Đang công tác tại Sở Công an tỉnh Thái Bình, xin nghỉ hưu sớm để được làm theo ý thích của mình là nghiên cứu về triều đại nhà Trần. Từ nhiều năm nay, ông Đặng Hùng đã có nhiều bài nghiên cứu có giá trị, và các bài đó đã được tập hợp thành sách. Hiện, ông đang thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Dấu ấn nhà Trần trên đất Thái Bình”.
Nhân bộ phim “Trần Thủ Độ” đang bấm máy để phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà nghiên cứu Đặng Hùng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nhân vật lịch sử này.
Theo ông, Trần Thủ Độ là một gian hùng hay một anh hùng?
Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) dưới triều Lý Cao Tông, và xuất hiện lần đầu trên vũ đài chính trị vào năm 1214, lúc 20 tuổi, với tư cách tướng chỉ huy một cánh quân dưới quyền Trần Tự Khánh. Triều Lý từ trước đó đã suy yếu đến cực điểm, chính sự nát như tương khiến loạn lạc khắp nơi, loạn trong dân, loạn ở cung đình. Loạn Quách Bốc khiến vua phải chạy một nơi, hoàng thái tử (Lý Sảm) trốn một nẻo. Chính viên tướng trẻ 20 tuổi Trần Thủ Độ đã được Trần Tự Khánh giao chỉ huy một cánh quân đánh lên Tây Bắc để đón vua về.
Chẳng bao lâu ông đã làm tới Điện tiền chỉ huy sứ, tức là đại thần nắm quân ngự lâm bảo vệ nhà vua, có quyền thế rất lớn. Lợi dụng việc vua kế vị Cao Tông là Huệ Tông bị tâm thần, Trần Thủ Độ đã ép vua phải nhường ngôi cho cô con gái mới 6 tuổi để ra tu ở một ngôi chùa, gả cháu mình là Trần Cảnh cho nữ vương Lý Chiêu Hoàng rồi ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, ép Lý Huệ Tông phải tự tử. Gian hùng đến thế thì có kém gì Tào Tháo (Trung Quốc), nhưng chính nhờ sự gian hùng đó mà đất nước đang loạn trở thành trị. Ông đổi mới về kinh tế, đổi mới trong văn hoá xã hội, cải cách bộ máy hành chính…
Từ những đổi mới đó mà nhân dân no ấm, đất nước phát triển, quân đội tinh nhuệ, đủ sức đương đầu với cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên. Trong cuộc kháng chiến này, giữa lúc tình thế cực kỳ nguy hiểm, Trần Thủ Độ đã có một câu nói đanh thép: “Đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo”. Lời nói khẳng khái đó khiến nhà vua thêm vững lòng. Tóm lại, lời đáp của tôi cho câu hỏi trên của ông thế này: Với triều Lý, Trần Thủ Độ là một gian hùng, nhưng với dân tộc, với đất nước, ông là một anh hùng.
Có ý kiến cho rằng trước đó, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung đã yêu nhau, nhưng rồi Trần Thị Dung bị gả cho hoàng thái tử Lý Sảm, nên Thủ Độ thù hận nhà Lý, và đó cũng là một trong những lý do khiến ông tìm cách chiếm ngôi nhà Lý cho cháu mình, để đoạt lại người yêu, ông nghĩ thế nào?
Tôi chưa từng được đọc một tài liệu nào nói về chuyện yêu đương giữa hai nhân vật lớn đó. Điều ông nói, có chăng chỉ là những đàm luận miệng. Nhưng tôi cho là không đúng. Hiện nay, chúng ta chưa biết được năm sinh của Trần Thị Dung, nên chưa biết bà lớn hay ít tuổi hơn Trần Thủ Độ, chỉ biết khi mới sinh, bà đã ở với cậu ruột là Tô Trung Từ, năm tám hay chín tuổi mới về nhà cha đẻ là Trần Lý.
Bà được gả cho Lý Sảm năm 1211, lúc đó Trần Thủ Độ mới mười sáu, mười bẩy tuổi, và đã tòng chinh dưới trướng Trần Tự Khánh, nên chuyện yêu đương giữa hai người không thể có. Và lại càng không thể có chuyện do Trần Thủ Độ hận tình mà tìm cách chiếm ngôi nhà Lý. Nói như thế là hạ thấp Trần Thủ Độ. Khi đó, chắc chắn Trần Thủ Độ biết người Mông Cổ đã chiếm gần hết Trung Quốc, nhà Tống bị diệt vong chỉ là chuyện sớm chiều, và sau khi diệt xong nhà Tống, chắc chắn chúng sẽ nhòm ngó đến Đại Việt. Để tránh đại hoạ xâm lăng, chỉ có một con đường duy nhất là làm cho đất nước trở nên hùng mạnh, thống nhất quyền lực vào tay triều đình, đoàn kết toàn dân trên dưới một lòng. Vì vậy, việc ông chuyển ngôi nhà Lý sang dòng họ Trần là vì sự an nguy của quốc gia, vì sự tồn vong của dân tộc chứ đâu phải vì một mối tình.
Việc xác định thân phụ Trần Thủ Độ là ai đã khiến giới nghiên cứu tốn không biết bao nhiêu là giấy mực. Nhiều người cho rằng thân sinh của ông chính là Hoằng Nghị đại vương, ông có ý kiến gì về vấn đề đó?
Lịch sử triều Trần còn rất nhiều điều chưa được làm sáng tỏ. Lẽ thường, khi con cái làm quan lớn thì cha mẹ được tôn vinh. Ngay sau khi lên làm vua, Thái Tông Trần Cảnh đã phong Trần Thủ Độ làm Quốc Thượng Phụ, giữ việc cai trị thiên hạ, sau lại phong ông làm Thái sư, giữ cả việc đánh dẹp các thế lực cát cứ. Ông còn được vua cho dựng sinh từ (đền thờ lúc còn sống). Với một nhân thần, ngôi vị như vậy là cực phẩm.
Thế mà cho đến nay, không có bất cứ tài liệu nào ghi tên thân phụ, thân mẫu ông. Đã có một cuộc hội thảo do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức về nhân vật Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị đại vương, được nhiều người cho là thân phụ Trần Thủ Độ.
Tại hội thảo này, nhiều người đã cố gắng chứng minh điều đó, nhưng tôi cho rằng những chứng minh của họ còn nhiều khiên cưỡng, gượng gạo, thiếu cơ sở khoa học. Có người thậm chí còn đồng nhất Hoằng Nghị đại vương với một vị thần là Trang Nghị đại vương được thờ ở làng bên cạnh. Nhưng Trang Nghị đại vương là thiên thần chứ đâu phải nhân thần.
Mà thiên thần thì làm sao sinh ra người trần gian được? Tôi tin rằng cùng với thời gian, vấn đề này sẽ được soi sáng. Nhưng dù hiện nay chúng ta chưa biết chắc thân phụ Trần Thủ Độ là ai, thì việc đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc đánh giá, tôn vinh công lao của ông đối với dân tộc, với đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!