Nhà thơ Giang Nam có tên khai sinh Nguyễn Sung, chào đời ngày 2/2/1929 tại Ninh Bình, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Nhà thơ Giang Nam tham gia kháng chiến ở quê nhà từ năm 16 tuổi. Sự chọn lựa đi với cách mạng đã biến chàng trai Nguyễn Sung thành nhà thơ Giang Nam, như ông thổ lộ: “Tôi cầm bút viết thơ là điều chính tôi cũng không ngờ, chủ yếu do tôi không thể dằn lòng trước nỗi đau của bà con và nỗi đau của riêng mình”.
Chỉ với bài “Quê hương”, Giang Nam đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Đó là một sự may mắn không phải ai cũng có được trong nghề văn chương. Tuy nhiên, với Giang Nam, giấc mộng thi sĩ giống như một sự sắp đặt ngẫu nhiên của số phận. Nhà thơ Giang Nam sáng tác để có thêm vũ khí cho mình trên hành trình dấn thân “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” một cách chân thành: “Tôi thấm thía một điều, cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước là ngọn nguồn cảm xúc trong thơ tôi”.
Bài thơ “Quê hương” ra đời năm 1960 ở căn cứ Hòn Du, nằm phía tây thành phố Nha Trang. Bài thơ “Quê hương” đậm chất tự sự, như được ghi chép rất thật thà về tâm trạng của tác giả khi nghe tin người vợ của mình bị giặc bắt và đã hy sinh ở miền Nam.
Cả bài thơ “Quê hương” gồm 35 câu, kể lại một câu chuyện dằng dặc nhớ thương giữa hai con người có chung nhiều kỷ niệm và có chung một lý tưởng. Không khí yên ả và tâm tư trong sáng làm nền cho cả bức tranh “Quê hương”.
Bài thơ “Quê hương” khởi đi từ nét đẹp hồn nhiên “Tuổi còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/ Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao/ Những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được/ Chưa đánh roi nào đã khóc/ Có cô bé nhà bên/ Nhìn tôi cười khúc khích”, rồi đến rung động thánh thiện “Cô bé nhà bên (có ai ngờ)/ Cũng vào du kích/ Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích/ Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)/ Giữa cuộc hành quân không nói được một lời/ Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại/ Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...”.
Và đến hẹn thề thanh cao “Hoà bình tôi trở về đây/ Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày/ Lại gặp em/ Thẹn thùng nép sau cánh cửa.../ Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ/ Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)/ Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi/ Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...”.
Ba mảng màu tươi tắn của “Quê hương” được khắc hoạ bởi điệu cười khúc khích. Ba đoạn thơ chỉ mang tính thông tin, nhưng nhờ điệu cười khúc khích mà lan toả thành ba ấn tượng đặc biệt!
Tuy nhiên, ba điệu cười khúc khích không thể tạo ra bài thơ “Quê hương”, nếu không có giông tố đột ngột: “Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi/ Đau xé lòng anh chết nửa con người”. Sự mất mát ấy gây bàng hoàng cho người đọc, và trở thành điểm nhấn để kỷ niệm bay lên, lý tưởng bay lên, câu chữ bay lên, thả lơ lửng một bài thơ “Quê hương” vào bầu trời thi ca Việt Nam giai đoạn chống Mỹ cứu nước!
Nhà thơ Giang Nam từng đảm nhận cương vị Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Nhà thơ Giang Nam đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Những năm tháng nghỉ hưu tại Nha Trang, nhà thơ Giang Nam vẫn đều đặn sáng tác và quan tâm đến đời sống văn chương, với tâm tư: “Chúng ta hãy sống hết mình vì đất nước và hãy loại bỏ những gì có thể hủy hoại hình ảnh đất nước. Nhà thơ rất cần chân thực, bởi chỉ có chân thực với chính mình thì thơ mới có giá trị. Thơ là cái tôi riêng, cái bản ngã của mỗi cá nhân và hãy nói tiếng nói của lòng mình, chứ đừng dùng thơ làm sự tiến thân, làm trang sức cho mình... Tôi tin rằng, lớp trẻ sẽ tìm ra những con đường, những ngả đường và khám phá mới cho thơ”.