Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh sinh ngày 16/11/1920. Từ năm 14 tuổi, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã có bài thơ “Xây mơ” được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc, báo hiệu cho sự xuất hiện của một giọng điệu mới mẻ trong làng nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh dự phần trong “Thi nhân Việt Nam 1932-1941" của Hoài Thanh - Hoài Chân, thì hầu như công chúng quen thuộc nhiều nhất hai câu thơ “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm”.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh là lớp văn nghệ sĩ tiên phong đi theo cách mạng. Ông có những đóng góp quan trọng cho thi ca, nhưng lại lặng lẽ ngoài danh lợi. Quá trăm tuổi, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh chọn một sáng Hà Nội bình yên để thanh thản bay về trời “chim xuân khép cửa trầm tư lại/ đẩy gió về đây mấy dặm ngàn”, như câu thơ ông viết cách đây hơn 70 năm: “Gặp gỡ trời xanh trên núi cũ/ Hoa cười Hà Nội sáng duyên mây/ Hoàng hôn ngựa cuốn cầu vồng lụa/ Cũng hẹn về đây những phố đầy”.
Ngoài tác phẩm “Xuân thu nhã tập” in năm 1942, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh còn có những tác phẩm tiêu biểu như “Tiếng hát quê ta” (1958) “Chiếc bong bóng hồng” (1957) “Nghe bước xuân về” (1961) “Quê biển” (1966) “Sáng thơ” (1971) “Đảo dưa đỏ” (1974) “Đất nước và lời ca” (1978) “Đất thơm” (thơ văn xuôi 1995).
Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001. Thế nhưng, hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh chắc chắn sẽ còn lại với thế hệ sau. Bởi lẽ, ông có những cách tân với nhạc điệu riêng biệt cho thơ mình.
Thơ Nguyễn Xuân Sanh không mấy phổ cập với đám đông, nhưng giá trị nghệ thuật rất đáng để trân trọng. Trong giai đoạn kháng chiến, thơ Nguyễn Xuân Sanh đã không giống những người đương thời: “Nhạc rừng nhớ buổi đi theo nắng/ Lên ngát mây chiều hoa phượng reo/ Bốn bề núi dựng tương tư ngọc/ Lá đổ còn lay bạt mái chèo.”
Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh! Vĩnh biệt gương mặt “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” cuối cùng rời khỏi cõi nhân gian: “Thử hỏi xuân cười hay đất sống/ Xanh xanh trăm nẻo một hương rừng/ Khi bụi nở vàng lên bước chậm/ Nhớ chào con bướm đậu nghiêng lưng”.