| Hotline: 0983.970.780

Nguyên tắc '4 đúng' vực dậy vùng na bở Liên Khê

Thứ Hai 25/11/2024 , 06:30 (GMT+7)

Cơ quan chức năng đã hướng dẫn người trồng na bở ở xã Liên Khê các biện pháp kĩ thuật để phục hồi cây khỏe mạnh và năng suất cao vụ tới.

Người dân làm cỏ, chăm sóc vườn na đã 'lỡ hẹn' vụ chiêm 2024. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân làm cỏ, chăm sóc vườn na đã "lỡ hẹn" vụ chiêm 2024. Ảnh: Đinh Mười.

Lỡ hẹn vụ chiêm

Nếu như mọi khi, vào thời điểm đầu tháng 11 dương lịch, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã bắt đầu thu hoạch na vụ chiêm thì năm nay, người dân đang tập trung để vớt vát những gốc cây còn sống sót sau trận bão lịch sử và tìm các giống cây ngắn ngày để trồng, tạo nguồn thu trước mắt.

Ông Nguyễn Tiến Tính, một người dân trồng na lâu năm ở thôn 9, xã Liên Khê, chia sẻ: "Vườn na của tôi có hơn 300 gốc, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, mỗi cây mang lại thu nhập trung bình khoảng 1,5 triệu đồng. Năm nay, mới thu được một vụ chính, còn vụ chiêm, khi quả na đã to thì bão ập đến, khiến số lượng còn lại bị hỏng, không cho thu hoạch".

Theo ông Tính, nhiều cây na đã bị gãy đổ hoàn toàn, số còn lại cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những cây bị gãy nhiều, gia đình ông đã cắt bỏ toàn bộ cành gãy, để lại các cành còn lá, hy vọng cây sẽ phục hồi. Còn những cây đang mang quả, ông phải cắt bỏ quả để tập trung dinh dưỡng cho cây phục hồi.

Khoảng 30% diện tích trồng na ở xã Liên Khê phải chặt bỏ do không còn khả năng hồi phục. Ảnh: Đinh Mười.

Khoảng 30% diện tích trồng na ở xã Liên Khê phải chặt bỏ do không còn khả năng hồi phục. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Liên Khê, cho biết tổng diện tích trồng na của địa phương hiện nay có hơn 100ha. Vụ Tết năm nay, người dân Liên Khê đã mất trắng, thiệt hại rất lớn, đã và đang tìm các loại cây ngắn ngày để trồng nhằm có thu nhập trước mắt.

Sự tàn phá của bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề đối với người trồng na ở xã Liên Khê. Ước tính khoảng 30% số cây na bị thiệt hại hoàn toàn, những cây còn lại phải đối mặt với nguy cơ suy yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Người dân phải cắt tỉa cành lá để cây na tập trung dinh dưỡng hồi phục sau bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân phải cắt tỉa cành lá để cây na tập trung dinh dưỡng hồi phục sau bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

Áp dụng nguyên tắc '4 đúng' để khôi phục trong vụ mới

Cũng theo ông Hùng, giải pháp mà Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đưa ra cho bà con nông dân rất cụ thể, chi tiết, từng hạng mục rõ ràng với những cây thiệt hại ít, thiệt hại nhiều, rồi cách chăm bón, vệ sinh, tỉa cành, bón phân,...

Cơ bản người dân đã thực hiện đúng yêu cầu và đã kịp thời cứu chữa, “vớt vát” được phần nào thiệt hại trên tinh thần nguyên tắc "4 đúng" để tăng hiệu quả: “Đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách”. Tuy vậy, do ảnh hưởng quá lớn, đến nay, toàn bộ diện tích chuối và na trên địa bàn gần như không cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán.

“Năm ngoái, vụ chiêm, toàn xã thu hoạch được vài chục tỷ đồng nhưng năm nay thì không còn gì cả. Bên cạnh cây na, chuối tây và chuối lùn đều bị ảnh hưởng tương tự. Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông thành phố để tập huấn, hướng dẫn kịp thời cho bà con. Hiện tại người dân đang tập trung dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc những cây còn sót lại”, ông Hùng cho hay.

Người dân tập trung các giải pháp để cứu những cây na còn lại, chuẩn bị cho vụ sau. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân tập trung các giải pháp để cứu những cây na còn lại, chuẩn bị cho vụ sau. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn có hơn 300ha đất trồng na, tập trung chủ yếu ở các xã như Chính Mỹ, Liên Khê, An Sơn, Kỳ Sơn, Lại Xuân. Na bở được trồng theo quy trình VietGAP nên mỗi sản phẩm ra thị trường đều đảm bảo về mặt chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Trước thực trạng cây na và cây chuối bị thiệt hại, thất thu, gần như không cho thu hoạch vụ Tết, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người dân tranh thủ những diện tích thiệt hại hoàn toàn để trồng các loại cây rau ngắn ngày, tránh lãng phí quỹ đất và có nguồn thu trước mắt, trước khi làm lại vụ mới. Người dân cần thực hiện các quy trình kĩ thuật theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng để đảm bảo cây khỏe, phát triển tốt, cho năng suất cao trong vụ tới đây.

Na bở Liên Khê, một sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao bởi UBND thành phố Hải Phòng, đã mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Mỗi ha na cho năng suất trung bình từ 8-9 tấn, giá trị thu hoạch từ 500-600 triệu đồng, cao gấp 10-20 lần so với trồng lúa. 

Để đảm bảo an toàn môi trường, đất, nước và sức khỏe người dân, vùng trồng na bở Liên Khê đã áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, bao gồm bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, tỉa cành, tạo tán và thụ phấn nhân tạo.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.