| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Đỗ Bảo Châu hết lòng vì dân nghèo, người chịu bất công, oan ức...

Chủ Nhật 07/11/2021 , 08:24 (GMT+7)

Điều tôi kính phục nhất ở anh Đỗ Bảo Châu là sự hết lòng vì những người dân nghèo, những người phải chịu sự bất công, oan ức, thiệt thòi trong xã hội…

Khoảng năm 1985 - 1986 gì đó, không nhớ được chính xác, lúc đó, đang làm công nhân ở công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà, tôi cùng với một số bạn bè như Tạ Duy Anh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Giáng Vân, Phạm Sông Hồng, Dương Kiều Minh… đều đang “tập tọe” viết lách, và đều đã có tác phẩm được đăng trên một số tờ báo ở Trung ương, đã từng tham gia trại sáng tác văn học của tỉnh Hà Sơn Bình, do Ty Văn hóa Hà Sơn Bình tổ chức.

Nhà báo, nhà văn Đỗ Bảo Châu (trái) nhiều năm giữ chức Trưởng ban Bạn đọc của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quách Trần Lâm.

Nhà báo, nhà văn Đỗ Bảo Châu (trái) nhiều năm giữ chức Trưởng ban Bạn đọc của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quách Trần Lâm.

Đối với chúng tôi hồi ấy, mỗi lần có nhà văn, nhà báo ở Trung ương lên công trường mà mình được gặp, đều là một niềm vui lớn. Một buổi chiều, đang lang thang trên một con đường trong công trường thủy điện, chợt nghe có người gọi tên mình, tôi ngoái đầu về phía tiếng gọi, thì ra anh Đào Xuân Hải, một người anh lớn hơn tôi hơn chục tuổi, đang công tác ở Ty Lương thực tỉnh Hà Sơn Bình, đã có lần cùng tham gia trại sáng tác văn học với tôi. Đi cùng anh Hải là một người tầm thước, có gương mặt rất hiền. Chỉ vào người đó, anh Hải bảo:

- Đây là nhà văn Đỗ Bảo Châu, làm việc ở Báo Lương thực thực phẩm, vừa lên công trường công tác. Còn đây là Vũ Hữu Sự…

Anh Châu bắt tay tôi:

-  À, Vũ Hữu Sự, anh đã đọc mấy truyện ngắn của chú trên Báo Lao động. Viết được lắm. “Văn kỳ thanh” mãi, hôm nay mới được “kiến kỳ hình”.

Tôi theo hai anh về nhà anh Đào Xuân Hải ở bên kia sông Đà, và nói chuyện với anh Châu suốt đêm.

Tôi quen biết anh từ đó.

Nhưng phải hơn 10 năm sau, năm 1998, khi về Hà Nội đầu quân cho Báo Nông nghiệp Việt Nam, lúc đó Báo Lương thực thực phẩm đã sáp nhập vào Báo Nông nghiệp, tôi mới được làm việc cùng anh. Tôi làm phóng viên còn anh làm Trưởng ban Bạn đọc của báo.

Khi tôi về, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có 4 nhà văn đang làm việc tại đó. Đó là Đỗ Bảo Châu, Văn Chinh, Nghiêm Thị Hằng, Lê Thiếu Nhơn, thêm tôi nữa là 5.

Ban Bạn đọc của anh Đỗ Bảo Châu là ban chuyên tiếp nhận đơn thư của độc giả cả nước gửi về báo. Số đơn thư đó gồm hai loại, thứ nhất là đơn của những người dân bị ức hiếp, bị thiệt thòi, bị xâm hại quyền lợi, rất nhiều người bị cướp mất nhà, mất đất, bị tù đày một cách oan ức, bị thu hồi đất nhưng bị ăn chặn tiền đền bù… mà xã hội gọi là “dân oan”.

Thứ hai là đơn của người dân tố cáo những kẻ tham nhũng, làm trái pháp luật trong các cơ quan nhà nước. Nhận đơn, trưởng ban sẽ đề xuất ban biên tập cử phóng viên đi xác minh, điều tra, viết bài để đưa vụ việc lên báo. Những bài viết đó nằm trong chuyên mục "Điều tra theo thư bạn đọc".

Nhà văn, nhà báo Đỗ Bảo Châu (trái) tiếp bạn đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quách Trần Lâm.

Nhà văn, nhà báo Đỗ Bảo Châu (trái) tiếp bạn đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quách Trần Lâm.

Lúc đó, số phóng viên có khả năng “điều tra theo thư bạn đọc” rất thiếu, bởi đó là những vụ việc chẳng dễ dàng gì. Đi viết để biểu dương thành tích của các địa phương thì còn được tiếp đón niềm nở, dễ dàng được cung cấp thông tin, còn đi “điều tra theo thư bạn đọc” là đi va chạm, đi đấu lý với những người gây nên nỗi oan ức, bất công cho dân, tất cả những người đó đều là lãnh đạo các địa phương. Họ chỉ chịu tiếp nhà báo khi “không còn lẩn trốn được nữa”, và khi tiếp, thái độ của họ cũng chẳng thân thiện gì. Thấy tôi về, anh Đỗ Bảo Châu đề xuất Ban Biên tập giao ngay nhiệm vụ đó cho tôi. Trước khi tôi đi thực hiện vụ đầu tiên, anh đã nói với tôi một câu mà suốt đời tôi không quên:

- Những người dân đã gửi đơn cho chúng ta, có rất nhiều người đã phải chịu nỗi bất công, oan ức kéo dài hàng chục năm trời. Họ đã gửi hàng cân đơn đến đủ các cửa nhưng chẳng được nơi nào giải quyết. Báo chí là nơi họ đặt niềm tin. Vì vậy, tuy không có thẩm quyền giải quyết, nhưng chúng  ta hãy đến với họ, nói lên những nỗi bất công, oan ức của họ, để tiếng nói của báo chí góp phần thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.

Sở trường của tôi là phóng sự nông thôn và những bài viết về các vấn đề xã hội. Nhưng từ khi được anh Đỗ Bảo Châu giao cho chuyên mục “điều tra theo thư bạn đọc”, tôi trở thành người viết nhiều nhất cho trang này.

Tất cả những vụ lớn nhất, như vụ 3 thanh niên bị oan trong vụ an “cố ý gây thương tích” ở Thanh Oai, Hà Nội, các vụ án ma túy Vũ Xuân Trường ở Hà Nội, vụ Nguyễn Văn Tám ở Nam Định, vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, vụ Trần Văn Vót ở Hà Nam  hay vụ án đầm tôm Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng… tôi đều có mặt, và đều được anh theo sát để tư vấn, giúp đỡ.

Trong hàng chục năm gắn bó, cùng làm việc với anh Đỗ Bảo Châu, điều tôi kính phục nhất ở anh là sự hết lòng vì những người dân nghèo, những người phải chịu sự bất công, oan ức, thiệt thòi trong xã hội…

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.