thì sẽ rất khó khăn. Do đó, làm thế nào để từng điểm tập trung đông người như cơ quan, xí nghiệp, trường học... được đảm bảo an toàn.

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, thời gian qua hệ thống giám sát của TP.HCM hoạt động rất hiệu quả, triển khai chống dịch Covid-19 rất nhanh. 

Cục phó Y tế dự phòng Bộ Y tế Hoàng Minh Đức cho rằng, TP.HCM cần lưu ý bốn nhóm nguy cơ có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng rất lớn là nhóm người nhập cảnh trái phép; nhóm người trong khu cách ly mà quản lý không tốt, bỏ trốn hoặc tự động ra ngoài; nhóm cán bộ tại các chốt cửa khẩu như sân bay, kiểm dịch, người đưa đón công nhân; nhóm chăm sóc người trong khu cách ly.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiến hành kiểm tra công tác cách ly đối với người nhập cảnh có trả phí tại Khách sạn Norfolk quận 1. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiến hành kiểm tra công tác cách ly đối với người nhập cảnh có trả phí tại Khách sạn Norfolk quận 1. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tiêm vacxin phòng Covid-19 an toàn, đúng đối tượng

Về công tác tiêm vacxin phòng Covid-19, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) cho biết, TP.HCM được Bộ Y tế phân bổ 8.000 liều vacxin phòng Covid-19. Từ ngày 8/3, công tác triển khai tiêm chủng được bắt đầu thực hiện. Trước đó, ngành y tế Thành phố đã tổ chức tập huấn công tác an toàn tiêm chủng cho các cơ sở y tế, nhân viên y tế, xây dựng lịch tiêm cụ thể và tổ chức giám sát công tác thực hiện, đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng.

“Dự kiến đến hết tuần, sẽ có 1.264 người được tiêm vacxin phòng Covid-19. Công tác tiêm vacxin đợt 1 dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng giữa tháng 4/2021”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá công tác triển khai tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đang được thực hiện rất tốt. TP.HCM đã tiến hành rà soát kỹ các đối tượng, chuẩn bị kỹ từ nhân lực, thuốc men, để tổ chức các buổi tiêm chủng đảm bảo an toàn.

“SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 là virus gây bệnh truyền nhiễm mới, thường xuyên có biến chủng, do đó công tác tiêm chủng vacxin ngừa bệnh cần vừa thực hiện vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm và điều chỉnh để phù hợp, hiệu quả hơn trong công tác phòng chống dịch, an toàn hơn trong công tác tiêm chủng”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị.

Cũng theo Thứ trưởng, quan trọng nhất trong công tác tiêm chủng là khâu khám sàng lọc trước tiêm. Do đó, các cơ sở tiêm chủng cần thực hiện khám sàng lọc kỹ, không bị áp lực bởi số lượng tiêm chủng. Việc khám sàng lọc được thực hiện tốt sẽ giảm các trường hợp có phản ứng sau tiêm đến mức thấp nhất. Người dân sẽ tin tưởng hơn trong công tác tiêm chủng vacxin phòng Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra các công tác khám sàng lọc, tiêm chủng, quản lý sau tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra các công tác khám sàng lọc, tiêm chủng, quản lý sau tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

5K + vacxin

Để sẵn sàng các kế hoạch cho tiêm chủng vacxin trên diện rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo, ngành y tế TP.HCM cần tập huấn kỹ cho đội ngũ nhân lực trực tiếp tham gia vào công tác tiêm chủng từ tuyến thành phố đến tuyến quận, huyện và y tế cơ sở.

“Tại các điểm tiêm cộng đồng ngoài cơ sở y tế, phải tăng cường cơ số thuốc chống sốc, sẵn sàng thêm nhân lực có chuyên môn trong xử lý các phản ứng sau tiêm. Chỉ đạo từ Trung tâm y tế tuyến huyện trở lên cần chuẩn bị các đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị cơ số thuốc, xe cứu thương sẵn sàng để khi xảy ra tình huống sẽ sẵn sàng hỗ trợ đối với các trường hợp không mong muốn”, ông Tuyên nói.

Để phòng chống dịch hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, ngành y tế TP.HCM cần tập trung các nguyên tắc để huy động được sức mạnh của toàn dân, như chống dịch như chống giặc; nguyên tắc 4 tại chỗ (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị thuốc men phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ); nguyên tắc vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế; nguyên tắc “5K + vacxin”.

“Hiện nay, chúng ta thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc 5K đang rất tốt. Vacxin mới được triển khai tiêm, trong khi hiện nay lượng vacxin tiếp cận được vẫn còn rất ít, do đó người dân không được chủ quan, lơ là, vẫn tiếp tục đẩy mạnh “5K + vacxin” để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đại diện các Vụ, Cục của Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra các công tác khám sàng lọc, tiêm chủng, quản lý sau tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Hùng Vương. Bên cạnh đó, đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra công tác cách ly đối với người nhập cảnh có trả phí tại Khách sạn Norfolk quận 1.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.