Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn được biết đến như một lực điền bậc nhất trên cánh đồng văn chương Việt Nam hiện đại. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn sinh năm 1945, quê quán Sóc Sơn – Hà Nội, từng làm nhiều nghề lao động tay chân trước khi cầm bút.
Từ tác phẩm đầu tay “Người bạn tôi yêu” in năm 1976 đến nay, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã phô diễn một khả năng sáng tác dồi dào và đa dạng. Ông đã xuất bản 9 tập truyện ngắn, 2 cuốn sách thiếu nhi, 10 tiểu thuyết, 2 kịch bản sân khấu, 11 kịch bản điện ảnh, 5 kịch bản phim video, 22 kịch bản phim truyền hình.
Nếu tính số lượng chữ đã viết ra, thì nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn có lẽ là người viết nhiều nhất trong số những tác giả đang còn tại thế. Tuy chưa thống kế tỉ mỉ, nhưng ước tính số trang viết của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn hoàn toàn có thể sánh ngang với số trang viết của nhà văn tiền bối Tô Hoài (1920-2014).
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, độc giả nhớ ngay đến những tiểu thuyết đình đám như “Những khoảng cách còn lại”, “Đứng trước biển” hoặc “Cù lao tràm” được in hàng chục vạn bản vào nửa đầu thập niên 1980. Ngoài ra, tên tuổi nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cũng gắn với những bộ phim ăn khách như “Đời hát rong”, “Lưới trời”, “Trúng số”, “Đồng tiền xương máu”, “Người đàn bà yếu đuối”, “Hướng nghiệp”, “Huyền sử thiên đô”...
Suốt 40 năm qua, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn xác lập một tư cách nhà văn chuyên nghiệp. Ông rời xa một sinh hoạt đám đông ồn ả, để ôm lấy cái bàn viết. Ông viết mọi thể loại, và dành mọi thời gian để viết. Nếu có việc gì đó mang tính xã giao phải rời khỏi nhà, ông luôn thở dài tiếc rẻ sự lãng phí cơ hội làm việc: “Mấy toi mấy chục trang”.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn từng có thu nhập rất “khủng” nhờ viết kịch bản phim. Thế nhưng, niềm đam mê thường trực của ông vẫn là tiểu thuyết. Sau tiểu thuyết “Phần hồn” in năm 1994, đến hôm nay nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn mới có dịp tái ngộ người hâm mộ với tiểu thuyết “Linh ứng”.
Tiểu thuyết “Linh ứng” do Nhà xuất bản Dân Trí và First News ấn hành, dày hơn 700 trang, phát hành đợt đầu tiên ngày 16/1 với số lượng 4000 bản. Tiểu thuyết “Linh ứng” có dáng dấp của một bút ký. Bởi lẽ, nhân vật chính được viết lại đúng theo tư cách riêng tư của tác giả. Từng chương, từng hồi được kể tỉ mỉ và rạch ròi.
Tiểu thuyết “Linh ứng” được khẳng định là “hành trình của kẻ siêu vô thần đến với thế giới tâm linh”. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã viết rất chi tiết về việc đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi là anh trai ruột của mình, với sự giúp đỡ từ nhà ngoại cảm.
Văn tài của Nguyễn Mạnh Tuấn thì không cần bàn cãi. Ông có khả năng dẫn dắt câu chuyện và khái quát tình huống để lôi cuốn người đọc không thể rời bỏ tác phẩm. Tuy nhiên, đề tài tâm linh vốn nhạy cảm và không đơn giản. Cho nên, “Linh ứng” cũng là một thử thách mà nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã vượt qua ngoạn mục ở tuổi 77.
Đọc “Linh ứng”, người kiên định duy lý cũng muốn hào hứng duy tâm. Bởi lẽ, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đã tái dựng được một không gian huyền ảo nhưng lại có thật trước mắt mỗi người. Nhiều phần ly kỳ và éo le cứ mở ra, vừa gần gũi vừa bí hiểm như “Niềm tin nhen nhóm”, “Ngôi mộ ở Huế”, “Lần theo manh mối”, “Không biết mới sợ”, “Quý nhân phù trợ”, “Không còn là ẩn số”... buộc công chúng phải suy tư cẩn trọng hơn về giá trị tâm linh.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng “Linh ứng” không chỉ là một nỗ lực thay đổi của ông, không chỉ về bút pháp mà còn về nhận thức. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn thổ lộ về tác phẩm "Linh ứng" chắc chắn sẽ gây không ít tranh cãi sau khi bước ra thị trường sách: “Cuộc sống của mỗi người chúng ta trên cõi trần gian này, phải chăng có sự can thiệp, sắp xếp vô hình của thế giới tâm linh, nhằm tận cùng cân bằng đạo lý giữa con người với con người, giữa đời và đạo, giữa sống và chết, giữa xác và hồn?”.