Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng khởi nghiệp là một họa sĩ, với triển lãm cá nhân đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 1996. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng còn được giới mộ điệu biết đến với tư cách một cây bút uy tín trong lĩnh vực phê bình mỹ thuật.
Tác phẩm “Văn minh vật chất của người Việt” cùng với tác phẩm “Nghệ thuật ngày thường” và tác phẩm “Tập tục đời người” là ba thành quả từ quá trình lặn ngụp trong văn hóa Việt của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, như chính ông tâm niệm: “Dù chúng ta đang hội nhập thì để không đánh mất chính mình, chúng ta cũng không bao giờ nên quên đi những giá trị cốt lõi, những giá trị truyền thống đã tạo nên chúng ta hôm nay”.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói về tác phẩm “Văn minh vật chất của người Việt” một cách khiêm cung: “Cuốn sách này không có tham vọng là lịch sử của đời sống vật chất Việt Nam mà chỉ là một câu chuyện về đời sống ấy, tôi biết gì thì kể lại, một quá khứ không ít trong tôi. Bạn đọc cũng sẽ có cách nhìn và hiểu riêng của mình, nếu có thể thì cùng nhau gìn giữ lại những gì dân tộc đã trải qua”
Giải thưởng Sách Quốc gia 2022 có 48 nhà xuất bản tham gia, với 298 tựa sách và bộ sách, bao gồm 386 cuốn. “Văn minh vật chất của người Việt” là một trong 26 tác phẩm được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia tổ chức trao giải vào đêm 3/10 ở Hà Nội.
Văn minh vật chất phản ánh tâm tính người Việt ra sao? Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Qua những vật chất thường dùng, để thấy người Việt đã sinh sống như thế nào, cuối cùng là cái văn minh của người Việt Nam được biểu chương ra sao trong từng cái bát, đôi đũa, và giường tủ bàn ghế... Mỗi giai tầng có hoàn cảnh sống và đồ dùng riêng, nói lên đặc điểm lao động nghề nghiệp và chức phận riêng, do đó cách sinh hoạt vật chất cũng hoàn toàn riêng biệt”.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng ông học tập cách nghiên cứu văn minh từ các học giả phương Tây, nhưng mô tả trình bày bằng tâm hồn của người sống trong các đối tượng đó, hay nói cách khác, người viết cũng chính là một đối tượng. Nhiều năm độc bộ nghiên cứu, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng “chỉ tiếc là không có người đồng hành khai thác kho tàng văn hóa cổ, bởi kho tàng thì quá to mà sức người lại quá nhỏ”.
Tác phẩm “Văn minh vật chất của người Việt” được khảo sát ở các góc độ “Phương cách di chuyển”, “Dụng cụ trong sinh hoạt, làm việc thường ngày”, “Đời sống ẩm thực”, “Tín ngưỡng thế giới bên kia qua đồ táng, thờ và một số nghề nghiệp”, “Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hành vi, cử chỉ”. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng không thể hiện bằng ngôn ngữ khoa học khô khan mà diễn đạt đậm chất văn chương, khiến mỗi câu chuyện đều gần gũi và lôi cuốn.
Đọc “Văn minh vật chất của người Việt”, độc giả dễ dàng bắt gặp những suy tư của tác giả: “Con người vừa sáng tạo ra đồ vật vừa lệ thuộc nó, giống như tình cảm thế hệ vậy, không phải chỉ bây giờ. Nhưng xưa, con người có tôn giáo, coi vật chất và cả bản thân mình là phù du. Người bình dân sống đơn giản, ít vật chất nên sự nô lệ vật chất cũng tương đối.
Càng vào thời hiện đại, người ta càng lười suy nghĩ hơn về đồ vật (hay vật chất nói chung), đồ gì cũng được, ai sản xuất cũng được, miễn là tốt và rẻ, tốt hơn là hàng hiệu. Dấu ấn dân tộc còn rất ít giá trị, và do đó tinh thần dân tộc trong một đồ vật cũng còn rất ít giá trị”.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng sinh năm 1957 ở phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Là con út trong gia đình truyền thống hiếu học có 9 anh chị em, nên Phan Cẩm Thượng không chỉ được rèn luyện thói quen đọc sách từ nhỏ mà còn thông thạo chữ Hán. Ông có một cuộc sống trầm lặng, thích lang thang ở các đình chùa và tìm hiểu những thư tịch lưu giữ dấu vết xa xưa.
Thêm một Giải thưởng Sách Quốc gia, với nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng giống như sự ghi nhận về quá trình tận tụy. Ở tuổi 65, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thao thức: “Theo nghĩa đen, làng xã là một cộng đồng dân cư nhỏ nhất trong xã hội Việt Nam, có tập tục riêng, hương ước riêng và cả tín ngưỡng riêng. Cách sống của người Việt trong làng xã hình thành nên tính cách người Việt, nên dù ra khỏi làng xã, tính cách ấy vẫn không mất đi, thậm chí còn phát triển mạnh mẽ, như là một phương cách sống hữu hiệu ngay trong xã hội hiện đại.
Tâm lý làng xã là một hình thái sống, còn sinh động hơn cuộc sống trong cái làng thật sự. Hình thái sống này không ngoại trừ tầng lớp trí thức, dù họ luôn được coi là những người cấp tiến. Bởi vì trí thức Việt Nam thất bại nhiều hơn là đạt được những thành tựu trong quá trình phát triển của xã hội”.