Tham gia hội nghị có lãnh đạo Sở NN-PTNT Gia Lai và các địa phương có vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh Gia Lai cùng hàng trăm nông dân sản xuất, kinh doanh mía.
Quang cảnh hội nghị |
Để chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, Nhà máy đường An Khê đã triển khai thực hiện chiến lược phát triển vùng nguyên liệu từ năm 2018 đến năm 2023 với mục tiêu đảm bảo nhà máy đủ sức cạnh tranh với ngành đường trong nước và khu vực, đồng thời đảm bảo thu nhập cho người sản xuất mía trong vùng.
Trong niên vụ ép 2017 - 2018, Nhà máy đường An Khê đã thu hoạch 29.641ha mía nguyên liệu, năng suất bình quân đạt 73,4 tấn/ha, sản lượng toàn vùng đạt 2.175.431 tấn, nhà máy thu mua 1.964.130 tấn (trong đó thu hoạch máy 62.182 tấn/800ha). Tổng diện tích mía nguyên liệu nhà máy đầu tư là 18.866ha, năng suất bình quân 77,5 tấn/ha. Trong đó, năng suất mía cơ giới cánh đồng lớn 91 tấn/ha; năng suất mía cơ giới trồng máy 79,5 tấn/ha; năng suất mía cơ giới trồng thủ công 74,5 tấn/ha; năng suất mía đầu tư đại trà 69,2 tấn/ha; năng suất mía dân tự trồng bình quân đạt 66,2 tấn/ha.
Với mục tiêu phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả trong quá trình hội nhập, Cty CP Đường Quảng Ngãi đã xây dựng chiến lược phát triển vùng nguyên liệu mía đến năm 2023 đạt 43.000ha, sản lượng mía đưa về nhà máy là 3.200.000 tấn. Trước mắt, Nhà máy đường An Khê định hướng hoạt động phát triển vùng nguyên liệu cho niên vụ 2018 - 2019 với diện tích mở rộng toàn vùng là 33.000ha, năng suất mía bình quân đạt 73 tấn/ha, sản lượng mía đưa vào chế biến 2,3 - 2,4 triệu tấn/vụ, diện tích mía đầu tư là 30.000ha.
Ngoài ra, để ổn định vùng nguyên liệu đủ cung cấp cho nhà máy hoạt động từ 18.000 - 25.000 tấn mía cây/ngày trong thời gian tới, Nhà máy đường An Khê đã xây dựng những giải pháp cụ thể về giống mía, cơ giới hóa, phân bón, nước tưới. Đặc biệt, nhà máy tiếp tục đầu tư nâng công suất ép và hoàn thiện máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất để nâng cao hiệu quả thu hồi đường từ mía; đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE từ đường thô để cung cấp vào các siêu thị cao cấp và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả trong chế biến, tinh luyện.
Đồng thời, Nhà máy đường An Khê sẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đồng ruộng để nâng cao hiệu quả điều hành vùng nguyên liệu; ban hành cơ chế chính sách nhân giống mía, chính sách mua mía nguyên liệu theo từng loại giống mía nhằm khuyến khích người sản xuất chuyển đổi từng thời kỳ theo định hướng cơ cấu giống mía phù hợp; tối ưu hóa trong quản lý sản xuất, giảm tối thiểu chi phí trong từng công đoạn chế biến nhằm hạ giá thành sản phẩm đường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường…