Tuy nhiên, đằng sau đó còn là âm mưu từng bước bành trướng, độc chiếm Biển Đông rõ ràng của Trung Quốc. Để đối phó với tình huống này và chuẩn bị cho một chiến lược dài hạn, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ cho rằng, Việt Nam cần chủ động, cảnh giác, không được để Trung Quốc tạo kịch bản “sự đã rồi” nhằm biến từ tranh chấp sang khai thác chung.
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ. |
Ngoài ra, ông Trục còn tính đến khả năng đưa vấn đề này ra các cơ quan tài phán quốc tế, cùng với đó là duy trì các biện pháp tuyên truyền về chủ quyền, tránh bị động về mặt thông tin.
Với kinh nghiệm lâu năm về luật pháp quốc tế và Biển Đông, chia sẻ với Báo NNVN về khía cạnh pháp lý liên quan hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, ông Trục phân tích:
Như 3 tuyên bố về vấn đề này của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thời gian qua, hành động của Trung Quốc trên khu vực Nam Biển Đông được gọi chính xác là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cụ thể hơn, nhóm tàu nghiên cứu địa lý Hải Dương 8 của Trung Quốc thực hiện các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Hành động phạm pháp của họ là nghiên cứu, thăm dò địa chấn và đưa lực lượng tàu hải cảnh đi theo bảo vệ.
Về phía Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã có những hành động cứng rắn như trao công hàm phản đối, nêu rõ lập trường và khẳng định các hoạt động vi phạm của Trung Quốc ở khu vực Nam Biển Đông. Ngoài ra, các lực lượng chấp pháp ở thực địa đã theo dõi, nắm bắt tình hình, ghi lại bằng chứng và yêu cầu các tàu Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
"Với tư cách là một nhà nghiên cứu về Luật biển, tôi khẳng định tuyên bố của Việt Nam về hành động vi phạm của Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở pháp lý, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển - UNCLOS 1982, với Luật biển Việt Nam năm 2013 và với phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 khi Philippines kiện Trung Quốc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982, phủ nhận yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh.
Sau khi chiếm bãi cạn Scarborough vào năm 2012, Trung Quốc bắt đầu nhắm đến các bãi ngầm trên khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong những năm 1990, chính quyền Bắc Kinh từng có lần phân lô, mời công ty dầu khí nước ngoài vào khai thác ở khu vực này nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam nên phải từ bỏ ý định. |
Ông có thể nói rõ hơn, từ các định nghĩa cho đến căn cứ để xác định vi phạm của Trung Quốc ở khu vực này?
Trước tiên, Tư Chính cũng như các bãi ngầm khác như Quế Đường, Huyền Trân hay Phúc Nguyên hoàn toàn nằm trong 200 hải lý kể từ đường cơ sở, do nhà nước Việt Nam công bố năm 1982, vẫn có giá trị pháp lý và hiệu lực cho đến ngày nay.
UNCLOS 1982 quy định, vùng đặc quyền kinh tế là khu vực biển tiếp liền lãnh hải, có chiều rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở. Ngoài ra, thềm lục địa là phần đáy biển kéo dài tự nhiên cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, nếu rìa này kết thúc cách đường cơ sở chưa đến 200 hải lý, quốc gia ven biển có quyền mở rộng thềm lục địa đến 200 hải lý từ đường cơ sở.
Nếu bờ ngoài rìa lục địa kéo dài hơn 200 hải lý, quốc gia ven biển có thể dựa vào quy định địa mạo, địa chất của
UNCLOS 1982, lập hồ sơ gửi lên Tiểu ban biên giới và thềm lục địa để xem xét, kéo dài thềm lục địa tới tối đa 350 hải lý. Những yếu tố trên giúp chúng ta khẳng định chắc chắn, tất cả các bãi ngầm nói trên đều nằm gọn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nơi Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Việt Nam hoàn toàn có căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình, thế nhưng Trung Quốc cũng đơn phương đưa ra lý lẽ để biện hộ cho các hành động sai trái của mình, các lý lẽ này là gì và chúng có giá trị gì hay không, thưa ông?
Bắc Kinh nói hoạt động trong một bộ phận của quần đảo Nam Sa mà họ tuyên bố chủ quyền trái phép, thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo lý luận của Trung Quốc, bãi ngầm này là một phần cấu thành quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và áp dụng quyền mở rộng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế là thềm lục địa cho các thực thể này. Tôi khẳng định, lý lẽ này hoàn toàn vô nghĩa, Trung Quốc giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982, để phục vụ tham vọng yêu sách “Đường lưỡi bò” của mình. Vì sao?
Trước hết, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là trái phép. Tiếp theo, Trung Quốc sử dụng chương nói về “Quốc gia quần đảo và quần đảo” để đơn phương công bố đường cơ sở như từng làm với cái gọi là quần đảo Tây Sa, thực chất là Hoàng Sa của Việt Nam.
Điều này hoàn toàn sai. Theo UNCLOS 1982, các quần đảo không phải là quốc gia quần đảo là một thể thống nhất, có gắn kết về mặt địa chất, địa mạo, kinh tế và lịch sử sử dụng. Khi đó, các quốc gia có chủ quyền với những quần đảo này không có quyền thiết lập đường cơ sở bao quanh chúng mà chỉ có đường cơ sở cho từng thực thể.
Ngoài ra, theo điều 121 của UNCLOS 1982, các thực thể không thường xuyên nổi trên mặt nước khi thủy triều cao nhất thì không được gọi là đảo và không được thiết lập đường cơ sở để tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý bao quanh. Đối với những đảo thường xuyên nổi trên mặt nước nhưng có kích thước nhỏ, không thích hợp cho con người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải chứ không có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Thêm vào đó, xét về địa chất, địa mạo, các bãi ngầm ở khu vực Nam Biển Đông không phải là một thể thống nhất về địa chất, địa mạo, kinh tế hay lịch sử, thậm chí còn có rãnh sâu ngăn cách với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Do đó, các lập luận mà Trung Quốc đưa ra đều vô nghĩa.
Lực lượng hải quân Việt Nam tuần tra bảo vệ quần đảo Trường sa. Ảnh: TTXVN. |
Mặc dù vô nghĩa nhưng Trung Quốc vẫn bám vào những lập luận này để có hành động phi pháp trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo ông, âm mưu sâu xa của họ là gì?
Có thể nói, âm mưu bành trướng Biển Đông của Trung Quốc đã có từ lâu và đến giờ vẫn không thay đổi. Nhằm từng bước thực hiện điều này, Bắc Kinh luôn tận dụng các điều kiện từ pháp lý, dư luận cho đến tình hình quốc tế.
Trước đây, để mở rộng xuống Biển Đông, Trung Quốc chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, rồi sau đó lợi dụng tình hình để xâm chiếm quần đảo Trường Sa, đều của Việt Nam. Tiếp theo, Bắc Kinh lợi dụng thế mạnh về kinh tế, kỹ thuật để bồi đắp trái phép những đảo chiếm đóng trái phép thành các đảo nhân tạo lớn với nhiều công trình quy mô. Hành động lần này của Trung Quốc nhằm chủ động hiện thực hóa yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý, vốn đã bị tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016.
Cũng có ý kiến cho rằng, các hành động phi pháp của Trung Quốc nhằm thăm dò, thử phản ứng của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Tôi cho là có, tuy nhiên, lần này mục đích đó chỉ là một phần.
Vậy theo ông, mục đích chính của Trung Quốc khi đưa Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là gì và những bước đi tiếp theo của họ sẽ như thế nào?
Theo tôi, mục đích chính của Trung Quốc trong lần này là nếu không vấp phải sự phản đối và lên án mạnh mẽ, họ sẽ đưa một phương tiện nào đó vào khu vực Nam Biển Đông, đưa vấn đề vào tình huống "sự đã rồi". Do Việt Nam luôn muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, tránh xung đột, thế nên, nếu thực hiện được ý đồ trên, Trung Quốc sẽ chuyển sang giọng điệu thiện chí, duy trì hòa bình, ổn định và buộc Việt Nam phải chấp nhận khai thác chung.
Rõ ràng, có thể thấy được mục đích kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh này. Họ muốn khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản và thậm chí làm giảm sức phát triển kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Cụ thể là, khi tình hình trở nên bất ổn, các đối tác nước ngoài sẽ ngại ngần trong việc hợp tác khai thác, gây ra thiệt hại kinh tế.
Trung Quốc đang muốn biến không thành có, biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp và biến tranh chấp thành cùng khai thác với những lý luận mà nghe có vẻ hợp lý nhưng lại hoàn toàn vô nghĩa.
Như vậy, âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là rõ ràng và xuyên suốt, với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này, theo ông Việt Nam có đối sách dài hơi nào không, thay vì phản ứng mang tính tình huống như hiện nay?
Đây là vấn đề mà bất kỳ người Việt Nam nào, với lòng yêu nước của mình sẽ phải đau đáu. Trước âm mưu độc chiếm Biển Đông của một quốc gia lớn, tham vọng và chủ trương không thay đổi, chúng ta phải làm gì? Đó là một câu hỏi lớn. Theo tôi, tất cả lãnh đạo, người giữ trọng trách của Việt Nam sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp mang tính chiến lược lâu dài.
Chủ trương của Việt Nam rất rõ ràng, chúng ta vừa đấu tranh bằng mọi biện pháp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp nhưng vẫn phải có trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Nói cách khác, Việt Nam sẽ giải quyết bằng phương pháp hòa bình.
Chúng ta cần có phương án với từng điều kiện cụ thể, rút ra những bài học từ lịch sử, trong quá trình ông cha bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Khi xử lý cần căn cứ vào tình huống, tương quan và tình hình quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cần triển khai mạnh mẽ, chủ động các cuộc đấu tranh về pháp lý.
Cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân đi thăm Nhà giàn DK1/15. Ảnh: TTXVN. |
Chúng ta cần phát huy, công khai những thế mạnh pháp lý, còn những gì cần thay đổi sẽ phải thay đổi cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các cơ sở lý luận chính xác để phục vụ phương án đàm phán song phương hoặc đa phương; phục vụ công tác tuyên truyền hay đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế.
Việt Nam cần duy trì việc tuyên truyền, đối thoại về vấn đề Biển Đông chứ không chỉ đẩy mạnh mỗi khi có sự vụ, tránh tình trạng bị động. Điều này sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về bản chất và không có cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, kích động gây rối như sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.
Trong sự kiện lần này, cần đặc biệt chú ý vì theo tôi Trung Quốc sẽ rút tàu Hải Dương 8 về, kèm theo một cái cớ như hoàn thành nghiên cứu rồi sau đó tìm mọi cách tạo ra kịch bản "sự đã rồi". Nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ gặp rất nhiều bất lợi, kể cả nếu có thắng kiện khi đưa ra cơ quan tài phán quốc tế. Do đó, Việt Nam không được chủ quan, phải cảnh giác và bằng mọi cách ngăn cản Trung Quốc đưa phương tiện cố định vào khu vực.
Xin cảm ơn ông!
Có thể kiện Trung Quốc ở điểm giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 Đưa vấn đề tranh chấp ra các cơ quan tài phán quốc tế là một trong những giải pháp hòa bình. Để làm được điều này, chúng ta cần nghiên cứu, nắm rõ các thủ tục khi thụ lý hồ sơ. Dưới góc nhìn của một chuyên gia tư pháp, tôi cho rằng trong vấn đề lần này Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ở điểm giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982 như tôi đã nói ở trên. Nếu muốn kiện, chúng ta cần chuẩn bị ngay các hồ sơ pháp lý, lực lượng luật sư, chuyên gia pháp lý giỏi. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có các chứng cứ về hoạt động phi pháp của Trung Quốc, xảy ra ở đâu, thời gian nào, hành động vi phạm là gì... Điều quan trọng, như tôi đã nói ở trên, cần phải làm trước khi kịch bản "sự đã rồi" được Trung Quốc tạo ra. Vì khi đó, nếu có thắng lợi về pháp lý thì ý nghĩa cũng không còn đầy đủ và có thể không thay đổi được tình hình thực địa. |