Nhà ở xã hội nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Bởi lẽ, nhà ở xã hội không chỉ giải quyết nơi ở cho hộ gia đình khó khăn, mà còn giống như thước đo văn minh một xứ sở không bỏ rơi những người yếu thế. Vậy mà, trong bối cảnh quỹ nhà ở xã hội đã khan hiếm, lại còn phát sinh tiêu cực trong quá trình phân phối đến đối tượng thụ hưởng.
Sự kiện nóng bỏng nhất, tỉnh Đắk Nông vừa kết luận dự án nhà ở xã hội tại khu Sùng Đức, phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa có đến 66 hợp đồng mua nhà ở xã hội được thực hiện trái quy định.
Đáng chú ý trong số đó, có hợp đồng mua nhà ở xã hội thuộc về vợ của Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Nông và vợ của Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông. Đơn vị thi công dự án nhà ở xã hội bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng, và buộc phải thu hồi nhà ở xã hội đã bán sai đối tượng ưu tiên.
Nhà ở xã hội, ngay tên gọi của nó, đã phân định rõ ràng những người được sở hữu. Luật Nhà ở năm 2014 cũng quy định rất rõ về 10 đối tượng được mua nhà ở xã hội, có thể kể đến người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn, hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị...
Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì chỉ được phép đăng ký mua nhà ở xã hội, khi chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, hoặc đang cư trú trong căn hộ có diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn mức tối thiểu do Chính phủ quy định.
Tóm lại, nhà ở xã hội chỉ dành cho những ai đang phải loay hoay và chật vật về nơi cư ngụ. Nộp đơn xin mua nhà ở xã hội là những người trực tiếp thừa nhận sự thua thiệt của bản thân, và cần sự sẻ chia của những người xung quanh. Cho nên, những kẻ đã có đủ điều kiện về nhà ở, mà đi tranh giành với những người kém may mắn hơn, đích thực là những kẻ thiếu tự trọng.
Câu chuyện ở Đắk Nông chỉ là một ví dụ tiêu biểu. Bởi lẽ, Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được nhiều kiến nghị của cử tri TP.HCM liên quan đến nội dung xem xét các hành vi vi phạm trong việc mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng.
Hiện tượng tiêu cực này cũng được Bộ Xây dựng ghi nhận xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk...
Chẳng đặng đừng, Bộ Xây dựng phải ban hành hàng loạt văn bản đề nghị đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm trong việc bán, cho thuê nhà ở xã hội và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Chính phủ lên kế hoạch dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng, để cho các dự án nhà ở xã hội được vay theo hình thức tái cấp vốn. Nghĩa là, nhu cầu nhà ở xã hội vẫn rất cấp thiết. Vì vậy, cần phải quyết liệt ngăn chặn những bàn tay dơ bẩn trong các dự án nhà ở xã hội có ý đồ tiếp sức cho người giàu tước đoạt cơ hội an cư của người nghèo.